Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cảnh giác 'bẫy' vay tín chấp

Đánh vào tâm lý vay vốn khó khăn, một số ngân hàng đang tung các chương trình cho vay không cần tài sản thế chấp. Vay kiểu này thiệt-lợi như thế nào?

Cảnh giác 'bẫy' vay tín chấp

Đánh vào tâm lý vay vốn khó khăn, một số ngân hàng đang tung các chương trình cho vay không cần tài sản thế chấp. Vay kiểu này thiệt-lợi như thế nào?

Dự tính xây nhà trong 2 tháng nữa song thiếu hơn 50 triệu đồng, chị Hồng, ở một huyện ngoại thành phía Tây Hà Nội chạy vạy mãi không vay được. Chị kể, nếu như trước kia, trong trường hợp này chị sẽ đi vay lãi tại các mối ở quê, với lãi suất phổ biến khoảng 2%/tháng. “Nhưng từ hồi xảy ra nhiều vụ vỡ nợ, các mối cho vay cũng e dè, không dám tung tiền ra nữa ngay cả khi người đi vay tiền là người quen, chấp nhận trả lãi cao gấp đôi ngân hàng lên tới 2-2,5%/tháng”, chị Hồng chia sẻ.

Nghe bạn giới thiệu, chị Hồng hỏi vay vốn tại một công ty tài chính liên kết vốn với ngân hàng với lãi suất gần 2%/tháng, tương đương trên 20%/năm. Chị kể, vay kiểu này không cần thế chấp tài sản, chỉ cần photo chứng minh nhân dân, bảng lương, sổ hộ khẩu và một số giấy tờ khác, chỉ đợi 2-3 ngày là được giải ngân. Tính ra mỗi tháng, khách vay 50 triệu đồng phải trả khoảng 1,6 triệu đồng (nếu vay 4 năm) và hơn 2 triệu đồng (nếu vay 3 năm), đã tính cả gốc và lãi. Ngoài ra, không ít người chấp nhận chi thêm 1-2 triệu đồng để nhân viên công ty này “làm đẹp” sổ lương nhằm tăng số tiền vay. Tính ra, với khoản vay khoảng 50 triệu đồng trong vòng 4 năm, tổng số tiền cả gốc cả lãi người vay phải trả là gần 100 triệu đồng.

 

Thủ tục dễ dàng, giải ngân nhanh, song người dân cần cẩn trọng với loại hình vay tín chấp đang ồ ạt nở rộ.

Nhiều công ty tài chính đang công khai chào khách vay tín chấp (không cần tài sản) với lãi suất tương đối hấp dẫn. Prudential cho biết hiện lãi suất cho vay là , thời hạn tối đa là 4 năm. Phương thức tính lãi dựa trên dư nợ gốc, chia đều, số tiền giải ngân tối đa 190 triệu đồng. Thời điểm này năm 2011, khi thị trường nóng sốt, lãi suất cho vay của đơn vị này phổ biến 1,9 triệu đồng/tháng.

Đã từng vay vốn tại công ty này, chị Huyền Anh chia sẻ trên một diễn đàn mạng, lãi suất cho khoản vay hơn 20 triệu là hơn 1 triệu đồng/tháng, tính theo năm lên tới 30%/năm, không được trả trước hạn, chưa kể đến các thủ tục giấy tờ khá phức tạp.

Không chỉ công ty tài chính, khó tăng trưởng tín dụng, nhiều ngân hàng cũng ồ ạt chào vay tín chấp. Nhân viên một ngân hàng nước ngoại tại Hà Nội thông tin, lãi suất cho vay không tài sản đảm bảo tại nhà băng này đang là 24%/năm, tương đương 2%/tháng, bằng với các công ty tài chính. Dù vậy, phương thức tính lãi suất dựa trên dư nợ giảm dần.

“Do đó, mức 24% này tương đương với mức hơn 13%/năm nếu tính trên dư nợ gốc”, chị này cho biết. Cũng theo lời nhân viên nói trên, nhà băng này cho vay song song cả tín chấp và thế chấp với lãi suất vay có tài sản đảm bảo phổ biến 12-13%/năm, giảm 2% trong 3 tháng đầu. So với tín chấp, thủ tục vay thế chấp kéo dài hơn vì còn vướng khâu thẩm định giá trị tài sản.

