Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thống tướng Myanmar cam kết bàn giao quyền lực sau bầu cử

Trong lần phát biểu đầu tiên trước toàn dân trên sóng trực tiếp, thống tướng Min Aung Hlaing cam kết tổ chức bầu cử lại vào năm 2022 và sẽ trao quyền lực cho người thắng.

Trong bài phát biểu trên sóng truyền hình quốc gia, thống tướng Min Aung Hlaing đề cập đến "tình hình hiện tại của đất nước".

Theo tường thuật của Reuters, tướng Min Aung Hlaing khẳng định quân đội luôn tôn trọng và tuân thủ đúng hiến pháp năm 2008.

Ông đồng thời nhấn mạnh "bầu cử tự do và công bằng" là yếu tố tiên quyết trong nền dân chủ.

Quân đội cho rằng Ủy ban Bầu cử Liên bang (UEC) đã lạm dụng bối cảnh đại dịch Covid-19 và không tạo điều kiện tranh cử công bằng trong cuộc tổng tuyển cử tháng 11/2020.

Hàng trăm nghìn người Myanmar những ngày qua xuống đường phản đối binh biến và đòi quân đội trả tự do cho các lãnh đạo dân cử, trong đó có bà Aung San Suu Kyi cùng hàng ngũ lãnh đạo đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD).

Liên quan đến các cuộc biểu tình quy mô lớn này, tướng Min Aung Hlaing lưu ý rằng "không ai được đứng trên pháp luật" và "không tổ chức nào đứng trên lợi ích quốc gia".

Thong tuong Myanmar cam ket trao tra quyen luc anh 1

Thống tướng Min Aung Hlaing, người đứng đầu quân đội Myanmar, đã tiếp quản quyền lãnh đạo đất nước sau cuộc binh biến ngày 1/2. Ảnh: Reuters.

Ông cho rằng giới chức Myanmar không hoàn thành được nhiệm vụ và biện hộ quá nhiều.

Thống tướng Min Aung Hlaing cũng nhấn mạnh yêu cầu cải tổ UEC và đặt ưu tiên cho chính phủ do quân đội kiểm soát là kiểm soát đại dịch Covid-19.

Người đứng đầu chính phủ hiện tại của Myanmar hoan nghênh đầu tư nước ngoài lẫn trong nước.

Ông cho biết chính phủ do quân đội kiểm soát sẽ nỗ lực thông qua những dự án kinh tế đang chịu trì trệ do chính phủ tiền nhiệm.

Ông đồng thời khẳng định chính phủ đương nhiệm sẽ ưu tiên hòa bình và tìm kiếm thỏa thuận ngừng bắn với các lực lượng phiến quân.

Thống tướng Min Aung Hlaing gửi thông điệp trấn an người dân, cam kết tổ chức bầu cử lại sau khi kết thúc tình trạng khẩn cấp trong vòng 1 năm, sẵn sàng trao trả quyền lực cho đảng giành chiến thắng.

Ông cũng nhấn mạnh cam kết xây dựng "nền dân chủ chân chính và kỷ luật", khác với các chính quyền trước đây do quân đội kiểm soát.

Vị thống tướng khẳng định ông đã xây dựng một chính phủ với các thành viên nội các phù hợp. Chính phủ quân sự sẽ không thay đổi chính sách đối ngoại thời gian qua của Myanmar, sẵn sàng giao thiệp với mọi quốc gia và hoan nghênh đầu tư.

Vấn đề "hồi hương từ Bangladesh" đối với người tị nạn Rohyngia sẽ được đảm bảo hiệu lực, dựa trên thỏa thuận song phương với nước láng giềng phía tây.

Ông kêu gọi người dân nên lắng nghe những thông tin chính xác thay vì để cho cảm xúc chi phối.

Tuy nhiên, người quyền lực nhất quân đội Myanmar không đề cập một lần nào đến cựu Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi - lãnh đạo của đảng NLD đã giành chiến thắng áp đảo trong cuộc tổng tuyển cử năm 2020.

Myanmar thiết quân luật ở thành phố lớn thứ 2 cả nước

Lệnh thiết quân luật được áp dụng tại một số khu vực ở Mandalay, thành phố lớn thứ 2 của Myanmar, sau hàng loạt cuộc biểu tình để phản đối vụ binh biến do quân đội tiến hành.

Cảnh sát Myanmar phun vòi rồng vào người biểu tình ở thủ đô

Các nhân chứng nói với AFP rằng cảnh sát tại thủ đô Naypyidaw của Myanmar đã dùng vòi rồng phun nước vào đám đông người biểu tình hôm 8/2.

Chính quyền Myanmar ngắt Internet trên cả nước?

Khi hàng nghìn người biểu tình xuống đường đòi trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi, chính quyền quân sự Myanmar được cho là đã ngắt kết nối Internet trên cả nước.

Thanh Danh

Bạn có thể quan tâm