Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Cảnh sống đối lập quanh con đường nghìn tỷ tạm bợ

Dự án đường 1.500 tỷ nhiều năm chưa triển khai khiến hàng trăm cư dân ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) phải đi đường tạm về nhà. Nhiều hộ dân khác phải sống tạm trong khu quy hoạch treo.

Buổi chiều cuối tháng 5, anh Nguyễn Lê Hoàng (phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cùng con trai khiêng hai bao phế thải xây dựng nằm giữa con đường tạm dẫn vào khu chung cư đang sinh sống.

Người đàn ông 38 tuổi cho biết đây không phải là lần đầu tiên anh làm công việc này. Hơn 2 năm kể từ khi bàn giao căn hộ, viễn cảnh về con đường 8 làn xe trị giá hơn 1.500 tỷ đồng chạy qua dự án được chủ đầu tư quảng cáo vẫn chưa được thành hình.

“Phế thải bị đổ trộm thường xuyên, ban ngày không sao nhưng nếu cứ để đó khi đêm về không có điện sẽ rất nguy hiểm cho người đi lại”, anh Hoàng nói.

Chung cư nghìn tỷ phải “thuê” đường cho cư dân đi lại

Với tổng mức đầu tư theo dự toán lên đến hơn 3.000 tỷ đồng, Sunshine Garden là dự án cao cấp đầu tiên được mở bán của Công ty cổ phần Sao Ánh Dương với quy mô 3 tòa tháp cao 31 tầng và 2 tầng hầm. Toàn dự án có gần 1.300 căn hộ với giá bán khoảng 40 triệu đồng/m2 tùy vị trí.

Được quảng cáo về một khu đô thị “vườn châu Âu” tọa lạc ngay sát trục đường rộng 40 m sắp được xây dựng, tuy nhiên hơn 2 năm kể từ ngày căn hộ được bàn giao, cư dân nơi đây chỉ biết chịu trận, sống chung với con đường được chủ đầu tư đi “mượn” với đầy bụi đường, rác thải.

Theo ghi nhận của Zing, con đường tạm có mặt cắt rộng chỉ khoảng 3-4 m, dài chừng 150 m độc đạo nối từ phố Dương Văn Bé vào khu chung cư hơn 3.000 tỷ đồng. Hai bên đường là những ngôi nhà tôn, khung sắt tạm bợ. Bao quanh khu chung cư là những ô đất bỏ hoang, cỏ mọc um tùm cùng những ngôi nhà nhiều năm không được cải tạo do vướng quy hoạch.

Hoàng Hiếu (24 tuổi, ở tòa G1) cho biết một trong những lý do khiến nhiều người quyết định mua chung cư tại đây là lời hứa hẹn về con đường nghìn tỷ chạy ngang qua căn hộ. Tuy nhiên, sau khi chuyển về đây sống từ năm 2020, Hiếu không thấy hoạt động thi công nào diễn ra ở nơi được xác định sẽ làm đường.

Vỡ mộng, nhiều cư dân tại chung cư chấp nhận hàng ngày phải đi làm, đi học trên con đường gần như đường làng, đầy bụi bặm với trước mặt là một con kênh ô nhiễm nghiêm trọng.

Con đường tạm nhỏ hẹp, 2 ôtô tránh nhau khó khăn. Ngày nắng thì khói bụi, mùa mưa đường sẽ ngập úng, sình lầy do không có hệ thống thoát nước. Đồng thời, do là đường tạm, không có sự vận hành và quản lý, đây vô tình trở thành địa điểm tập kết rác tự phát, gây nên quang cảnh nhếch nhác.

“Đường vào tạm bợ, xung quanh toàn nhà tạm với đất quy hoạch nên an ninh cũng khó đảm bảo. Hồi trước Tết mình có đỗ xe ở sảnh để lên nhà lấy đồ, khi xuống đến nơi thì chiếc Honda SH đã bị trộm lấy mất”, Hiếu ngán ngẩm.

