Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cảnh sát biển VN được hỗ trợ gì từ sáng kiến 100 triệu USD?

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Brownfield cho biết Sáng kiến thực thi luật pháp trên biển ở Đông Nam Á nhằm tăng cường năng lực cảnh sát biển 4 nước, trong đó có Việt Nam.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Brownfield. Ảnh: CNN
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Brownfield. Ảnh: CNN

Đêm 8/10, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ William R. Brownfield đã có buổi họp báo qua điện thoại với phóng viên khu vực châu Á. Ông Brownfield là người phụ trách Văn phòng Thực thi Pháp luật và Hợp tác Phòng chống Ma túy Quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ. Buổi họp báo diễn ra sau khi ông vừa kết thúc chuyến thăm đến Đông Nam Á để củng cố các đối tác về an ninh hàng hải của Mỹ trong khu vực. Các báo tham gia cuộc họp gồm VOA (văn phòng Thái Lan), Nikkei (Nhật Bản)... và Zing.vn.

Mở đầu buổi họp báo, ông Brownfield đã giới thiệu về tình hình triển khai Sáng kiến Thực thi Pháp luật trên biển ở Đông Nam Á do Bộ Ngoại giao Mỹ khởi xướng. Ngoại trưởng John Kerry đã công bố về sáng kiến này hồi tháng 12/2013 với số tiền hỗ trợ ban đầu là 25 triệu USD. "Đến thời điểm này, ngân sách dành cho sáng kiến đã lên đến 100 triệu USD", ông Brownfield cho biết. Các nước được hưởng lợi từ chương trình này bao gồm Việt Nam, Malaysia, Philippines và Indonesia.

Trả lời câu hỏi của Zing.vn về những hoạt động cụ thể mà phía Mỹ đã hỗ trợ Việt Nam và các nước trong sáng kiến, ông Brownfield cho biết các hoạt động hỗ trợ chính gồm xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ trang thiết bị, huấn luyện xây dựng năng lực, hỗ trợ xây dựng hợp tác và điều phối hiệu quả hơn với các bên trong khu vực.

"Việt Nam cũng như các nước cần xây dựng năng lực của đội tuần duyên đủ mạnh để sẵn sàng thực thi pháp luật ở ngoài biển nếu những hành vi phạm pháp xảy ra, như đánh bắt trái phép, buôn người, buôn lậu hoặc những người đang ăn cắp tài nguyên của nước bạn... Do vậy, các nước cần công cụ và thiết bị để có thể hoạt động hiệu quả trên biển", ông Brownfield trả lời Zing.vn.

Kế đến, vị Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ cho rằng, lực lượng tuần duyên các nước cần một hệ thống thông tin liên lạc hữu hiệu. Ông nhận định, các đội ra biển mà không thể liên lạc với đội điều hướng hoặc với đơn vị chỉ dẫn họ đến nơi hành vi phạm pháp xảy ra thì hoạt động thực thi pháp luật cũng không thể hiệu quả. Mục đích của hỗ trợ này nhằm giúp các đội tuần duyên có thể liên lạc, hợp tác và điều phối các hoạt động với nhau. 

Ông Brownfield cho biết thêm, Mỹ đang hỗ trợ các nước xây dựng năng lực bộ nhận thức về các vấn đề hàng hải (Maritime Domain Awareness). Từ đây, các nước sẽ được hỗ trợ thông tin để có bức tranh toàn cảnh về những hoạt động đang diễn ra trong vùng biển chủ quyền mỗi quốc gia. Như vậy, họ sẽ biết cách phân bổ nguồn lực trong khả năng hợp lý để đối phó với tình huống cần thiết một cách hiệu quả nhất.

Trước những hoạt động gây căng thẳng của Trung Quốc ở Biển Đông, ông Brownfield cho biết: "Chúng tôi hoàn toàn nhận thức về rằng rất nhiều vấn đề đang xảy ra trong Biển Đông. Nhưng những sự hỗ trợ của chúng tôi chỉ tập trung vào việc thực thi pháp luật trên biển. Sáng kiến này hoàn toàn minh bạch, chúng tôi không thực hiện điều gì ở hậu trường".

"Tôi khẳng định một điều, nó cũng logic và dễ hiểu, rằng một quốc gia sẽ có thể bảo đảm thực thi pháp luật trên biển tốt thì họ cũng sẽ giải quyết những vấn đề khác hiệu quả. Tuy nhiên, đây không phải là mục đích chính của Sáng kiến", ông Brownfield nhấn mạnh.

Tàu Mỹ sẽ vào vùng 12 hải lý quanh đảo nhân tạo ở Biển Đông

Hải quân Mỹ thông báo sẽ đưa một tàu vào trong vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc lấn đất trên Biển Đông.

'Trung Quốc tránh đụng độ tàu Mỹ ở Biển Đông'

Trao đổi với Zing.vn, tướng Lê Văn Cương và cựu Đại sứ Nguyễn Ngọc Trường đều khẳng định Bắc Kinh sẽ không gây chiến với Washington khi Hải quân Mỹ đưa tàu áp sát các đảo nhân tạo.

 

 

Minh Anh

Bạn có thể quan tâm