Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Xuất khẩu lao động thời bao cấp và nỗi gian nan của người xa xứ

Dành dụm để có lưng vốn kha khá, gửi về giúp gia đình được nhiều nhất là tâm trạng phổ biến của hầu hết của anh chị em đi “lao động hợp tác”.

Là người có nhiều dịp tham quan, tiếp xúc với lãnh đạo nhà máy của nước bạn và anh chị công nhân Việt Nam, ông Ngô Gia Sơn nguyên là Trưởng phân ban TTXVN tại Nga rất hiểu tâm tư tình cảm và nỗi nhọc nhằn của những người đồng hương xa xứ.

Thiên đường nơi trần gian

Trong sách Chuyện thời bao cấp, NXB Thông tấn, 2017, ông Sơn cho biết, bắt đầu từ năm 1980, nước ta xuất khẩu lao động để có thêm nguồn tài chính để trả nợ khoản đã vay bạn bè trong 2 cuộc kháng chiến. Lúc đó, nước ta dư thừa nhân công, không đủ việc làm, trong khi đó có những nước sẵn sàng tiếp nhận và bố trí việc làm cho Việt Nam. Điều này không chỉ giúp chúng ta giải quyết những khó khăn mà còn tạo điều kiện cho từng cá nhân “đi xuất khẩu lao động” có của ăn của để về giúp gia đình.

Lao dong hop tac thoi bao cap anh 1
Những thanh niên "lao động hợp tác" tại Liên Xô năm 1983. Ảnh tư liệu.

Trong những năm đầu “khai phá” lĩnh vực này, ta chủ yếu thực hiện việc đưa những toán đông thanh niên (mỗi đoàn vài trăm người) làm những nghề không đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao tại các nhà máy của các nước XHCN.

Theo các hiệp định về hợp tác lao động giữa ta với Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu, hàng năm ta cử hàng chục nghìn lao động trẻ khỏe đến các nước đó để làm việc. Thế nhưng, không phải mọi thanh niên có sức khỏe, có chút hiểu biết một nghề nào đó và có nguyện vọng đi “lao động hợp tác” là đã đủ điều kiện để được xem xét. Hơn nữa, nếu muốn được lựa chọn đất nước mình mong muốn, thì phải qua rất nhiều tiêu chí và thủ tục khác nhau. Nhiều thanh niên thích được đi lao động tại Đức, tiếp đến là Tiệp Khắc, rồi mới đến Liên Xô và Bungari. Lý do là vì lợi ích kinh tế, vì đã đi lao động kiếm tiền thì mấy ai không nghĩ đến đồng lương, thu nhập kinh tế cao để có thể gửi về giúp gia đình được nhiều nhất.

Thời đó, chỉ những nhà nào thật giàu mới tậu được chiếc xe đạp Mifa, hay xe máy Mukich của Đức. Những chiếc xe máy Babeta, xe đạp Favorit hay Eska là niềm mơ ước của bao nhà. Người đi lao động ở Liên Xô chỉ có thể đem về giỏi lắm chiếc tủ lạnh Saratov, vài chiếc nồi hầm, bàn là, máy bơm nước Kama…

Lao dong hop tac thoi bao cap anh 2
Một kỹ sư Liên Xô hướng dẫn công nhân Việt Nam tại một nhà máy. Ảnh tư liệu.

Thanh niên Việt Nam sang lao động hợp tác tại các nhà máy Liên Xô khá đông, lúc cao điểm lên tới hơn trăm nghìn người, tập trung phần lớn ở các thành phố lớn, nhất là quanh ngoại ô Matxcơva. Lúc chuẩn bị lên đường ai cũng yên trí rằng mình sẽ được học một nghề tinh thông. Mấy năm ở nước bạn sẽ được ăn sung, mặc sướng, chỗ ở đàng hoàng. Ngoài giờ làm việc có thể được đi đây đi đó, được cảm nhận những điều mới mẻ mà ngày ấy được coi là “thiên đường nơi trần gian”. Rồi khi về nước cũng có lưng vốn kha khá để làm cơ sở ban đầu xây dựng tổ ấm cho mình.

Nỗi gian nan của người xa xứ

Nhưng thực tế lại không phải như vậy. Người đi “lao động hợp tác” về thực chất là đi làm thuê, làm mướn, không có được tự do đi lại trên nước bạn. Muốn đi chơi Matxcơva hay bất cứ thành phố nào đều phải được chính quyền địa phương cấp visa. Mỗi quý chỉ được cấp một lần. Lãnh đạo nhà máy có sáng kiến động viên công nhân Việt Nam hăng hái thi đua làm việc bằng “phần thưởng visa”. Ai làm được nhiều sản phẩm chất lượng và đảm bảo thì không những được tiền thưởng, mà còn được cấp visa đến Matxcơva nhiều hơn, kể cả số lần và thời gian lưu lại. Đến Matxcơva không chỉ được tham quan thành phố, giao lưu, kết bạn mà quan trọng nhất là đi mua sắm các đồ cần thiết, gửi về cho gia đình.

