Thạc sĩ luật Hoàng Việt Ảnh: Tuổi Trẻ |
|
- Báo chí Mỹ dẫn nguồn tin từ các quan chức quốc phòng cho biết, hải quân Mỹ có thể đưa tàu vào trong vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc lấn đất trên biển Đông. Ông nhận xét như thế nào về hành động mạnh mẽ này của quân đội Mỹ?
- Nếu chính phủ Mỹ thực sự phê chuẩn việc đưa tàu, tôi cho rằng nó phục vụ 2 mục đích lớn.
Đầu tiên, Mỹ thể hiện rõ rằng họ không chấp nhận những hành động cải tạo và bồi đắp đất trên Biển Đông. Washington khẳng định những hành động này của Bắc Kinh nhằm hỗ trợ những yêu sách chủ quyền sai trái trên Biển Đông của Trung Quốc. Do vậy, Mỹ muốn kết thúc những việc làm này.
Kế đến, Mỹ muốn tiếp tục chứng tỏ quyết tâm về chính sách xoay trục sang châu Á của chính quyền Obama. Mỹ buộc phải tỏ rõ quyết tâm này, vì trong thời gian gần đây, nhiều học giả và các nhà quan sát cho rằng Mỹ đã lơ là, không can thiệp mạnh mẽ khiến Trung Quốc hoành hành trên Biển Đông.
Thời gian qua, Washington đã khiến niềm tin của một số đồng minh và đối tác trong khu vực suy giảm. Do vậy, Mỹ phải tỏ rõ quyết tâm của họ và cần có những hành động mạnh mẽ hơn. Việc đưa tàu chính là một trong những biện pháp cần thiết của Mỹ.
- Trên thực tế, Bộ Quốc phòng Mỹ từng cho biết ý định đưa tàu đến gần đảo nhân tạo của Trung Quốc cách đây vài tháng. Việc đưa tàu (có thể) diễn ra sau khi ông Tập Cận Bình vừa kết thúc chuyến thăm chính thức đến Mỹ thể hiện điều gì?
- Trong chuyến công du Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc, hai bên đã thể hiện họ không thể tìm tiếng nói chung về tình hình Biển Đông. Ngay trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Obama, ông Tập Cận Bình còn ngang nhiên tuyên bố rằng Biển Đông là thuộc chủ quyền Trung Quốc từ xưa nay.
Khi Mỹ cảm thấy không còn nhiều cơ hội tìm kiếm sự đồng thuận với Trung Quốc, họ buộc phải sử dụng những hành động riêng của mình để chứng tỏ quyết tâm và cam kết của Mỹ đối với tình hình Biển Đông.
- Trung Quốc sẽ phản ứng như thế nào đối với việc triển khai tàu của Mỹ?
- Trung Quốc đã một thời gian dài hành động hung hăng trên Biển Đông nhưng Mỹ chưa có động thái mạnh mẽ hơn. Do vậy, Trung Quốc sẽ còn tiếp tục việc làm sai trái của họ chừng nào Mỹ và các cường quốc trên thế giới chưa có phản ứng cứng rắn buộc Bắc Kinh phải dừng lại.
Trung Quốc cũng luôn theo dõi sát sao mọi động thái của Mỹ. Bắc Kinh ý thức rất rõ rằng, Mỹ không muốn đẩy tình hình giữa hai nước vào thế đối đầu. Washington cũng đã cân nhắc rất kỹ lưỡng. Cho nên, Trung Quốc được thế "làm tới" để phục vụ cho mục đích của họ.
Tôi cho rằng, khả năng một xung đột trên biển xảy ra nếu tàu Mỹ đến gần vùng 12 hải lý quanh đảo nhân tạo của Trung Quốc là rất thấp. Cả hai đều biết rõ lằn ranh giới hạn của họ, điểm mạnh và điểm yếu của họ. Phản ứng của Trung Quốc đến đâu là diễn biến mà chúng ta cần phải theo dõi thêm. Tuy nhiên, chắc chắn Trung Quốc sẽ phản ứng chứ không thể để yên.