Một phương tiện của cảnh sát bị đốt cháy trong biểu tình. Ảnh: AP. |
Ít nhất 6 người đã thiệt mạng tại Iran chỉ trong một đêm sau các cuộc biểu tình phản đối cái chết của Mahsa Amini, người tử vong sau khi bị “cảnh sát đạo đức” Iran bắt giữ, AFP đưa tin ngày 16/11.
Đoạn video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy hành khách chạy về phía lối thoát hiểm, trong đó nhiều người ngã và bị giẫm đạp, sau khi cảnh sát nổ súng ở một sân ga đông đúc. Một số đoạn video được ghi lại qua cửa sổ xe lửa cho thấy cảnh sát sử dụng dùi cui đánh đập phụ nữ không đội hijab.
Các cuộc biểu tình nổ ra hôm 15/11, khi những người tổ chức biểu tình kêu gọi ba ngày hành động kỷ niệm “Tháng 11 đẫm máu” năm 2019, khi hàng trăm người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình phản đối tăng giá nhiên liệu.
“Chúng ta sẽ chiến đấu! Chúng ta sẽ chết! Chúng ta sẽ giành lại Iran!”, hàng chục người biểu tình hô vang xung quanh đống lửa trên đường phố Tehran hôm 15/11.
Nhóm biểu tình tụng kinh, đốt khăn trùm đầu trong các ga tàu điện ngầm - nơi được cảnh sát đạo đức tuần tra trong nhiều tháng qua, theo đoạn video đăng tải.
Hôm 16/11, ít nhất 5 người khác đã thiệt mạng trong "vụ tấn công khủng bố" tại khu chợ ở thành phố Izeh, miền Tây Nam tỉnh Khuzestan, truyền thông nhà nước Iran đưa tin.
Nhiều cuộc biểu tình nổ ra ba tháng sau khi giới chức Iran hôm 16/9 cho biết Masha Amini - một phụ nữ 22 tuổi bị lực lượng "cảnh sát đạo đức" bắt giữ vì “ăn mặc không phù hợp” - thiệt mạng khi đang bị tạm giam. Amini được cho đã đeo khăn trùm đầu hijab - trang phục bắt buộc của phụ nữ Iran - sai quy chuẩn.
Trong các cuộc biểu tình, nhiều phụ nữ đã cởi, xé hoặc đốt khăn trùm đầu, thậm chí cắt tóc để bày tỏ sự phản đối. Người biểu tình ném đá vào lực lượng an ninh và đốt xe cảnh sát, trong khi cơ quan chức năng Iran sử dụng hơi cay và bắt giữ để giải tán đám đông.
Cảnh sát nổ súng vào đám đông tại ga tàu ở thủ đô Tehran. Ảnh: Guardian. |
Hơn 300 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình do lực lượng an ninh đàn áp trong hai tháng, theo nhóm Nhân quyền Iran (IHR) có trụ sở tại Oslo. Nhóm này cho biết khoảng 15.000 người đã bị bắt giữ dù chính quyền Iran phủ nhận thông tin trên.
Đến nay, năm người bị bắt giữ trong các cuộc biểu tình đã bị kết án tử hình.
Hồi đầu tháng 10, 272 trong số 290 nhà lập pháp Iran bỏ phiếu ủng hộ thi hành án tử hình đối với những tội ác nghiêm trọng chống lại nhà nước, đồng thời một số quan chức yêu cầu áp dụng biện pháp cứng rắn hơn trước tình trạng bất ổn chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
“Chúng tôi lo ngại các vụ hành quyết hàng loạt sẽ tăng lên đáng kể. Cộng đồng quốc tế phải đưa ra cảnh báo việc hành quyết những người biểu tình sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng", ông Mahmood Amiry-Moghaddam, giám đốc IHR, nhấn mạnh.
Vấn đề Trung Đông
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Cuốn sách bao trùm nhiều vấn đề về sắc tộc, khả năng giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chính sách của các nước lớn, dầu mỏ, khí đốt ở hai khu vực này,...