Tàu chiến đấu ven biển USS Fort Worth của Hải quân Mỹ. Ảnh: Hải quân Mỹ |
Trang Navy Times (Mỹ) ngày 7/10 đưa tin, tàu hải quân nước này sẽ được đưa vào trong vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc lấn đất trên Biển Đông, sau khi có phê chuẩn chính thức từ chính quyền.
Phản ứng trước thông tin trên, các chuyên gia quân sự Trung Quốc đưa ra nhiều phương án "đối phó". Họ cho rằng, hải quân Trung Quốc sẽ phát cảnh báo và các va chạm sẽ không xảy ra nếu tàu nước ngoài di chuyển bên ngoài 12 hải lý. Tuy nhiên, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) có khả năng "xua đuổi bất cứ kẻ xâm nhập nào".
“Hải quân sẽ phát cảnh báo bằng loa, yêu cầu các tàu Mỹ rời đi”, Ni Lexiong, chuyên gia hải quân ở Thượng Hải, nói.
Trong khi đó, Li Jie, chuyên gia tại Bắc Kinh cho rằng, hải quân nước này sẽ cử tàu chiến tới đánh chặn các tàu Mỹ nếu họ bỏ qua cảnh báo từ Trung Quốc.
Một nguồn tin thân cận với PLA cho biết, Bắc Kinh đã có thêm vài giải pháp “chi phí thấp, hiệu quả cao” cho một cuộc đối đầu có thể xảy ra, theo AP.
“Chúng ta có thể điều động thiết bị không người lái xua các tàu Mỹ hoặc đơn giản là ra lệnh cho quân đoàn pháo binh số 2 nã tên lửa từ khoảng cách nhất định”, ông Li nói.
Trung Quốc xây đường băng trên đảo nhân tạo bồi đắp phi pháp ở Đá Su Bi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: DigitalGlobe |
Bắc Kinh hôm 8/10 bày tỏ lo ngại về việc trong vài ngày tới Mỹ sẽ cử tàu tới khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc cải tạo trái phép ở Biển Đông.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho rằng, từ lâu, Bắc Kinh đã nói rõ vị thế của họ ở Biển Đông. “Chúng tôi mong rằng, Mỹ có thể quan sát tình hình hiện tại ở Biển Đông dưới con mắt khách quan, công bằng và cùng Trung Quốc đóng vai trò gìn giữ hòa bình và ổn định tại Biển Đông”, bà Hoa nói.
Mỹ kiên định lập trường
Navy Times nhận định, các dự án cải tạo phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông trở thành nguồn cơn căng thẳng và đặt ra mối đe dọa với tự do hàng hải khu vực. Kế hoạch đưa tàu và máy bay vào 12 hải lý đã được Mỹ thông báo từ tháng 5 năm nay nhưng đến giờ chưa được triển khai.
Nếu được phê chuẩn, đây sẽ là lần đầu tiên kể từ năm 2012 Hải quân Mỹ chính thức thách thức các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.
Trong bài phát biểu hôm 8/10, trợ lý ngoại trưởng Mỹ, ông William Brownfield, cho biết Washington đang giúp Việt Nam và các nước khác ở Đông Nam Á đẩy mạnh thực thi luật pháp tại vùng biển.
“Sự hợp tác của chúng ta sẽ đảm bảo rằng lực lượng bảo vệ bờ biển Việt Nam, cũng như các quốc gia khác, có thiết bị phù hợp để thực thi nhiệm vụ trên biển của mình. Các bạn cần khả năng nhận biết nơi nào luật pháp đang bị vi phạm do các hoạt động như đánh bắt cá trái phép, buôn lậu hoặc đánh cắp tài nguyên quốc gia”, ông Brownfield nói.
Trợ lý ngoại trưởng Mỹ cho biết thêm, Mỹ cũng giữ liên lạc chặt chẽ với Trung Quốc về vấn đề an ninh hàng hải và gần đây, hai bên đã ngồi vào bàn đàm phán nhằm tìm ra giải pháp an toàn trong trường hợp xảy ra đụng độ trên biển.
Theo ông Brownfield, chính phủ Mỹ có lập trường và đã tuyên bố rõ ràng về cách hành xử của các bên trong vấn đề an ninh hàng hải khu vực.
“Chúng tôi đề nghị 3 nguyên tắc cơ bản đối với an ninh hàng hải trong khu vực là: Không cải tạo thêm đất, không quân sự hóa các đảo và không xây dựng mới”, ông Brownfield khẳng định.