Những nét chấm phá sống động rất riêng của đời sống cư dân Nam kỳ đầu thế kỷ 20 dẫu chưa hoàn toàn được gọi là đầy đủ, nhưng ở góc độ sinh hoạt kinh tế, văn hóa, tâm linh… đã phác họa khá tinh tế làm nổi bật những đặc trưng của cư dân Nam kỳ đầu thế kỷ 20. Và điều đáng ghi nhận ở đây, đời sống mọi mặt của cư dân nơi này không phải được thể hiện bằng những nghiên cứu, bài viết, tiểu luận… thành văn, mà qua nét cọ chuyên nghiệp của các tác giả được tập hợp trong Monographie Dessinée de L’Indochine - Cochinchine (Ký họa về Đông Dương - Nam kỳ).
Sách Ký họa về Đông Dương - Nam kỳ. |
Tác phẩm là tài liệu của Trường vẽ Gia Định (tiền thân Đại học Mỹ thuật TP.HCM) được thực hiện dưới sự chỉ đạo của J.G. Besson - Thanh tra các trường nghệ thuật ở Nam Kỳ.
Văn minh sông nước, văn minh miệt vườn hiển hiện đậm nét qua hình ảnh sông Sài Gòn với những chiếc thuyền chài giăng lưới. Và đây, công trình quen thuộc với tên gọi Bến cảng Nhà Rồng mà ngày nay là Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TP.HCM thì dạo đầu thế kỷ 20, chính là tòa nhà trụ sở Công ty Vận tải biển Messageries Martimes với hình ảnh quen thuộc “lưỡng long tranh châu” trên đỉnh nóc (nên gọi Cảng Nhà Rồng là vậy). Hay kia là ký họa nhìn từ tòa nhà trụ sở Công ty Vận tải biển Messageries Martimes hướng về cột cờ Thủ Ngữ có từ năm 1865 cùng rạch Bến Nghé cách đó không xa làm ta nhớ đến câu “Gia Tân nền tạm thuở xưa, Ngày nay có dựng cột cờ gần bên” trong Gia Định phong cảnh vịnh của Trương Vĩnh Ký… Cũng đâu đó qua những phác họa, ta bắt gặp những địa danh sông nước như sông Sài Gòn, cầu Bình Lợi, kênh Bến Các, kênh Cầu Băng Ky…
Tòa nhà trụ sở Công ty Vận tải biển Messageries Martimes với hình ảnh quen thuộc “lưỡng long tranh châu” trên đỉnh nóc. |
Là vùng đất mới, nhưng Nam kỳ hoạt động giao thương buôn bán tấp nập, bởi đây là nơi chim trời cá nước, là vựa lúa với miệt Tây Nam kỳ lắm cá nhiều tôm. Thế nên cũng dễ hiểu khi trong các bức họa, hình ảnh về các hoạt động kinh tế chiếm một dung lượng lớn.
Nơi bờ rạch Bến Nghé ở Chợ Lớn, những ghe ăn hàng đậu san sát để chuyên chở nào gạo, nào nước mắm. Và đây, nơi diễn ra những thanh âm của trao qua đổi lại, ấy là chợ. Ở Bà Chiểu (thuộc quận Bình Thạnh ngày nay) có chợ rau củ, chợ cá, chợ chuối, và kia chợ Gò Vấp với đủ mặt hàng, hay Bình Hòa, Thủ Đức có chợ cá, Gia Định có chợ trái cây…
Chợ cá ở xã Bình Hòa. |
Dân Nam kỳ dạo ấy, sinh kế ngoài những hoạt động bán buôn trao đổi, thì qua những bức họa thể hiện, cho ta thấy đủ loại ngành nghề được thể hiện như nghề nông nuôi gà, trồng thuốc lá, thủ công nghiệp với nghề làm gốm, nghề làm nước mắm, nghề nấu rượu hay nghề mộc… và có cả nghề ăn xin.
Đời sống kinh tế của người Hoa khu vực Chợ Lớn cũng được đặc biệt chú ý với những bức họa về các cửa hàng chuyên doanh theo hộ gia đình. Đó có thể là tiệm bán đèn, tiệm mây tre đan, tiệm thuốc Bắc… với đặc điểm dễ nhận dạng qua tên bảng hiệu chữ Hoa.
Tiệm Thành An bán đồ mây tre đan. |
Đến với địa danh di tích hay hoạt động tâm linh, hình ảnh Lăng Ông Lê Văn Duyệt được thổi hồn qua nét cọ trầm mặc giữa cây cối. Hoặc ngày 30 Tết, người dân tảo mộ cho người thân để đón Tết. Lại cũng dịp Tết, tục xin chữ truyền thống của miền Bắc thì ở miền Nam, cũng hiện diện. Hay trong đám tang, người con cũng áo quần vải thô, chống gậy như phong tục lâu nay của người Việt. Còn lễ cưới dạo ấy, hình ảnh thật đẹp với cô dâu áo dài cùng chiếc nón đội như nón quai thao, chú rể áo dài khăn đóng cho thấy sự đối xử trân trọng với quốc phục dân tộc.
Điểm thú vị có thể nhận thấy ở sinh hoạt kinh tế, sinh hoạt ăn uống… ở người dân dạo ấy là phần đa… ngồi xổm. Bán hàng - ngồi xổm, ăn uống - ngồi xổm, chơi nhạc - ngồi xổm, thậm chí đã ngồi lên ghế cao, vẫn hai chân ngồi xổm như một thói quen cố hữu không dễ thay đổi.
Bán trà Huế ở chợ. Người mua, người bán thoải mái... ngồi xổm. |
Những bức họa Monographie Dessinée de L’Indochine - Cochinchine (Ký họa về Đông Dương - Nam kỳ) được NXB Văn hóa Văn nghệ ấn hành có chú thích ba ngôn ngữ Việt - Anh - Pháp. Qua hàng trăm bức tranh trắng đen hoặc tranh màu đã thể hiện chất nghề, tính chuyên nghiệp, bài bản của các họa sĩ thổi hồn vào tranh. Những tác giả ấy, tên tuổi họ không lưu hoặc chỉ lưu trên tranh qua chữ ký, nhưng công sức của những họa sĩ đa phần vô danh đã góp phần định danh cho tập thể đại diện họ gồm Trường vẽ Gia Định, Hiệp hội các nhà trang trí, khắc chữ và in li-tô ở Gia Định, cũng như lưu giữ lại những ký ức xa xưa sống động và trực quan về đất Nam kỳ đầu thế kỷ 20.