Nhắc tới Văn Cao, người ta thường nghĩ tới bản Tiến quân ca, hoặc một số bản tân nhạc như Thiên thai, Suối mơ… Văn Cao là hình tượng nghệ sĩ hiếm hoi trong thế kỷ 20 rộng hơn một tư cách. Ông là nhà thơ, là nhạc sĩ, là họa sĩ; cũng rất ít người biết ông có viết văn xuôi đăng báo, viết tiểu luận về văn nghệ sĩ. Văn Cao dường như còn nhiều ẩn số để giới nghiên cứu tìm hiểu.
Một số khía cạnh trong cuộc đời sáng tạo nghệ thuật của Văn Cao được nhà văn Nguyễn Trương Quý, nhà sưu tầm sách Nguyễn Bình Phương, TS Trần Ngọc Hiếu trình bày trong chương trình “Một Văn Cao số nhiều” (diễn ra tối 14/11). Đây là một hoạt động trong chuỗi sự kiện mừng sinh nhật Văn Cao (15/11) do Ơ kìa Hà Nội tổ chức.
Người tiên phong trong âm nhạc
Nói tới Văn Cao là nói tới Quốc ca, nhưng liệu chúng ta đã biết được bao nhiêu về tác giả Tiến quân ca, Thiên thai, Suối mơ… Nhà văn Nguyễn Trương Quý - tác giả cuốn khảo cứu âm nhạc Một thời Hà Nội hát - đưa ra những nhận định về Văn Cao trong âm nhạc.
Một trích đoạn tranh vẽ nhạc sĩ Văn Cao của họa sĩ Văn Thơ. |
Sách Rock Ha Nội & Rumba Cửu Long (tác giả Jason Gibbs, Trương Quý dịch), nhận định Văn Cao thuộc thế hệ nhạc sĩ tiên phong Việt Nam. Thế hệ Văn Cao có ý niệm làm nghệ thuật phục vụ cộng đồng, công chúng. Trước đây các tài tử chỉ hoạt động theo câu lạc bộ thu hẹp, hình thức là thi đàn, thi xã. Trong giai đoạn tân nhạc phôi thai, ông sáng tác những bài nổi tiếng như Thiên thai, Suối mơ, Bến xuân, Trương Chi…
Âm nhạc là giấc mơ đầu tiên của Văn Cao, không phải lĩnh vực xuyên suốt trong hành trình nghệ thuật của ông. Nền tân nhạc rất ít có tác giả định hình phong cách, nhưng Văn Cao là người hiếm hoi khi nghe giai điệu là nhận ra tác giả.
Âm nhạc của Văn Cao không tách rời thơ, họa. Tác phẩm của ông đưa ra định đề biểu tượng, mỹ cảm riêng, khác biệt với giai điệu của hàng trăm bài tiền chiến na ná nhau. Buồn tàn thu, Thiên thai có cấu trúc dày dặn, phức hợp. Thời kháng chiến ông có những bài cô đọng như Làng tôi, là người đầu tiên viết trường ca với bản Sông Lô.
Văn Cao có ảnh hưởng rộng tới nhiều nhạc sĩ sau này. Trần Hoàn (tên thật là Trần Tăng Hích) nói ông lấy bút danh này vì quá mê Thiên thai (trong ca khúc có câu “Đào nguyên trước Lưu Nguyễn quên trần hoàn”). Hoặc những tác giả khác viết nên các ca khúc giống Văn Cao như Sóng nước Ngọc Tuyền của Huy Du giống Thiên thai, hoặc Trăng mờ bên suối của Lê Mộng Nguyên (lấy lại ý niệm trong Suối mơ)…
Từ trái qua: Nhà văn Trương Quý, nhà sưu tập Nguyễn Bình Phương, TS Trần Ngọc Hiếu tại tọa đàm tối 14/11. Ảnh: Ơ kìa Hà Nội |
Văn Cao như người khai nguyên, tạo ra nhiều mở màn trong âm nhạc. Sau năm 1945, cả âm nhạc và tranh của Văn Cao đều có ý niệm thẩm mỹ hiện đại, chặt chẽ, cô đọng, mạnh mẽ, con người là chủ thể của sáng tạo. Tác phẩm của ông có đường nét gồ ghề vạm vỡ thay cho mỹ cảm dặt dìu ủy mị tiểu tư sản.
