Chiến hạm Mỹ tới gần khu vực Trung Quốc đang cải tạo trái phép trên Biển Đông giữa năm 2015. Ảnh: CNN |
- Hải quân Mỹ vừa thông báo sẽ đưa chiến hạm tiến vào vùng 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi lấp trên Biển Đông. Xin ông cho biết việc này có ý nghĩa như thế nào?
- Thiếu Tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Công an: Theo công ước Liên Hợp Quốc về luật biển năm 1982, các đảo nhân tạo như Trung Quốc đang bồi lấp trái phép trên Biển Đông không tạo ra quyền thiết lập vùng lãnh hải 12 hải lý bao quanh. Điều đó đồng nghĩa rằng việc tàu chiến Mỹ đi vào vùng biển này hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế và Trung Quốc không có quyền ngăn cản.
Việc cải tạo các đảo đá chìm ở Trường Sa của Trung Quốc còn vi phạm luật pháp quốc tế vì Trung Quốc không có chủ quyền đối với các quần đảo đang cải tạo. Theo khoản 3, khoản 4, điều 2 Hiến chương Liên Hợp Quốc, theo nghị quyết 2605 của Đại hội đồng tháng 10/1970, những vùng Trung Quốc cưỡng chiếm không tạo ra cơ sở pháp lý cho Trung Quốc và Bắc Kinh không có quyền gì với các đảo đang cải tạo.
Nếu Mỹ đưa chiến hạm vào vùng biển 12 hải lý xung quanh các đảo Trung Quốc đang cải tạo, nó đúng đắn và hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế. Hành động này chứng tỏ chính quyền Mỹ có thái độ rõ ràng, kiên quyết phản đối các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông.
Tại cuộc họp báo đêm 8/10 của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, người phát ngôn Hoa Xuân Oánh bày tỏ "quan ngại sâu sắc" trước bản tin Mỹ sẽ điều tàu vào vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo của nước này trên Biển Đông.
"Tôi vẫn chưa xem các bản tin mới nhất. Tuy nhiên, nếu đúng như phóng viên phản ánh thì chúng tôi quan ngại sâu sắc về điều này. Chúng tôi hy vọng Mỹ sẽ xem xét tình hình hiện tại trên Biển Đông một cách khách quan và công bằng, thể hiện vai trò tích cực và cùng với Trung Quốc duy trì hòa bình, ổn định trên Biển Đông", bà Hoa nói.
- Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường, cựu Đại sứ Việt Nam tại Thụy Điển, Mexico, Panama, Peru và Phần Lan: Đây là hành đông đúng với lập trường của Mỹ. Trước đây, Washington luôn phủ nhận tính hợp pháp mà các đảo Trung Quốc bồi lấp trên Biển Đông và khẳng định chúng không có giá trị như các đảo tự nhiên.
Trong chuyến thăm gần đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Barack Obama đã có những thảo luận chung về vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, động thái mới của phía Mỹ cho thấy Washington sẽ kiên trì thực hiện lập trường của mình dù các bên vẫn tuân thủ thỏa thuận tránh đụng độ trên không và trên biển mà Bắc Kinh và Washington đã ký.
Trên thực tế, Mỹ không thể làm gì với việc Trung Quốc cải tạo các đảo trên Biển Đông nhưng Washington cũng không thừa nhận quyền của Trung Quốc ở vùng biển 12 hải lý xung quanh các đảo. Việc đưa tàu vào vùng biển này phù hợp với lập trường của Mỹ và ngăn Trung Quốc lấn tới để kiểm soát tuyến đường huyết mạch qua Biển Đông.
- Ông dự đoán thế nào về động thái của Trung Quốc và Mỹ trên Biển Đông trong thời gian tới?
- Tướng Lê Văn Cương: Trung Quốc chắc chắn sẽ lên tiếng phản đối thông qua nhiều cấp độ khác nhau, từ người phát ngôn tới bộ trưởng Bộ Ngoại giao có thể sẽ lên tiếng. Tuy nhiên, nhiều khả năng hành động của Trung Quốc sẽ dừng lại trên phương diện ngoại giao chứ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ không lên tiếng.
Ngoài ra Trung Quốc có thể đưa hàng chục tàu chiến tới yêu cầu tàu chiến Mỹ rời đi. Tuy nhiên, nếu Washington kiên quyết không đưa tàu về thì Trung Quốc cũng không thể làm gì. Bắc Kinh chắc chắn sẽ không nổ súng vào tàu Mỹ vì nó có thể gây ra thảm họa với Trung Quốc.
Hai bên sẽ đấu khẩu với nhau một thời gian trước khi tàu Mỹ rút lui. Sẽ không có đụng độ quân sự trong khu vực. Đây là bức tranh sắp tới trên Biển Đông".
- Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường: Đây không phải bước đi cứng rắn đường đột của Mỹ. Nó cho thấy Mỹ kiên quyết theo đuổi lập trường của mình về tự do hàng hải, tự do qua lại trên không và không thừa nhận đặc quyền 12 hải lý cho các đảo đá mà Trung Quốc bồi lấp. Trong một năm qua, Mỹ nhiều lần đưa ra tuyên bố này và đây có thể là bước đi hiện thực hóa của Mỹ.
Tuy nhiên, trong nội bộ Mỹ có những quan điểm khác nhau về vấn đề Trung Quốc giữa Nhà Trắng và Hải quân. Trên cương vị của các chuyên gia, những người gánh trọng trách đảm bảo tự do đi lại trên biển và trên không cho Mỹ và các nước đồng minh nên hải quân Mỹ chắc chắn sẽ theo đuổi điều này.
Động thái mới của Mỹ cho thấy Washington và Bắc Kinh vẫn tiếp tục theo đuổi lập trường của mình. Tuy nhiên, nguy cơ va chạm khó có thể xảy ra. Khi tàu Mỹ áp sát các đảo, Hải quân Trung Quốc có thể đưa ra cảnh báo hoặc cho tàu bám theo. Thậm chí, Bắc Kinh có thể điều động máy bay tham gia xua đuổi tàu Mỹ. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ không khai hỏa và Mỹ cũng không muốn xung đột”.