Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ông trạng với những lời khuyên ‘tam phân thiên hạ’

Tinh thông số học, các việc đều biết trước nên những lời nói, câu khuyên của ông trở thành lời tiên tri, sấm truyền cho hậu thế và góp phần "tâm phân thiên hạ" đang loạn lạc.

Nói tới Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585), thân thế của ông được ghi lại trong Đại Việt lịch triều đăng khoa lục như sau: “Người làng Trung Am, hạt Vĩnh Lại, thi đỗ khi 50 tuổi”, 5 trường (thi Hội 4 trường, thi Đình 1 trường là 5 trường) đều đứng đầu, làm đến Thượng thư Thái phó Trình quốc công, về hưu”.

Vốn tinh thông số học, các việc đều biết trước, nên những lời nói, câu khuyên của ông trở thành lời tiên tri, sấm truyền cho hậu thế. Dù là cựu quan nhà Mạc, nhưng ông từng tiên tri cho cả triều đại đối địch của triều đình mà mình phụng sự. Sứ nhà Thanh Chu Xán ca ngợi ông là “An Nam lý học hữu Trình Tuyền” (nước Nam về mặt lý học có Trình Tuyền hầu Nguyễn Bỉnh Khiêm).

Lời khuyên giống cũ vẫn tốt

Thời ông đất nước phân liệt Nam triều (nhà Lê-Trịnh) với Bắc triều (nhà Mạc). Ở Nam triều, vua Lê tiếng là người đứng đầu, nhưng quyền hành tập trung vào tay chúa. Theo Trịnh gia chính phả “năm Kỷ Tỵ thứ 12 (1569), Trịnh Kiểm được gia phong làm quan thượng tướng chức Thượng phu Thái quốc công”, quyền cao tột bậc, định lên ngôi trị nước nhưng sợ dư luận không đồng tình nên sai người đến hỏi ý kiến ông.

Trang Trinh Nguyen Binh Khiem tien tri anh 1

Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. 

Nam hải dị nhân ghi “Năm Thuận Bình thứ 8 nhà Lê (1556), vua Trung Tông mất không có con, bấy giờ Trịnh Kiểm đang cầm quyền, có bụng hồ nghi, không biết nghĩ ra thế nào. Hỏi Phùng Khắc Khoan, Khắc Khoan cũng không biết thế nào cho phải, mới sai người đi lẻn ra Hải Dương để hỏi ngài, ngài chẳng nói câu gì, chỉ ngảnh lại bảo đầy tớ rằng: “Năm nay mất mùa, thóc giống không tốt, nên tìm giống cũ mà gieo mạ”. Nói rồi, sai tiểu quét dọn đốt hương, để ngài ra chơi chùa, và bảo tiểu rằng: “Giữ chùa thờ Phật thì ăn oản”. Đó là có ý khuyên Trịnh Kiểm tìm lấy dòng dõi nhà Lê mà lập nên, mà phải cứ giữ đạo làm tôi ăn mày Phật thì mới được hưởng phúc. Sứ giả về nói với Trịnh Kiểm, Trịnh Kiểm hiểu ý, mới đón vua Anh Tông lập nên, quả nhiên dựng lại được cơ đồ nhà Lê mà họ Trịnh cũng đời đời được vinh hiển”.

Lời Nguyễn Bỉnh Khiêm khuyên nhà Trịnh ẩn nhiều ý nghĩa: “Năm nay mất mùa” ý nói chiến tranh, loạn lạc liên miên, lòng dân ly tán, đất nước không yên ổn, do đó muốn tạo được sự ổn định thì “nên tìm giống cũ mà gieo”, tức là giữ ngôi vua Lê. Bởi nhà Lê được lòng dân, đa phần vẫn có tâm trạng “hoài Lê”. Nhà chúa muốn “được ăn oản”, ăn lộc nước thì phải “thờ Phật”, tức là dựa vào danh nhà Lê mà nắm thực quyền dù bề ngoài là kẻ tôn thần. Lời Nguyễn Bỉnh Khiêm ứng với lịch sử về sau. Cái lẽ “Lê tồn Trịnh tại, Trịnh bại Lê vong” đúng như lịch sử đã diễn ra.

Lời khuyên phía nam dãy Hoành sơn

Chỉ với vài câu nói có thể “tam phân thiên hạ”, chia thế chân vạc như thời Tam quốc bên Tàu, chắc hẳn chỉ có Trạng Trình mới làm được. Dù làm quan nhà Mạc, nhưng ông lại có được sự tín nhiệm của các thế lực phong kiến khác. Để khôi phục lại nhà Lê, An Thành hầu Nguyễn Kim (1467-1545) phò Lê Ninh lên làm vua Lê Trang Tông. Sự nghiệp trung hưng nhà Lê đang thuận lợi thì ông bị đầu độc chết, binh quyền về tay con rể Trịnh Kiểm. Đại Việt bấy giờ chia đôi thành Nam-Bắc triều.

Nguyễn Kim mất, để lại hai người con trai là Nguyễn Uông và Nguyễn Hoàng. Đại Nam thực lục cho hay “Trịnh Kiểm (xưng là Lượng quốc công) cầm giữ binh quyền, chuyên chế mọi việc. Tả tướng là Lãng quận công Uông bị Kiểm hãm hại. Kiểm lại thấy chúa (tức Nguyễn Hoàng) công danh ngày càng cao nên rất ghét. Chúa thấy thế, trong lòng áy náy không yên, cùng bàn mưu với Nguyễn Ư Dĩ rồi cáo bệnh, cốt giữ mình kín đáo để họ Trịnh hết ngờ”. Trong Nam triều công nghiệp diễn chí cho biết cách cáo bệnh của Nguyễn Hoàng: “Bà chính phi của Trịnh Kiểm (tức Ngọc Bảo, chị Nguyễn Hoàng) nghe chuyện lấy làm lo, bèn lập mưu bảo Nguyễn Hoàng giả điên”.

