"Sau cuộc chính biến, New Zealand đình chỉ mọi liên lạc chính trị và quân sự cấp cao với Myanmar", Thủ tướng Jacinda Ardern cho biết trong cuộc họp báo ngày 9/2.
Thủ tướng Ardern cũng tuyên bố New Zealand sẽ không hợp tác viện trợ hoặc để cho chính phủ quân sự Myanmar hưởng lợi từ các dự án viện trợ của nước này.
"Thông điệp mạnh mẽ là chúng tôi sẽ làm những gì có thể từ đây, từ New Zealand. Và một trong số đó là đảm bảo rằng bất kỳ khoản tài trợ nào chúng tôi đưa vào Myanmar sẽ không hỗ trợ chế độ quân quản dưới bất kỳ hình thức nào", bà Ardern nói.
Theo thủ tướng New Zealand, chương trình viện trợ của nước này cho Myanmar từ năm 2018 đến năm 2021 trị giá khoảng 30 triệu USD.
Thủ tướng Jacinda Ardern. Ảnh: Reuters. |
Ngoại trưởng New Zealand Nanaia Mahuta cùng ngày ra tuyên bố cho biết nước này không công nhận tính hợp pháp của chính phủ quân sự Myanmar. Đồng thời, bà kêu gọi quân đội Myanmar thả ngay tất cả nhà lãnh đạo chính trị bị bắt giữ và khôi phục chế độ dân sự.
Kể từ khi quân đội thực hiện vụ chính biến hôm 1/2 và bắt giữ cựu cố vấn nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi, người dân đã đổ xuống đường tuần hành trong 3 ngày qua.
Đây là phong trào biểu tình lớn nhất kể từ năm 2007, khi các nhà sư xuống đường kêu gọi cải cách dân chủ. Phong trào đến nay vẫn diễn ra trong hòa bình và quân đội hầu như chưa dùng đến vũ lực để giải tán đám đông, dù áp lực đang dần gia tăng. Cảnh sát đã phun vòi rồng vào người biểu tình ở thủ đô Naypyidaw hôm 8/2.
Trong lần phát biểu đầu tiên trước toàn dân trên sóng trực tiếp đêm 8/2, thống tướng Min Aung Hlaing cam kết tổ chức bầu cử lại vào năm 2022 và sẽ trao quyền lực cho người chiến thắng.
Tướng Min Aung Hlaing khẳng định quân đội luôn tôn trọng và tuân thủ đúng hiến pháp năm 2008.
Ông đồng thời nhấn mạnh "bầu cử tự do và công bằng" là yếu tố tiên quyết trong nền dân chủ.
Quân đội cho rằng Ủy ban Bầu cử Liên bang (UEC) đã lạm dụng bối cảnh đại dịch Covid-19 và không tạo điều kiện tranh cử công bằng trong cuộc tổng tuyển cử tháng 11/2020.