"Hôm nay, tôi đang làm nhiệm vụ thì bất ngờ nhận thông báo qua radio: 'Tất cả đơn vị chú ý, Cầu London sập rồi. Cầu London sập rồi. Chờ đợi chỉ thị tiếp theo. Hết'. Nó làm tôi xúc động", một sĩ quan cảnh sát thủ đô London kể lại, Sky News đưa tin.
Sau khi Nữ hoàng Elizabeth II qua đời, mật mã "Cầu London đã sập" (London Bridge is down) được thư ký riêng của nữ hoàng thông báo đến các thành viên trong hoàng tộc, nhà ngoại giao nước ngoài và quan chức hàng đầu.
Chính phủ Anh sau đó lập tức kích hoạt "Chiến dịch Cầu London" trong 10 ngày với một loạt sự kiện và nghi lễ cho tang lễ nữ hoàng Anh. Năm 2021, Anh đã kích hoạt "Chiến dịch Cầu Forth" sau khi Hoàng thân Philip từ trần.
Cảnh sát thủ đô được bố trí trước Cung điện Buckingham ngày 9/9. Ảnh: Reuters. |
"Chiến dịch Cầu London" đã được lên kế hoạch từ những năm 1960 và được tiết lộ trong phóng sự của Guardian vào năm 2017.
Việc đặt mã hiệu cho sự ra đi của hoàng gia bắt nguồn từ sự kiện vua George VI, cha của Nữ hoàng Elizabeth II, băng hà vào năm 1952 - được đặt mã hiệu "Hyde Park Corner".
Kế hoạch tang lễ cho nữ hoàng đã được xây dựng chi tiết và cẩn thận, từ tiếng súng chào, hồi chuông vang khắp đất nước đến nơi tập trung hàng triệu người để tỏ lòng thành kính. NBC nhận định đây là một sự kiện rất ít người từng được chứng kiến từ bất kỳ nơi nào trên thế giới.
Vua Charles III đã đến Cung điện Buckingham vào chiều 9/9, và lần đầu tiên lá cờ hoàng gia Royal Standard tung bay dưới sự trị vì của ông. Ông Charles III sẽ gặp Thủ tướng Anh Liz Truss và phát biểu trước toàn quốc sau đó.