Duong cham tien do ha noi anh 4

Hoàng Hiếu chia sẻ với Zing tại căn hộ của mình về những bức xúc khi không được chủ đầu tư đáp ứng tiện ích như đã hứa hẹn. Ảnh: Hồng Quang.

Trong khi đó, sau gần hai năm thuê một căn hộ tại tòa chung cư này, Nguyễn Lưu Ly (28 tuổi) đã chấm dứt hợp đồng thuê nhà trước hạn để chuyển sang một căn hộ khác ở quận Long Biên.

Cô gái 28 tuổi cho hay bản thân chuẩn bị sinh con, trong khi môi trường sống tại đây khó có thể đảm bảo. “Buổi tối con đường tạm này thiếu ánh sáng, đi lại rất nhiều nguy cơ. Đường điện cao thế chỉ cách tòa nhà chưa tới 10 m, hàng ngày qua lại và sinh sống, tôi rất lo bởi sự cố có thể xảy ra bất cứ khi nào, nhất là trong mùa mưa bão”, Ly lo ngại.

Sống tạm bên con đường quy hoạch nghìn tỷ

Cách khu chung cư cao cấp chưa đầy 200 m là hàng loạt xóm nhà trọ dành cho người lao động nằm sâu trong những con ngõ nhỏ thuộc phố Tân Khai (phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai). Lối vào đây quanh co, mặt đường hẹp, gồ ghề, hai xe máy phải đi sát hết mức mới có thể tránh nhau.

Các ngôi nhà tại đây phần lớn không được xây dựng, sửa chữa do thuộc diện quy hoạch. Một số nhà nằm trong phần diện tích thu hồi để làm tuyến đường Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên, số còn lại nằm trong phần diện tích thu hồi của dự án Khu đô thị Ao Mơ (phục vụ đối ứng dự án làm đường).

Tại xóm trọ cuối một con ngõ nhỏ, cách trục phố chính gần 200 m với 5 lần rẽ vào ngách, khoảng chục phòng trọ được các công nhân thuê tạm.

Vừa dọn số thùng xốp để mang hàng đi bán, bà Nguyễn Thị Thơ chỉ vào bãi đất trước mặt và cho hay khu vực này không có đường ống thu gom nước thải, toàn bộ sẽ xả ra ô đất trước mặt. “Ngày trước đây là một cái ao, giờ họ lấp đi rồi nên nước không thể thoát được, tạo thành vòng luẩn quẩn, mình thải ra rồi mình lại hít vào”, bà nói.

Người phụ nữ gần 50 tuổi cũng phân trần khu vực này không có nước sạch vì nước chảy rất yếu, họ hầu như phải đi mua nước ở ngoài về để ăn, còn lại giặt giũ sinh hoạt thì dùng nước giếng khoan. Chủ nhà nói với họ rằng nếu sau này bị giải tỏa để lấy mặt bằng xây dự án thì cũng đành chịu.

“Với tầm giá từ 700.000 đến một triệu đồng thì đi chỗ khác thuê nhà rất khó, vì mưu sinh nên chúng tôi đành sống tạm ở đây, được ngày nào hay ngày đó”, bà Thơ chia sẻ.

Hơn 3 năm trước, anh Lê Huy Chinh (quê Thanh Hóa) ra Hà Nội đi làm cửu vạn nên đã tìm về khu trọ này để thuê một phòng trọ rộng chừng 10 m2 để sinh sống. Cùng thời điểm đó, những ô đất phía trước đang được thi công ồ ạt để xây lên những tòa nhà cao tầng.

Trải qua một thời gian dài sống tạm ở nơi quy hoạch treo, anh Chinh đã dần quen với nếp sống. Sau giờ làm việc, anh thường cùng mọi người trong xóm trọ phá bớt cỏ, vớt rác tại vũng nước thải ứ đọng trước khu nhà để phần nào khơi thông dòng chảy.

