Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cảnh sát Myanmar bắn đạn cao su vào người biểu tình

Cảnh sát tại thủ đô Naypyidaw đã bắn đạn cao su vào người biểu tình phản đối cuộc chính biến của quân đội, theo một nhân chứng và một phóng viên hãng tin AFP.

“Họ bắn cảnh cáo lên trời hai lần, rồi bắn đạn cao su vào người biểu tình”, một cư dân thủ đô nói với AFP, và cho biết anh thấy một số người bị thương.

Trong khi đó, Reuters dẫn lời bác sĩ ở một phòng khám ở Napyitaw nói rằng nơi đây đang điều trị cho 3 người bị thương, có thể là do đạn cao su bắn phải.

Một phóng viên của hãng tin AFP ở hiện trường cũng xác nhận đã có các phát đạn được bắn ra vào ngày 9/2.

Ngày 9/2, người biểu tình đã xuống đường ngày thứ tư liên tiếp tại nhiều nơi ở Myanmar để phản đối cuộc binh biến, bất chấp lệnh cấm biểu tình của quân đội. Tại Mandalay, cảnh sát đã dùng hơi cay để giải tán người biểu tình.

bieu tinh o myanmar anh 1

Ở thủ đô Naypyidaw, cảnh sát đã dùng vòi rồng để giải tán người biểu tình. Ảnh: Reuters.

Từ ngày 8/2, quân đội đã cấm tụ tập nhiều hơn 5 người ở Yangon (thành phố lớn nhất và là đầu tàu kinh tế của Myanmar), ở thủ đô Naypyidaw, và ở các khu vực khác đã có biểu tình lớn, chẳng hạn thành phố Mandalay lớn thứ hai nước này. Ở thủ đô Naypyidaw, cảnh sát đã dùng vòi rồng để giải tán người biểu tình.

Trong lần phát biểu đầu tiên trước toàn dân trên sóng trực tiếp, thống tướng Min Aung Hlaing tối 8/2 cam kết tổ chức bầu cử lại vào năm 2022 và sẽ trao quyền lực cho người thắng. Ông Min Aung Hlaing là người lãnh đạo chính quyền quân sự sau khi quân đội bắt giữ các lãnh đạo dân cử vào ngày 1/2.

Nhưng ngày 9/2, vẫn có biểu tình ở nhiều nơi ở Yangon, chẳng hạn ở gần trụ sở đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD). Lãnh đạo đảng NLD là bà Aung San Suu Kyi, đang bị quân đội tạm giữ từ ngày 1/2.

bieu tinh o myanmar anh 2

Nhiều người biểu tình giương hình ảnh bà Aung San Suu Kyi. Ảnh: AFP.

Ở khu vực San Chaung của Yangon, hàng chục giáo viên diễu hành ở đường chính, vẫy tay chào ba ngón - giờ đã trở thành biểu tượng của phong trào biểu tình. (Chào ba ngón là một biểu tượng từ phim The Hunger Games, cũng từng được người biểu tình phản đối chính quyền ở Thái Lan sử dụng khi biểu tình năm 2019 và 2020).

Người Myanmar biểu tình bất chấp cảnh báo của quân đội

Đám đông người dân đổ xuống đường ở Yangon hôm 9/2 để biểu tình phản đối chính quyền quân sự, bất chấp lời cảnh báo của quân đội về tụ tập đông người.

New Zealand bất ngờ cắt quan hệ với Myanmar

Thủ tướng New Zealand Ardern ngày 9/2 tuyên bố đình chỉ mọi liên hệ chính trị và quân sự cấp cao với Myanmar sau cuộc chính biến tại nước này.

Trọng Thuấn

Bạn có thể quan tâm