Để tìm ra lối thoát cho bản thân, Nguyễn Hoàng, “nghe tiếng Nguyễn Bỉnh Khiêm (người làng Trung Am, xứ Hải Dương, đỗ Trạng nguyên triều Mạc, làm đến chức Thái bảo về trí sĩ) giỏi nghề thuật số, nên ngầm sai người tới hỏi. Bỉnh Khiêm nhìn núi non bộ trước sân ngâm lớn rằng: “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân”. Nghĩa là: Một dải núi ngang có thể dung thân muôn đời được. Sứ giả đem câu ấy về thuật lại”. Tuy nhiên, theo nhiều tài liệu, lời khuyên của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm không phải là “vạn đại”, mà là “khả dĩ” (có thể), như trong Nam Hà tiệp lục có ghi: “sai người đến hỏi Trình quốc công (Nguyễn Bỉnh Khiêm). Công chỉ tổ kiến dưới thềm gạch mà nói rằng: Hoành sơn một dải, có thể dung thân. Ngài hiểu ý”.

Trang Trinh Nguyen Binh Khiem tien tri anh 2

Nguyễn Bỉnh Khiêm chỉ hòn non bộ mà cho lời khuyên xuôi Nam. 

Hoành Sơn hay đèo Ngang, theo Ô châu cận lục miêu tả “Mạch núi từ rặng Trường Sơn quanh co vờn lượn như rồng cuộn hổ ngồi, rồi lô xô đâm ngang ra biển. Vách đá sừng sững cao muôn nhận ẩn hiện như một dãy trường thành. Đây là nơi trấn giữ quan trọng ở biên giới phía Nam”. Dân gian gọi là đèo Ngang. Phía nam Hành sơn, chính là đất Thuận Hóa.

Từ câu nói ấy, Nguyễn Hoàng nghiệm ra rằng Trạng Trình đã bày cho kế xuôi phương Nam lập nghiệp. Ông vội đến nói riêng với chị là bà Ngọc Bảo xin Trịnh Kiểm cho vào trấn Thuận Hóa. Từng biết đây là nơi “Ô châu ác địa”, Trịnh Kiểm tâu vua cho Nguyễn Hoàng vào trấn đất Thuận Hóa, với mục đích mà Nam triều công nghiệp diễn chí cho hay “trước đó đất Thuận Hóa do quân tướng nhà Mạc đóng giữ. Mưu của Kiểm sai Hoàng vào trấn thủ ở đó là có ý muốn mượn tay họ Mạc để giết Hoàng”.

Vẫn Thực lục cho biết sau khi vào Thuận Hóa: “Chúa vỗ về quân dân, thu dùng hào kiệt, sưu thuế nhẹ nhàng, được dân mến phục, bấy giờ thường xưng là chúa Tiên. Nghiệp đế dựng lên, thực là xây nền từ đấy”. Từ đó mà dòng chúa Nguyễn ở Đàng Trong được lập nên, rồi sau triều Nguyễn nối tiếp.

Lời khuyên hướng đất Cao Bằng

Làm quan nhà Mạc, Trạng Trình có những can hệ tới vận mệnh ngắn dài của Bắc triều. Nhà Mạc được Mạc Đăng Dung dựng lên. Dù vậy, cũng chỉ giữ ngai vàng trong thời gian ngắn ngủi từ năm Đinh Hợi (1527) đến năm Nhâm Thìn (1592) thời Mạc Mậu Hợp.

Tương truyền, đến thời Mạc Mậu Hợp làm vua nhà Mạc, lo sợ cho sự ngắn ngủi của dòng họ nên đến năm Ất Dậu (1585), khi Trạng Trình sắp mất, như Tam khôi bị lục ghi “sai sứ đến thăm hỏi kể rõ các chuyện của triều Mạc. Ông chỉ nói: “Ngày sau nếu có việc thì Cao Bằng tuy nhỏ, có thể kéo dài thêm được vài đời”. Ngoài ra không nói gì thêm nữa. Sau Mạc thua, con cháu nhà Mạc lui chiếm giữ Cao Bằng, trải được 3, 4 đời, 70 năm mới hết. Thật ông nói gì cũng nghiệm cả”.

Trang Trinh Nguyen Binh Khiem tien tri anh 3

Hướng về đất Cao Bằng, Trạng Trình khuyên nhà Mạc. 

Chính từ việc biết được thế nước lúc này chưa thể thống nhất, thiên hạ tam phân, binh lửa điêu tàn, chiến tranh liên miên, nên Nguyễn Bỉnh Khiêm chủ trương thế chân vạc. Câu nói trên của ông, theo tiếng Hán, tức là: “Cao Bằng tuy thiểu, khả diên sổ thế”. Mãi đến năm Đinh Tỵ (1677), sau ba đời giữ đất Cao Bằng, nhà Mạc mới bị diệt.

Lời Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm xem ra nói đâu nghiệm đấy. Vua Tự Đức xem ông là một bậc văn thần xuất chúng, nên trong Ngự chế Việt sử tổng vịnh đã có ngợi ca:

Từng nghe lý học có Trình Tuyền,

Vận nước long, ô nghiệm biết liền.

Gặp biến tung quyền phò họ Mạc,

Sánh cùng Khang tiết cũng như nhiên.



Trần Đình Ba

Bạn có thể quan tâm