Văn Cao chuyển hướng sáng tác rất nhanh. Trương Chi vẫn còn hơi hướm lãng mạn, nhưng sau đó ông đã có Tiến quân ca, Chiến sĩ Việt Nam, Làng tôi, Ngày mùa, trường ca Sông Lô, Tiến về Hà Nội…
Với nhà văn Trương Quý, chỉ riêng âm nhạc Văn Cao đã đa dạng, là số nhiều rồi, chưa nói tới các địa hạt thơ ca, hội họa. Âm nhạc là giấc mơ đầu đời của Văn Cao, và nó tiếp nối trong hành trình nghệ thuật sau đó của ông như hội họa, thi ca.
Trường phái minh họa Văn Cao
Công chúng thế hệ sau ít biết tới Văn Cao trong vai trò họa sĩ. Nhưng ở địa hạt mỹ thuật, Văn Cao tạo lập một phong cách riêng mà nhà phê bình Thái Bá Vân gọi là “trường phái minh họa Văn Cao”.
Gần 300 cuốn sách do Văn Cao vẽ bìa được anh Nguyễn Bình Phương sưu tầm trong 10 năm qua mang tới một hình dung về sự nghiệp minh họa của tác giả Quốc ca. Vốn là một nhà sưu tập sách, anh Nguyễn Bình Phương để ý nhiều cuốn cũ, quý, hiếm, sách có chữ ký tác giả. Dần dần, những cuốn sách do Văn Cao vẽ bìa chinh phục anh. Đó là những tranh bìa đằm thắm, cho người xem cảm giác bình yên.
Các cuốn sách do Văn Cao vẽ bìa được Nguyễn Bình Phương chia làm ba mảng chính: Nhóm những bìa có typo (nghệ thuật chữ) hiện đại, nhóm những cuốn có mảng màu tươi tắn, luôn nằm thẳng; và nhóm cách điệu tối giản.
Thời trước đây phương tiện kỹ thuật còn khó khăn, làm bìa đơn giản là lựa chọn phù hợp. Nhưng Văn Cao làm bìa sách tối giản mà đẹp, không thừa không thiếu chi tiết nào, nội dung bìa sách luôn toát lên tinh thần nhân văn.
Thái Bá Vân cho rằng Văn Cao là người đưa ra một trường phái mới trong hội họa. Khi minh họa cho cuốn Quê biển của Nguyễn Xuân Sanh, ông chỉ dùng hai màu xanh và vàng nhạt đan xen nhau, những đường ngang rất đơn giản mà mang hiệu quả thẩm mỹ, hiện đại.
Một số minh họa của Văn Cao. |
Minh họa của Văn Cao luôn có tông màu xanh và xuất hiện nhiều hình ảnh chiếc lá. Minh họa Búp sen xanh của Sơn Tùng, ông không cho búp sen màu xanh mà để trắng trên nền xanh.
Mỗi đường nét trong minh họa của ông trau chuốt. Đôi bàn tay nâng quả khi minh họa cho tập Mùa hái quả giống như cách ông nâng niu tác phẩm của bạn bè, nghệ sĩ, làm sáng đẹp thêm tác phẩm văn chương.
“Tôi rất ngạc nhiên khi thấy Văn Cao - một tác giả Quốc ca, một nghệ sĩ nổi tiếng - mà làm việc minh hoạ cần mẫn như một công nhân. Ông đã làm việc như một công nhân nhưng với tinh thần của một nghệ sĩ. Đó là thứ minh họa nghiêm túc chứ không chỉ làm quấy quá cho qua”, nhà sưu tập sách Nguyễn Bình Phương nói.