Những năm mới ra khỏi cuộc chiến tranh kéo dài, dân ta thiếu đủ thứ, lại bị Mỹ và đồng minh bao vây cấm vận. Chính vì vậy, mọi nhu yếu phẩm, các mặt hàng công nghiệp đều phải phân phối. Người thân đi lao động ở nước ngoài gửi về cái gì cũng quý, cả từ cái kim, sợi chỉ, bánh xà phòng, lưỡi dao cạo dâu, đến xe đạp, xe máy, máy thu thanh, thu hình, tủ lạnh… Ở Matxcơva và ở một số thành phố khác mới phong phú mặt hàng. Bởi thế không ai đi “lao động hợp tác” lại không thích đến Matxcơva.

Lao dong hop tac thoi bao cap anh 3
Công nhân Việt Nam "lao động hợp tác" tại CHDC Đức năm 1985. Ảnh tư liệu

Hồi đó không có chuyện gửi ngoại tệ về nước, do vậy dành dụm được đồng nào là anh chị em phải biến thành quà cáp. Lương tháng của công nhân sau khi nhà máy đã trừ tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tiền nhà… cũng như khấu trừ vào quỹ trả nợ nước bạn, còn lại được phát tiền mặt trực tiếp cho từng người. Nếu cần cù lao động và biết chi tiêu tằn tiện, hàng tháng công nhân ta cũng để dành ra được ít tiền để mua các thứ gửi về giúp gia đình. Nhiều người đã phải gian nan, khổ sở, thậm chí ê chề để mua được hàng.

Các nước XHCN hồi ấy cũng theo đuổi chế độ quan liêu bao cấp, không xây dựng một nền kinh tế cạnh tranh theo quy luật cung cầu, nên chỉ sản xuất đủ tiêu dùng theo kế hoạch, chứ không phải sản xuất hàng hóa. Bởi vậy, họ chẳng ưa người mua nhiều, bất kể thứ hàng nào. Thế nhưng do người Việt quá thiếu thốn nên thấy gì ưng là vét sạch.

Để hạn chế tình trạng trên, các cửa hàng chỉ bán cho mỗi người mua một số lượng có hạn. Thế nhưng, việc này lại làm nảy sinh hiện tượng móc ngoặc giữa nhân viên bán cửa hàng và người Việt Nam. Những người móc ngoặc mua được số lượng lớn lại bán lại cho những người đồng hương có nhu cầu mà không mua được hàng. “Chợ đen” trong cộng đồng người Việt manh nha từ đó.

Lao dong hop tac thoi bao cap anh 4
Bên trong một cửa hàng bán ti vi ở Liên Xô năm 1985. Ảnh tư liệu.

Có được hàng rồi, đến công đoạn gửi về nước. Tuy nhiên, ở thời điểm đó số hàng gửi về rất hạn chế và chỉ gửi được qua người hết hạn lao động trở về quê hương. Sau nhờ sự can thiệp của Cục hợp tác lao động (Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội) và Đại sứ nước ta tại Liên Xô, phía bạn mới đồng ý để “lao động hợp tác” nước ta mỗi năm được gửi 1 thùng hàng 1,2 m3 qua đường biển… Về đến nước rồi, thủ tục lại cũng lắm nhiêu khê. Thời đó nhiều ý kiến lo ngại dân mình sẽ biến thành con buôn.

Sau khi Liên bang Xô Viết bị phá vỡ do những cải tổ sai lầm của Gorbachev thực hiện từ năm 1986, nền kinh tế nước Nga tiêu điều đến mức không thể hiểu nổi, các quầy hàng hầu như trống rỗng, nhiều nhà máy bị đóng cửa, không có điều kiện bồi thường và mua vé cho công nhân Việt Nam về nước. Một số người dành dụm được chút đỉnh, cố gắng “mua tấm vé bỏ của chạy lấy người, hồi hương”. Số đông còn lại, túm năm tụm ba, dựa vào nhau lần hồi kiếm sống. Tuy nhiên với bản tính sự cần cù, chịu khó buôn bán, sau này một số người cũng dần khấm khá lên.



Minh Châu

Bạn có thể quan tâm