Ngày 27/11, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự Hội nghị tổng kết công tác kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng.
Theo Tổng bí thư, đây là dịp để đánh giá, khẳng định những việc làm tốt, thấy rõ những việc làm còn chưa tốt; trao đổi kinh nghiệm giữa các cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp để sắp tới làm tốt hơn.
Kiểm tra, giám sát những lĩnh vực nổi cộm, phức tạp
Người đứng đầu Đảng, Nhà nước đánh giá nhiệm kỳ qua, hoạt động kiểm tra, giám sát đã góp phần quan trọng vào việc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến, tự chuyển hoá" trong nội bộ và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Các cấp ủy, tổ chức Đảng, ủy ban kiểm tra các cấp đã tích cực thực hiện khá toàn diện các nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng. Số lượng các cuộc kiểm tra, giám sát năm sau cao hơn năm trước và tăng nhiều so với nhiệm kỳ Đại hội XI.
“Nội dung đã tập trung vào những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, những vấn đề bức xúc mà cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm. Chất lượng, hiệu quả các cuộc kiểm tra, giám sát được nâng lên, kịp thời xử lý kỷ luật nghiêm minh và công khai kết quả xử lý”, Tổng bí thư đánh giá.
Theo Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, một điểm sáng nổi bật trong nhiệm kỳ này là đội ngũ cán bộ kiểm tra rất có bản lĩnh, công tâm trong việc thẩm tra, xác minh đối với những vụ việc khó đã tồn tại từ lâu. Ảnh: CTV. |
“Điều đó đã khẳng định quyết tâm chính trị cao của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và bản lĩnh của ngành kiểm tra trong công cuộc chỉnh đốn, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh”, người đứng đầu Đảng, Nhà nước nhấn mạnh.
Cùng với đó, ủy ban kiểm tra các cấp đã đưa công tác phòng, chống tham nhũng thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm, một nội dung quan trọng trong công tác kiểm tra, giám sát.
Một điểm sáng nổi bật trong nhiệm kỳ này, theo Tổng bí thư, là đội ngũ cán bộ kiểm tra, đặc biệt là các ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương rất có bản lĩnh, quyết liệt, thận trọng, công tâm, khách quan trong việc thẩm tra, xác minh đối với những vụ việc khó đã tồn tại từ lâu.
Lực lượng này đã tham mưu cho Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét xử lý kỷ luật thấu tình, đạt lý theo tinh thần “xử lý một vài người để cứu muôn người”.
Với phương châm không có "vùng cấm", không có "ngoại lệ", Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã chủ động phát hiện dấu hiệu vi phạm, tổ chức kiểm tra ở tất cả các cấp, các ngành, lĩnh vực, địa bàn khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm.
Trong đó, tập trung vào một số lĩnh vực khó, địa bàn nổi cộm, phức tạp, trước đây ít kiểm tra hoặc chưa được kiểm tra; kỷ luật khai trừ một số cán bộ, đảng viên suy thoái, chuyển hoá về tư tưởng.
Qua kiểm tra, đã xử lý nghiêm một số cấp ủy viên các cấp, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền; thậm chí cả cán bộ nguyên là lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, nhiều cán bộ là cấp tướng trong lực lượng vũ trang.
Còn biểu hiện bao che cán bộ có chức quyền vi phạm
Bên cạnh những kết quả đạt được, với tinh thần thẳng thắn, nghiêm túc, Tổng bí thư cho rằng phải thấy công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng vẫn chưa theo kịp được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình hiện nay.
Người đứng đầu Đảng, Nhà nước đánh giá không ít địa phương, cơ quan, đơn vị có thời điểm lãnh đạo công tác kiểm tra chưa chủ động, thường xuyên, ráo riết, quyết liệt; tiến hành kiểm tra, giám sát còn mang tính hình thức, chiếu lệ, dẫn đến hiệu lực, hiệu quả thấp, chưa đủ sức răn đe.
Ngoài ra, vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, đùn đẩy, chưa nghiêm túc và chưa chủ động xử lý khi phát hiện thấy vi phạm, khuyết điểm.
Các đại biểu dự Hội nghị tổng kết công tác kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng. Ảnh: CTV. |
Kiểm tra, giám sát đối với cấp ủy viên cùng cấp, người đứng đầu, người có chức vụ, quyền hạn và một số lĩnh vực chưa thật mạnh mẽ. Việc tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý vi phạm trong nội bộ vẫn là khâu yếu.
Đặc biệt, còn có tổ chức đảng thiếu bản lĩnh, dĩ hoà vi quý; cá biệt có biểu hiện bao che cho cán bộ, đảng viên có chức, có quyền vi phạm.
Dù công tác kiểm tra, giám sát và phòng, chống suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá", tham nhũng, lợi ích nhóm, lãng phí, tiêu cực trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đã có những bước tiến mới, Tổng bí thư lưu ý không được chủ quan, tự mãn.