Đổi 60 ha đất lấy 1,6 km đường

Năm 2017, UBND Hà Nội ký phê duyệt quyết định dự án xây dựng tuyến đường Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên (đoạn nối từ đường Minh Khai đến đường vành đai 2,5) theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao).

Tuyến đường dài 1,65 km, mặt cắt ngang 40-47,5 m, tổng mức đầu tư khoảng 1.574 tỷ đồng.

Theo như quyết định này, nhà đầu tư được giao các khu đất gồm: Khu nhà ở Ao Mơ với tổng diện tích khoảng 22,9 ha đất; các ô đất thuộc dự án xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật khu di dân tổ 24, 25 diện tích khoảng 11,29 ha.

Ngoài ra, Hà Nội cũng giao thêm 3 quỹ đất mà nhà đầu tư đề nghị bổ sung gồm: Dự án Ao Cây Dừa có diện tích 0,52 ha; dự án khu sinh thái Vĩnh Hưng diện tích 11,9 ha và dự án khu chức năng đô thị Vĩnh Hưng - Thanh Trì có diện tích khoảng 13 ha.

Với tuyến đường hơn 1,6 km nhà đầu tư là Công ty Vĩnh Hưng được thành phố cho phép khai thác quỹ đất gần 60 ha đất để hoàn vốn. Các khu đất trên để đối ứng cho nhà đầu được xem là "đất vàng" nằm tại các quận nội đô trung tâm như quận Hai Bà Trưng và chủ yếu là các phường của quận Hoàng Mai.

Duong cham tien do ha noi anh 9

Khu đất quy hoạch khu đô thị Ao Mơ bỏ hoang nhiều năm khiến hạ tầng nhiều khu dân cư xung quanh thiếu đồng bộ. Ảnh: Hồng Quang.

Tại buổi tiếp công dân của Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong vào đầu tháng 12/2021, công dân phường Vĩnh Tuy đã khiếu nại quyết định của UBND quận Hai Bà Trưng về việc giải quyết thu hồi đất của các hộ dân để thực hiện dự án xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật khu di dân tổ 24, 25 phường Vĩnh Tuy.

Bên cạnh đó, đại diện các hộ dân nơi đây cũng tố cáo các cán bộ liên quan đến sai phạm trong việc điều chỉnh tăng 3,22 ha làm quỹ đất đối ứng thực hiện dự án.

Ngoài ra, công dân còn phản ánh việc UBND Hà Nội thực hiện việc đổi 60 ha đất lấy hạ tầng là 1,6 km đường thông qua hợp đồng BT là thất thoát tài sản rất lớn của Nhà nước. Đối với vấn đề này, công dân đề nghị cơ quan có thẩm quyền thanh tra toàn diện dự án trên.

Liên quan đến 1,6 km đường Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên, đại diện UBND Hà Nội cho biết thành phố đang tạm dừng chưa thực hiện dự án theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng.

Mới đây nhất, cuối tháng 4, UBND Hà Nội cũng đã có quyết định kiểm tra loạt dự án trên địa bàn, trong đó có tuyến đường trị giá hơn 1.500 tỷ này.

Còn với những cư dân, họ đã quen việc hàng ngày phải di chuyển trên con đường tạm nhỏ hẹp và dần quên đi mục đích chính của mình khi chuyển về đây là được sống trên con đường nghìn tỷ chưa biết bao giờ mới thành hình.

Vỡ mộng vì mua chung cư cao cấp nhưng chưa có đường vào Chung cư hạng sang mọc lên ngày càng nhiều ở quận Hoàng Mai và Hai Bà Trưng (Hà Nội) nhưng hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ khiến cư dân "vỡ mộng" khi chuyển về đây sinh sống.

Cảnh nhếch nhác cạnh dự án chung cư cao cấp

Dù sống tại chung cư cao cấp, người dân ở quận Hai Bà Trưng phải hàng ngày đi dọc theo bờ kênh ô nhiễm và một con đường bụi bặm để ra đường lớn.

Hồng Quang - Mỹ Hà

Bình luận

Bạn có thể quan tâm