Hồi tháng 8, đoạn video bị rò rỉ và thu hút 3,6 triệu lượt xem trên mạng xã hội. Trong đó, nghi phạm Jeerapong Thanapat, 24 tuổi, bị một sĩ quan cảnh sát tra tấn bằng túi nylon trùm đầu. Thanapat sau đó đã ngạt thở và tử vong, Bangkok Post đưa tin.
Nghi phạm Thanapat bị bắt giữ ở Nakhon Sawan, cách thủ đô Bangkok 250 km về phía bắc. Thanapat bị tình nghi bán các viên ma túy tổng hợp methamphetamine, và bị cảnh sát đòi 60.000 USD để được trả tự do.
Đại tá Thitisan Utthanaphon có biệt danh là “Joe Ferrari” (bên trái). Ảnh: Bangkok Post. |
Sau khi đoạn video bị lan truyền, đại tá Thitisan Utthanaphon, người đứng đầu sở cảnh sát, đã bị bắt giữ.
Ông Chaiyawat Sengnui, một cựu sĩ quan cảnh sát, bình luận: “Phương pháp tra khảo bằng túi nylon đã được sử dụng hơn 30 năm nay. Tôi từng thấy nhiều cảnh sát thời trước làm như vậy. Điều này không có gì là lạ”.
Đoạn video vấp phải làn sóng chỉ trích dữ dội và tiếp tục là vết nhơ với ngành cảnh sát. Trước đó, các nhà hoạt động trong nước và quốc tế từng cáo buộc cảnh sát Thái Lan thường xuyên lạm quyền với người bị giam giữ.
“Hành vi tra tấn phổ biến trong giới cảnh sát, hơn là trong quân đội”, nhà nghiên cứu Sunai Phasuk nhận xét. Cũng theo ông Phasuk, cảnh sát thường tra tấn trong khi điều tra để đòi tiền từ nghi phạm.
Đại tá Thitisan Utthanaphon có biệt danh là “Joe Ferrari” vì sở hữu nhiều siêu xe đắt tiền. Sau cáo buộc lạm quyền, truyền thông đã đưa tin về lối sống xa hoa của ông Utthanaphon.
Ông Utthanaphon sống trong một biệt thự sang trọng, có 30 chiếc xe thể thao, gồm một chiếc Ferrari, Lamborghini, Aventador và một vài chiếc Porsche. Trong khi đó, thu nhập chính thức của viên cảnh sát này chỉ là 1.300 USD.