Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un quan sát vụ thử tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm tháng 5/2015. Ảnh: KCNA |
“Tên lửa được bắn ra, lóe sáng nhưng sau đó thất bại”, Melissa Hanham, một nhà nghiên cứu của Viện Middlebury có trụ sở tại California, thuộc Trung tâm Không phổ biến vũ khí hạt nhân James Martin (CNS), cho biết.
Reuters dẫn phân tích của CNS chỉ ra rằng hai khung hình trong video cho thấy ngọn lửa bao trùm cả tên lửa và những bộ phận nhỏ của tên lửa vỡ ra.
“Bình Nhưỡng đã sử dụng video được chỉnh sửa quá nhiều để che giấu sự thật này. Họ dùng các cảnh quay ở góc độ khác nhau và sửa để cho thấy các tên lửa được phóng liên tục nhưng nếu đặt các cảnh cạnh nhau, bạn có thể thấy rằng, đó chỉ cùng một tên lửa”, Hanham viết trong email.
Theo phân tích của CNS, các nhà tuyên truyền của Triều Tiên đã sử dụng kỹ thuật chỉnh sửa thô sơ để cắt và đảo những cảnh quay cũ của vụ thử tên lửa thành công hồi tháng 5 và vụ phóng tên lửa Scud.
Trước đó, quân đội Hàn Quốc ngày 10/1 cũng nhận định, Triều Tiên dường như đã biên tập và chỉnh sửa các hình ảnh của vụ phóng tên lửa Scud từ năm 2014, mặc dù công nghệ phóng tên lửa của nước này có thể đã cải thiện từ vụ thử hồi tháng 5.
Bất chấp lệnh cấm của Liên Hợp Quốc, Bình Nhưỡng cho biết nước này sở hữu công nghệ tên lửa đạn đạo gắn đầu đạn hạt nhân và có thể phóng từ tàu ngầm. Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia phân tích tỏ ra nghi ngờ về tuyên bố này.
Truyền hình nhà nước Triều Tiên ngày 9/1 đăng tải video ghi lại một vụ phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm được thực hiện từ tháng 12/2015. Không giống vụ thử tên lửa hồi tháng 5, video không được công bố ngay sau khi vụ thử diễn ra.
Ngày 6/1, Bình Nhưỡng tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch. Động thái này lập tức vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, giới chuyên gia tỏ ra hoài nghi và cho rằng loại bom mà Triều Tiên thử nghiệm chỉ là bom A.