Kể từ khi quân đội thực hiện vụ chính biến hôm 1/2 và bắt giữ cựu cố vấn nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi, làn sóng bất đồng chính kiến đã nổi lên khắp cả nước.
Hôm 8/2, truyền hình nhà nước Myanmar nói công chúng nước này không chấp nhận các hành vi sai trái vô pháp và những người vi phạm cần bị "ngăn chặn hoặc loại bỏ".
Lệnh giới nghiêm và lệnh cấm tụ tập cũng được áp đặt đối với các điểm nóng trên toàn quốc, bao gồm các thị trấn San Chaung và Kamayut thuộc thành phố Yangon. Đây là nơi tập trung đông người biểu tình trong những ngày gần đây.
Đến ngày 9/2, khoảng 200 giáo viên bất chấp lệnh cấm để xuống đường biểu tình ở Yangon, theo AFP.
Họ mang theo biểu ngữ có dòng chữ "Chúng tôi là giáo viên, Chúng tôi muốn công lý", và hô vang khẩu hiệu đòi thả tự do cho bà Aung San Suu Kyi.
Người biểu tình xuống đường hôm 9/2 để đòi tự do cho bà Aung San Suu Kyi. Ảnh: AFP. |
Trên khắp thị trấn, một nhóm người biểu tình khác tập trung trước trụ sở của đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi.
Họ mặc đồ màu đỏ, màu đại diện cho đảng NLD, và mang theo chân dung của bà Suu Kyi. Người biểu tình ở đây cũng kêu gọi quân đội thả tự do cho cựu cố vấn nhà nước này ngay lập tức.
Phong trào đến nay vẫn diễn ra trong hòa bình và quân đội hầu như chưa dùng đến vũ lực để giải tán đám đông, dù áp lực đang dần gia tăng. Cảnh sát đã phun vòi rồng vào người biểu tình ở thủ đô Naypyidaw hôm 8/2.
Tại thủ đô Naypyitaw, video trên Facebook cho thấy cảnh sát Myanmar tiếp tục phun vòi rồng vào người biểu tình hôm 9/2. Theo Reuters, đám đông tập trung để phản đối việc quân đội lên nắm quyền. Họ từ chối giải tán theo yêu cầu của cảnh sát.
Chính quyền quân sự, do Tổng tư lệnh Min Aung Hlaing đứng đầu, đang nắm giữ toàn bộ các nhánh hành pháp, lập pháp và tư pháp. Lãnh đạo dân chủ Aung San Suu Kyi và các chính trị gia đồng minh đã bị bắt giữ hôm 1/2 và hiện vẫn chưa rõ tình trạng của họ.
Mỹ và cộng đồng quốc tế đã lên án vụ chính biến, kêu gọi quân đội Myanmar từ bỏ quyền lực ngay lập tức. Washington đang xem xét tái áp đặt các biện pháp trừng phạt với đất nước mà họ vẫn gọi bằng tên cũ là "Burma".