Mức giải ngân đối với vay tín chấp dựa vào tổng thu nhập hàng tháng của khách hàng, thường là gấp 10 lần 1 tháng thu nhập. Tuy nhiên, điều kiện được vay vốn ngoài các giấy tờ cần thiết như chứng minh, sổ hộ khẩu, bảng lương… là khách hàng phải có thu nhập hàng tháng tối thiểu 6 triệu đồng trở lên đối với những doanh nghiệp được ngân hàng ưu tiên và trên 12 triệu đồng với doanh nghiệp khác.

Khi biết quy định trên, không ít người đã từ bỏ ý định vay tín chấp. Trong khi đó, một số người cần vốn vẫn chấp nhận vay và chọn cách chuyển sang sử dụng dịch vụ trả lương qua thẻ của các ngân hàng cung cấp dịch vụ tín dụng tín chấp. Lý do là, nếu có tài khoản của ngân hàng này, định mức về thu nhập sẽ nới hơn, thay vì trên 10 triệu đồng/tháng thì chỉ còn 8-9 triệu đồng/tháng là có thể vay được.

Theo phân tích của các chuyên gia tài chính ngân hàng, hình thức vay tín chấp nói trên, về nguyên tắc, là tốt: Ngân hàng sẽ lọc được khách hàng vì đã có sự phân loại rõ ràng, còn khách hàng không cần thế chấp tài sản. Song nếu như ngân hàng cố tình bằng mọi giá đẩy mạnh cho vay tín chấp để kích thích tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh khó khăn hiện nay, thì lại là một hoạt động đầy rủi ro.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ, tại Mỹ, người dân và doanh nghiệp cũng được vay tín chấp. Dù thế, cả hai nhóm đối tượng này đều có điểm xếp hạng tín dụng của 3 công ty chuyên chấm điểm và chỉ được vay nếu hệ số điểm tốt. Ngược lại, tại Việt Nam, việc xếp hạng này chưa có, các nhà băng cũng như công ty tài chính, dù “nắm đằng chuôi” khi cho vay chủ yếu cũng chỉ dựa vào sổ lương, sao kê ngân hàng nên khó tránh khỏi rủi ro.

Rủi ro có thể thấy với khách hàng cá nhân là sổ lương giả, còn với khách hàng doanh nghiệp là sức khỏe, tình hình tài chính, khả năng trả nợ không đảm bảo dẫn tới tồn đọng nợ xấu. Do đó, ngân hàng khi cho vay, thay vì ồ ạt, cần cẩn trọng trong bối cảnh nợ xấu và nhiều vấn đề phát sinh như hiện tại, đặc biệt với các doanh nghiệp có hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu lên tới 2/1, 3/1. Theo chuyên gia này: “Thà không có gì ăn còn hơn là ăn thức ăn có độc”.

Với người đi vay tiền, ông Hiếu đưa lời khuyên, ngoài việc chuẩn bị hồ sơ, sao kê, giấy tờ đầy đủ, nên chọn nhiều ngân hàng để đối chiếu, so sánh rồi mới quyết định chỗ nào tốt nhất. Thêm vào đó, người đi vay, nếu có sức khỏe tài chính tốt, đủ điều kiện nên ngồi lại với bên cho vay để thương lượng về lãi suất, lệ phí cũng như cấu trúc lại thời gian và lịch trả nợ cho hợp lý. “Tất cả các món vay không nên vượt quá 50% thu nhập trước thuế của người đi vay. Người vay và người cho vay cũng cần tìm tiếng nói chung, lắng nghe nhau”, ông Hiếu đưa lời khuyên.

Một chuyên gia khác thì bình luận, thực tế, cho vay tín chấp là một hình thức “nặng lãi”. Trong bối cảnh hiện nay, dù sốt sắng tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng không dại gì “nắm đằng lưỡi”, nên người đi vay cần cực kỳ cẩn trọng đối với các lời mời chào cho vay kiểu này. Ông nhận xét, với khoản vay phải trả lãi 35%/năm trở lên, khách nên cân nhắc. Ngược lại, mức lãi suất vay tín chấp, nếu chọn được dưới 20%/năm là tốt nhất.

Lan Anh

Theo Infonet

Lan Anh

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm