Khi Thủ tướng Prayut Chanocha tuyên bố hôm 16/6 rằng nước này sẽ làm mọi thứ để có thể mở cửa trở lại trong vòng 120 ngày, nhiều người hoài nghi đây có thể là một mục tiêu khó thành hiện thực.
Nay, mới chỉ hơn 60 ngày từ sau tuyên bố của người lãnh đạo đất nước, Thái Lan đã có những động thái đầu tiên chuẩn bị bước vào giai đoạn mới, chung sống cùng virus dù số ca mắc Covid-19 mỗi ngày vẫn ở mức 5 con số.
Không thể tiếp tục phong tỏa
Chính phủ Thái Lan đặt mục tiêu mở cửa nền kinh tế vào giữa tháng 10. Nhưng hôm 27/8 vừa qua, chính quyền Thủ tướng Prayut đã phê chuẩn kế hoạch tái khởi động một số hoạt động kinh doanh nhằm cứu vãn nền kinh tế đã kiệt quệ vì dịch bệnh.
Theo đó, Thái Lan sẽ cho phép các hoạt động tập trung đông người từ 25 người trở lên, thay vì 5 người như hiện nay.
Các chuyến bay thương mại dân dụng trong nước được nối lại. Công viên công cộng, tiệm cắt tóc được mở cửa ở 29 tỉnh đang bị áp đặt những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt.
Các cửa hàng, trung tâm thương mại được phép mở cửa trở lại với một số điều kiện. Dịch vụ ăn uống trong nhà được phép phục vụ 50% số bàn, trong khi ở ngoài trời là 75%.
Trung tâm thương mại ở nhiều tỉnh của Thái Lan đã được mở cửa trở lại. Ảnh: AFP. |
Quyết định nới lỏng một số hoạt động được đưa ra là một phần trong chiến lược "chung sống với Covid-19" của chính quyền Thủ tướng Prayut.
Thay vì quyết đưa số ca mắc bệnh về 0, mục tiêu lúc này là kiềm chế các ổ dịch ở mức không làm kiệt quệ hệ thống chăm sóc y tế, khởi động lại các hoạt động kinh tế ở một số trung tâm trọng yếu gồm Bangkok và các tỉnh xung quanh.
Sau thành công của chương trình "Hộp cát du lịch" đang được thực hiện ở Phuket và Samui, chính phủ Thái Lan hy vọng có thể mời gọi du khách nước ngoài quay trở lại, giúp hồi sinh ngành du lịch.
"Quyết định được đưa ra nhằm cho phép người dân sống cuộc sống bình thường ở mức tối đa", Apisamai Srirangsan, người phát ngôn nhóm công tác Covid-19 của chính phủ, cho biết.
Kể từ đầu tháng 8, Thái Lan đã áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhất tại các tỉnh, thành phố là nơi sinh sống của 40% dân số và tạo ra 3/4 tổng sản phẩm quốc nội.
Tất cả dịch vụ ăn uống, hoạt động kinh doanh không thiết yếu, giao thông liên tỉnh bị cấm. Hậu quả của biện pháp cứng rắn này là hàng triệu người mất việc làm.
"Chúng ta đã đạt tới ngưỡng không thể tiếp tục đóng cửa. Kế hoạch mở cửa trở lại phải được tiến hành. Nếu chậm trễ, những gì chính phủ suy tính sẽ phá sản và uy tín đất nước sẽ mất sạch", Atavit Suwannapakdee, tổng thư ký đảng Kla đối lập, cho biết.
Chính trị gia này dự đoán đại dịch sẽ tiếp tục kéo dài ở Thái Lan, chí ít tới tháng 10. Tuy vậy, việc mở cửa trở lại đất nước là yêu cầu bắt buộc.
"Nhiều người không chết vì dịch bệnh nhưng họ có thể chết vì không thể kiếm sống", ông Atavit nói.
Câu hỏi còn bỏ ngỏ
Số ca mắc Covid-19 mỗi ngày ở Thái Lan vẫn tiếp tục ở mức cao. Trong tuần qua, số ca mắc Covid-19 ở Thái Lan trung bình mỗi ngày là hơn 17.000 trường hợp. Trong khi đó, trung bình 260 người chết mỗi ngày vì dịch bệnh.
Nhiều câu hỏi đã được đặt ra xung quanh kế hoạch mở cửa nền kinh tế của chính phủ Thái Lan.
Prinn Panitchpakdi, Phó chủ tịch đảng Dân chủ đối lập, cảnh báo chính phủ phải rất thận trọng khi chấp nhận tiếp đón du khách nước ngoài trong thời gian đầu sau khi mở cửa.
"Nếu chúng ta bỏ qua các biện pháp phòng ngừa, có nguy cơ rất cao du khách sẽ mang tới một làn sóng ca nhiễm mới, điều đã từng xảy ra ở các quốc gia khác", ông Prinn nói.
Khả năng vận hành của các doanh nghiệp cũng bị đặt dấu hỏi, khi mà các biện pháp cách ly vẫn tiếp tục áp dụng với người mắc Covid-19 và người nước ngoài nhập cảnh.
