Phát biểu tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X khai mạc sáng 10/12, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh công tác thi đua khen thưởng có tầm quan trọng đặt biệt, góp phần tạo ra động lực thúc đẩy các hoạt động cách mạng.
“Đây là tư tưởng mang ý nghĩa chiến lược của Đảng ta, là một phương thức tổ chức công việc hết sức có hiệu quả, không phải chỉ trong giai đoạn bây giờ mà từ thời xưa”, Tổng bí thư nói, đồng thời điểm lại rất nhiều phong trào thi đua từ những năm còn kháng chiến.
Xuất hiện ngày càng nhiều gương người tốt, việc tốt
Theo người đứng đầu Đảng, Nhà nước, không phải ngẫu nhiên mà ngay từ những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, trong hoàn cảnh đất nước vô vàn khó khăn, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc; Trung ương Đảng đã thành lập Ban Vận động thi đua ái quốc từ Trung ương đến địa phương và phát động thi đua để động viên mọi lực lượng tham gia kháng chiến, kiến quốc.
Tổng bí thư cho rằng mọi thành quả của cách mạng nước ta đều gắn liền với việc tổ chức có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng mọi thành quả của cách mạng nước ta đều gắn liền với việc tổ chức có hiệu quả phòng trào thi đua yêu nước. Ảnh: Hoàng Hà. |
Trải qua chặng đường dài lịch sử xây dựng và phát triển đất nước, Tổng bí thư ghi nhận các phong trào thi đua luôn phát triển, có nhiều đổi mới, đã cổ vũ, động viên cả dân tộc nỗ lực vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, vươn lên đạt những thành tựu to lớn.
Nhắc đến biến cố đại dịch Covid-19 trong năm 2020 cùng những tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, Tổng bí thư nhấn mạnh chính nhờ sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, được coi là điểm sáng về phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội.
Qua thực tiễn, Tổng bí thư ghi nhận việc xuất hiện ngày càng nhiều gương người tốt, việc tốt, gương điển hình tiên tiến trên mọi lĩnh vực và khắp mọi miền của Tổ quốc.
Ông nhấn mạnh công tác tuyên truyền góp phần không nhỏ vào việc đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện và cổ vũ những nhân tố mới, tạo ra một khí thế mới, động lực mới cho việc thực hiện nhiệm vụ chính trị.
Bên cạnh những kết quả đã đạt, Tổng bí thư chỉ ra một số hạn chế, trong đó hạn chế lớn nhất là còn nhiều mô hình, gương điển hình tiên tiến chưa được phát hiện, bồi dưỡng kịp thời và nhân rộng có hiệu quả.
2.020 đại biểu dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X là những tấm gương điển hình, tiên tiến đại diện cho các lĩnh vực. Ảnh: Hoàng Hà. |
Công tác khen thưởng có lúc, có việc chưa kịp thời, khen thưởng trong công nhân, nông dân, những người lao động trực tiếp còn chưa nhiều, nhất là các hình thức khen thưởng bậc cao.
Yêu cầu sớm khắc phục những hạn chế, Tổng bí thư đề nghị những người làm công tác thi đua khen thưởng cần suy nghĩ và đề cao trách nhiệm, tổ chức thực hiện để đưa công tác thi đua khen thưởng thực sự trở thành một phương thức lãnh đạo của Đảng, một công cụ của quản lý Nhà nước và là động lực để xây dựng con người mới.
“Phải tránh hình thức”
Định hướng phát triển phong trào thi đua trong thời gian tới, Tổng bí thư nhấn mạnh phải làm sao để công tác thi đua khen thưởng là động lực, là biện pháp góp phần tăng cường xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, xây dựng.
Đặc biệt, phải tổ chức các phong trào có mục tiêu thiết thực, cụ thể, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế. Cùng với đó, đổi mới toàn diện, phát huy tinh thần sáng tạo trong tổ chức thi đua sao cho thật bổ ích, thiết thực, tránh hình thức, lối mòn, nhàm chán, tẻ nhạt.
“Tôi muốn nói là tránh hình thức, vì còn nhiều việc vẫn hình thức lắm. Làm sao cho thật thiết thực, mang lại hiệu quả cụ thể”, Tổng bí thư nhắc lại.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tới dự đại hội. Ảnh: Hoàng Hà. |
Người đứng đầu Đảng, Nhà nước nhắc nhở phong trào thi đua cần có nội dung tiêu chí cụ thể, rõ ràng, để dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát; huy động sự tham gia đông đảo và sự hưởng ứng tích cực của quần chúng nhân dân.
Công tác khen thưởng cũng phải được nâng cao, bảo đảm khen thưởng chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch, có tác dụng giáo dục và nêu gương. Trong đó, quan tâm khen thưởng những người trực tiếp lao động sản xuất.
Nhấn mạnh thi đua là để đào tạo, rèn luyện và xây dựng con người mới, Tổng bí thư nhắc lại yêu cầu “phải tránh hình thức”.
Mặt khác, Tổng bí thư đề nghị tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền thi đua, nhân rộng các điển hình tiên tiến theo gương “người tốt việc tốt” nhằm thúc đẩy, cổ vũ phong trào thi đua yêu nước, góp phần tạo động lực thi đua, thực hiện xuất sắc nhiệm vụ được giao.
“Thi đua là chủ trương chiến lược của Đảng, là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, liên tục mà tất cả các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị. Tôi tin tưởng với sự nỗ lực phấn đấu của toàn thể cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trong cả nước, công tác thi đua khen thưởng và phong trào thi đua yêu nước thời gian tới nhất định sẽ có nhiều thành công mới, tạo ra động lực mới quan trọng, góp phần đẩy mạnh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, Tổng bí thư kết thúc bài phát biểu.