Những người đàn ông bị cảnh sát bắt giữ và bị bắn gần hiện trường vụ án tuần trước, N Prakash Reddy, phó cảnh sát trưởng ở Shamshabad, gần thành phố Hyderabad, cho biết.
"Vào buổi sáng, vào khoảng 6h - 6h30, người của chúng tôi đã đến để dựng lại hiện trường vụ án và các bị cáo đã cố gắng cướp vũ khí của họ, dẫn đến vụ đụng độ. Trong đó, cả bốn bị cáo đã chết. Hai cảnh sát đã bị thương", ông Reddy nói.
Cảnh sát Ấn Độ thường xuyên bị buộc tội giết người ngoài tòa án, được gọi là "cuộc giao chiến", đặc biệt trong các cuộc chiến băng đảng ở Mumbai và các cuộc nổi dậy ở Punjab và Kashmir. Các sĩ quan cảnh sát hàng đầu liên quan đến những vụ giết người như vậy được gọi là "chuyên gia giao chiến" và trở thành nhân vật trong một số bộ phim.
Hình ảnh được chụp ngày 6/12 cho thấy sĩ quan V.C. Sajjanar của Sở Cảnh sát Cyberabad và các cảnh sát khác đến địa điểm nơi cảnh sát bắn chết bốn người đàn ông bị nghi ngờ cưỡng hiếp một bác sĩ thú y, tại thành phố Hyderabad, Telangana, Ấn Độ. Ảnh: ANI/Reuters. |
Trong tuần qua, hàng nghìn người Ấn Độ đã biểu tình ở một số thành phố sau vụ cưỡng hiếp và giết hại bác sĩ thú y.
Người phụ nữ, người không thể được nêu tên theo luật Ấn Độ, đã rời nhà để đến cuộc hẹn trên chiếc xe máy tay ga của mình và sau đó gọi cho chị gái để nói rằng xe của cô bị thủng lốp. Cô cho biết một tài xế xe tải đã đề nghị giúp đỡ và cô đang đợi gần một trạm thu phí.
Truyền thông địa phương cho biết cô đã bị đưa ra đằng sau hàng xe tải, bị hãm hiếp, bóp cổ và xác chết của cô sau đó bị thiêu ở ngoại ô thành phố Hyderabad. Bốn người đàn ông từ 20 đến 28 tuổi đã bị bắt giữ.
Gia đình cô hoan nghênh tin tức về vụ giết hại các thủ phạm bị cáo buộc.
"Đã 10 ngày kể từ khi con gái tôi qua đời. Tôi bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với cảnh sát và chính phủ cho việc này. Linh hồn con gái giờ đã được yên nghỉ", ANI dẫn lời bố của nạn nhân.
Một số người nói rằng việc thiếu quy trình xét xử không có nghĩa cảnh sát được ban phát công lý.
"Đây không phải công lý tức thì, đây là sự thiếu vắng của công lý. Chúng ta không thể khiến phụ nữ an toàn hơn bằng việc bỏ đi pháp quyền, việc này khó hiểu đến thế sao?", nhà bình luận Ấn Độ Rukmini S. nói trong một đoạn tweet.