“Xuyên suốt âm nhạc, hội họa, thi ca ông mang lại cho chúng ta cảm giác bình yên, giúp chúng ta tìm được thăng bằng trong cuộc sống”, nhà sưu tập sách đúc rút.
Thơ ca khám phá khoảnh khắc chênh chao của sự sống con người
Là một nhà thơ, sự nghiệp thi ca của Văn Cao được TS Trần Ngọc Hiếu chia làm ba chặng, có sự biến chuyển rõ nét.
Trong âm nhạc, Văn Cao định hình ngay từ tác phẩm đầu tiên thì trong thơ ông có sự biến chuyển. Thời kỳ trước cách mạng Tháng 8, thơ của ông là thể lục bát. Bài Lữ khách (Anh hùng ca) của Văn Cao đậm chất Đường thi, cũng giống như âm nhạc đời đầu (Thiên thai, Suối mơ) rất cổ điển.
Thơ Văn Cao. Thiết kế: Thư viện Ơ kìa |
Sau đó, thơ ca ông mang tính kiêu bạc, âm hưởng thời đại. Văn Cao ý thức xây dựng tiết tấu gấp khúc, chói, gắt trong thơ.
Trước cách mạng Tháng 8, sự nghiệp thơ Văn Cao được khẳng định qua bài Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc. Tác phẩm này có cách tạo hình hỗn loạn, quằn quại, thể hiện trạng thái rã rời của cái tôi; ngôn ngữ phóng khoáng, rũ rượi.
Giai đoạn thơ ca thứ hai là lúc người ta biết đến ông nhiều trong vai trò âm nhạc (Tiến về Hà Nội, trường ca Sông Lô). Sau khi Văn Cao viết trường ca Sông Lô, có tới 6 bản về sông Lô được sáng tác. Ở giai đoạn này, Văn Cao có bài thơ nổi bật là Những người trên cửa biển. Tác phẩm này có tính tiên phong, đổi mới. Văn Cao là một trong những người đầu tiên rũ bỏ vần trong thơ.
Thơ bỏ vần của Văn Cao làm cho hơi thơ gân guốc, nhịp thơ rắn rỏi, truyền được sự gấp gáp thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp. Những người trên cửa biển còn là một tổng kết xã hội của Văn Cao, ông viết về những chuyện tưởng nhỏ nhưng hết sức hệ trọng. Tác phẩm cho thấy sự nhạy cảm của ông với thời cuộc.
Ở giai đoạn thơ ca thứ 3, Văn Cao dường như không sáng tác nhạc. Đây là giai đoạn phức tạp nhất khi tìm hiểu thế giới tinh thần của Văn Cao.
65 tuổi Văn Cao viết về mình: “Những ngày buồn không nói được / Tôi chỉ tìm ra sự sống của tôi” (Ba biến khúc tuổi 65). Làm thơ, Văn Cao không thể né tránh việc đối diện với chính mình. Thơ Văn Cao cho thấy cái tôi không giấu giếm, cái tôi đau đớn, nhưng đi qua gian nan với sự bình thản.
Thơ Văn Cao là những trạng thái cảm xúc thanh lọc. Ông không tỏ ra mình là một nhà tư tưởng, ông không hùng biện, không đúc kết. Bằng cái nhìn trực cảm, ông thường nhìn ra những khoảnh khắc bấp bênh, chơi vơi của con người.
Với Văn Cao, làm thơ là để tâm tình. Giai đoạn đau khổ nhất ông vẫn viết ra thứ ngôn ngữ dịu dàng. Sau tất cả, cái khổ đau là cần thiết để người ta nhìn cuộc đời này bình tâm, vẫn thấy cuộc đời này còn lại điều gì đáng sống.