Việc mở cửa cần được tiến hành từ từ, đi kèm nâng cao tốc độ tiêm chủng và áp dụng nghiêm túc các biện pháp an toàn y tế, ông Prinn nói.
Du khách quốc tế được chào đón ở Phuket. Ảnh: Reuters. |
Dù thừa nhận khó có thể đánh giá đất nước đã sẵn sàng khôi phục hoạt động kinh doanh hay chưa, ông Prinn cho biết thiệt hại kinh tế do phong tỏa đã đạt đến ngưỡng mà người dân không thể tiếp tục chịu đựng. Ngoài ra, sự kiệt quệ về tinh thần và tổn thất mang tính xã hội của người dân cũng cần được tính đến.
Mới đây, Bộ Y tế Thái Lan khẳng định miễn dịch cộng đồng là mục tiêu trong tầm với. Bộ trưởng Y tế Rungrueng Kitphati cho biết nhóm dễ bị tổn thương, gồm người cao tuổi, người có bệnh nền, phụ nữ mang thai, đang được tiêm vaccine với tốc độ khẩn trương chưa từng có.
Tuy nhiên, vaccine không phải liều thuốc thần ngăn chặn hoàn toàn virus SARS-CoV-2. Bộ Y tế Thái Lan liên tục cảnh báo người dân phải chấp hành nghiêm túc các biện pháp an toàn y tế, giãn cách xã hội, đeo khẩu trang.
"Tái mở cửa đất nước sẽ được tiến hành bền vững theo từng bước. Chúng ta sẽ tiếp tục duy trì các khu cách ly của nhà nước. Du khách phải tiêm chủng đầy đủ, có giấy tờ xác minh họ âm tính với Covid-19", Bộ trưởng Y tế Rungrueng nói.
Opas Karnkawinpong, vụ trưởng Vụ Kiểm soát dịch bệnh của Bộ Y tế, cho biết Thái Lan tiêm khoảng 600.000 mũi vaccine Covid-19 cho người dân mỗi ngày. Mục tiêu tiêm 124 triệu mũi vaccine cho người dân sẽ hoàn thành vào cuối năm nay.
Đến nay, Thái Lan đã tiêm ít nhất một mũi vaccine Covid-19 cho 23,4 triệu dân, tương đương 33% dân số.
Trong tháng 9, Thái Lan sẽ nhận thêm hơn 17 triệu liều vaccine, gồm 2 triệu liều Pfizer, 7,3 triệu liều AstraZeneca, 6,5 triệu liều Sinovac, và 2 triệu liều Sinopharm. Khoảng 24 triệu liều vaccine tiếp theo sẽ cập bến nước này trong tháng 10.
Người Thái nói gì?
Sanan Angubolkul, Chủ tịch Phòng Thương mại Thái Lan, cho biết phong tỏa càng kéo dài, thiệt hại kinh tế càng to lớn. Từ đầu năm 2021, đại dịch đã khiến nền kinh tế Thái Lan bốc hơi 24,7 tỷ USD. Con số này sẽ tăng lên mức 30,1 tỷ USD nếu tình hình không được cải thiện từ nay đến cuối năm.
"Sẽ rất tuyệt vời nếu mở cửa nền kinh tế có thể được thực hiện theo kế hoạch. Giới doanh nghiệp và công chúng cần học cách chung sống với Covid-19", ông Sanan nói.
"Mở cửa lúc này sớm hơn so với dự đoán của chúng tôi. Nếu họ có thể thực hiện mở cửa thành công, các hoạt động kinh tế sẽ trở lại rất nhanh, đẩy mạnh tăng trưởng GDP", Burin Adulwattana, chuyên gia của Ngân hàng đại chúng Bangkok, cho biết.
Một điểm tiêm vaccine Covid-19 ở Bangkok. Ảnh: Reuters. |
Bà Julajira Kampong, Chủ tịch Hiệp hội Hướng dẫn viên du lịch Chiang Mai, cho biết tất cả lao động trong ngành dịch vụ, khách sạn, du lịch rất háo hức được trở lại làm việc.
Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất lúc này là tỷ lệ lao động trong ngành du lịch đã được tiêm vaccine vẫn ở mức thấp. Tại Chiang Mai, con số này mới chỉ dừng ở mức 10%.
Sa-nga Ruangwattanakul, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Khao San ở thủ đô Bangkok, cho biết khu phố kinh doanh sầm uất này đã có kế hoạch kinh doanh "không Covid-19" ngay khi mở cửa trở lại. Tuy nhiên, mối lo lớn nhất của Khao San, cũng giống như ở Chiang Mai, là tỷ lệ tiêm chủng không như mong đợi.
"Tỷ lệ tiêm chủng của người dân thậm chí chưa đạt 50%, nhiều người không thể tiếp cận vaccine, vì thế, miễn dịch cộng đồng vẫn còn ở xa phía trước. Đây là lý do Cơ quan Quản lý Du lịch Thái Lan sẽ khó có thể quảng bá hình ảnh đất nước là điểm đến an toàn y tế", ông Sa-nga nói.