Theo phát ngôn viên từ phía cảnh sát, những người này bị giam giữ vì kích động đảo chính và có nguy cơ đối mặt với án tù lên đến 10 năm. Việc thu thập ADN từ nước bọt và tóc của họ đã được Pháp lệnh của Lực lượng Cảnh sát phê duyệt.
Ông John Lee Ka-chiu, quan chức chuyên trách vấn đề an ninh, đã yêu cầu các nhân viên hành pháp phải thực hiện việc bắt giữ người biểu tình theo đúng quy định hiện hành, theo báo South China Morning Post.
Trong một chương trình phát thanh hôm 4/7, ông John Lee Ka-chiu cho biết: “Khi điều tra các vụ án hình sự, sĩ quan cảnh sát có quyền thu thập dữ liệu và bằng chứng để phục vụ cho việc phá án”.
Cảnh sát Hong Kong khẳng định đã thu thập mẫu ADN từ 10 người bị bắt giữ trong các cuộc biểu tình. Ảnh: AP. |
Song một số luật sư của những người bị bắt giữ cho rằng việc lấy mẫu ADN từ nghi phạm là phương pháp điều tra các vụ trọng án như hành hung, hiếp dâm hay giết người.
Ông Janet Pang Ho-yan, luật sư của 3 trong số 10 người bị bắt giữ, cho biết cảnh sát hiếm khi lấy mẫu ADN của nghi phạm tham gia các vụ biểu tình, bạo loạn hay đụng độ với cảnh sát.
Ít nhất 6 trong số 10 người bị bắt giữ mang theo cờ và các ấn phẩm cổ động, bao gồm một người lái xe máy và cố tình đâm vào cảnh sát.
Kể từ ngày 1/7, Luật bảo vệ an ninh quốc gia tại Đặc khu hành chính Hong Kong đã chính thức có hiệu lực. Luật có 66 điều, chia làm 6 chương với nội dung bao gồm: nguyên tắc chung, chức năng và cơ cấu bảo vệ an ninh quốc gia của Đặc khu hành chính Hong Kong, hành vi phạm tội và xử phạt, thẩm quyền xét xử vụ án, trình tự áp dụng pháp luật và các điều khoản bổ sung.
Trước tình hình này, 27 quốc gia gồm Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản đã ra Tuyên bố chung cũng trong ngày 30/6. Theo đó, các nước nhấn mạnh Bắc Kinh phải cân nhắc lại luật an ninh quốc gia vì luật này “làm suy yếu” sự tự do của đặc khu hành chính Hong Kong.