Tổng bí thư nêu thực trạng hiện nay, khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên còn có nguy cơ gia tăng về số lượng, phức tạp và nghiêm trọng hơn về mức độ, tính chất, quy mô và tinh vi trong cách vi phạm.
Các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, "lợi ích nhóm", "bệnh thành tích", "tư duy nhiệm kỳ", "lạm quyền", "lộng quyền", vi phạm nguyên tắc tổ chức đảng đang còn nghiêm trọng.
Do vậy, công tác kiểm tra, giám sát kỷ luật đảng cần phải được tiến hành mạnh mẽ, thường xuyên, liên tục, hiệu quả cao hơn nữa, không được tự thoả mãn, bằng lòng với những kết quả đã đạt được.
Kiểm tra, giám sát là "thanh bảo kiếm chữa lành các vết thương"
Nhấn mạnh kiểm tra, giám sát là một trong những phương thức lãnh đạo của Đảng, Tổng bí thư cho rằng “lãnh đạo mà không kiểm tra coi như không lãnh đạo”. Theo Tổng bí thư, “kiểm tra, giám sát là ‘thanh bảo kiếm để chữa lành các vết thương”.
Người đứng đầu Đảng, Nhà nước yêu cầu hoàn hiện cơ chế kiểm tra, giám sát đối với công tác cán bộ, thực thi quyền lực của người có chức, có quyền.
Các lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước đến dự Hội nghị. Ảnh: TTXVN. |
Song song với đó, khuyến khích và bảo vệ cán bộ, đảng viên, người đứng đầu dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì sự phát triển của đất nước. Tăng cường phối hợp giữa kiểm tra, giám sát của Đảng với thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử của Nhà nước, chống tư tưởng quyền anh, quyền tôi, "cua cậy càng, cá cậy vây".
Nhắc nhở nhiệm vụ kết hợp chặt chẽ giữa xây và chống, Tổng bí thư phân tích “xây” là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược lâu dài; “chống” là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách.
“Bên cạnh việc phát huy hiệu quả công tác kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, cần tăng cường nâng cao chất lượng công tác kiểm tra chấp hành và công tác giám sát. Đây là việc làm thường xuyên, có tính phòng ngừa, kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh, ngăn chặn những hành vi vi phạm, thiếu gương mẫu trong cuộc sống với mục đích ‘trị bệnh cứu người’, giữ được cán bộ”, Tổng bí thư nhấn mạnh.
Sắp tới, Tổng bí thư cho rằng cần tập trung kiểm tra toàn diện hơn các lĩnh vực, chú trọng kiểm tra, giám sát cán bộ có biểu hiện tham nhũng, bị nhiều phản ánh, tố cáo tham nhũng; cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và cán bộ được quy hoạch vào các vị trí lãnh đạo, quản lý.
“Kiên quyết xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong công tác cán bộ. Việc xử lý kỷ luật phải nghiêm minh và công khai kết quả để góp phần giáo dục, răn đe, cảnh tỉnh, ngăn ngừa vi phạm”, Tổng bí thư nói.
Đặc biệt, ông đề nghị phải khắc phục cho được tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm trong công tác kiểm tra, giám sát.
Muốn vậy, cán bộ kiểm tra phải là những chiến sĩ kiên cường, có bản lĩnh, nắm chắc các cơ chế, chính sách. Đặc biệt, phải có dũng khí đấu tranh, chính trực và hơn ai hết phải liêm, phải sạch.
“Không liêm, không sạch thì không nói được ai, không kiểm tra, giám sát, không kỷ luật được người khác. Phải chống tiêu cực ngay trong các cơ quan và cá nhân những người làm công tác chống tiêu cực”, Tổng bí thư nêu quan điểm.
Theo người đứng đầu Đảng, Nhà nước, nhiệm vụ công tác kiểm tra, giám sát trong thời gian tới hết sức nặng nề. "Cán bộ kiểm tra luôn phải đối mặt, đấu tranh với những sai phạm, tiêu cực của đồng chí, đồng đội và cả những người thân; luôn phải đấu tranh với chính mình để không phạm phải những cám dỗ đời thường. Đó là thách thức không nhỏ", Tổng bí thư chia sẻ.
Ông kỳ vọng trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, công tác kiểm tra sẽ có bước tiến mới, mạnh mẽ hơn nữa, quyết liệt hơn nữa và đạt được kết quả cao hơn nữa, nhiều hơn nữa.
Kỷ luật hơn 1.000 tổ chức Đảng và hơn 70.000 đảng viên
Theo Báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, trong nhiệm kỳ vừa qua, cấp ủy, tổ chức đảng và ủy ban kiểm tra các cấp đã kiểm tra, giám sát hàng trăm nghìn tổ chức đảng và hàng triệu đảng viên.
Cùng với đó, hơn 1.000 tổ chức Đảng và hơn 70.000 đảng viên bị kỷ luật, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, các tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang, kể cả đương chức và đã nghỉ hưu.