Vẫn có ngân hàng cho vay 20-25%/năm
Trong khi ngân hàng khẳng định chỉ còn 29,1% lãi suất các khoản vay cũ chưa giảm về 15%/năm, thì trong buổi tọa đàm doanh nghiệp, ngân hàng sáng nay, một chuyên gia cho biết, vẫn có nhà băng cho vay mới với lãi suất 20-25%/năm.
Tại tọa đàm có chủ đề lãi suất, tín dụng tổ chức sáng nay tại Học viện Ngân hàng (Hà Nội), chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh chia sẻ, thời gian vừa qua, cả nền kinh tế có cảm giác dường như Ngân hàng Nhà nước đang đơn độc trong cuộc chiến đấu tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Bình luận về mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15-17% đặt ra từ đầu năm và nay đã điều chỉnh về 8-10%, chuyên gia Vũ Đình Ánh cho rằng, không nên lệ thuộc quá nhiều vào con số này. Ông phân tích, Việt Nam là một trong những nước có quy mô tín dụng tăng trưởng cao, thường trên 100% GDP. Do đó, tăng tín dụng đi đâu, tăng để làm gì khi mà tín dụng tăng lớn mà sử dụng không hiệu quả tạo nên một phần nguyên nhân của lạm phát, bất ổn vĩ mô, ông nói. Mặt khác, con số 8-10% tín dụng từ nay đến cuối năm tương ứng với khoảng 260.000 tỷ đồng, theo đánh giá, không nhỏ. Đây là điều khiến cho chuyên gia này kết luận: “Mục tiêu tín dụng hình như có vấn đề”.
Ông phân tích, việc đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng để giải thích cứ tín dụng tăng là kinh tế tăng trưởng. “Đây là vấn đề xưa rồi. Giờ cần thiết nhất là chất lượng tín dụng. Nhiều ngân hàng đặt chỉ tiêu từ nay đến cuối năm 25-27%, tôi không phản đối, nhưng nếu ưu tiên tăng trưởng đi kèm chất lượng thì tuyệt vời hơn nhiều”, ông chia sẻ.
Cũng theo cách nhìn nhận thẳng thắn của chuyên gia này, nếu ép tăng trưởng tín dụng 8-10% trong năm nay, rất có khả năng xảy ra câu chuyện cạnh tranh ngược trong các ngân hàng: Đua ép lãi suất cho vay xuống và tăng lãi suất huy động lên để phù hợp mục tiêu tăng trưởng cho vay.
Hiện, lãi suất cho vay doanh nghiệp các ngân hàng báo cáo lên Ngân hàng Nhà nước cũng như công bố thông tin trên các phương tiện truyền thông đang thấp hơn nhiều so với mốc 20%/năm. Không ít nhà băng chấp nhận cho vay lãi suất bằng với huy động là 9%/năm, 0% trong những tháng đầu, thậm chí âm so với lãi suất huy động. Theo đánh giá của tất cả các chuyên gia ngân hàng, đây là điều hy hữu, chưa từng xảy ra trong lịch sử ngành tài chính. Nhưng thực tế, lãi suất cho vay theo tiết lộ của chuyên gia Vũ Đình Ánh, vẫn còn cao vượt 20%/năm. “Gần đây, tôi có nghe thông tin ngân hàng đang chạy đua lãi suất huy động và có vẻ như trần huy động đang quay về cái hình thức. Còn về lãi suất cho vay, có một số nhà băng đang để 20-25%/năm chứ không thấp”, ông chia sẻ.
Về nguy cơ của các khoản vay bất động sản một số ngân hàng đang chào mời lãi suất 0%/năm, chuyên gia này cho biết, chỉ cần đợi 1,5 đến 2 năm nữa, khách vay sẽ “biết mùi”. Ông nhận định: “Ngân hàng nên đưa thông điệp rõ ràng cho người tiếp cận vốn, vì ưu đãi lãi suất chỉ có thời hạn trong khi vốn bất động sản chủ yếu trung, dài hạn. Giờ ngân hàng cho vay lãi suất âm đấy, nhưng chỉ hơn 1 năm hoặc 2 năm nữa, sẽ ‘đẻ’ ra câu chuyện khác ngay”.
Theo ông Ánh, mấu chốt của nợ xấu, tín dụng, lãi suất nằm ở hàng tồn kho. Còn trong chừng mực nào đó, nếu thiếu sự can thiệp của các cơ quan chức năng, để mặc trách nhiệm cho Ngân hàng Nhà nước thì sẽ không xử lý được vấn đề. “Vấn đề tôi quan tâm là quy mô tồn kho thực sự là bao nhiêu, nếu làm ra 10 đồng mà tồn kho 8 đồng, cho dù có không tăng so với năm ngoái thì cũng ‘chết’ rồi”, ông Ánh nêu nhận định.
Câu chuyện tín dụng tăng thấp, theo quan điểm của ông, cũng là bình thường vì doanh nghiệp không trả được vay gốc và nợ lãi, dòng tiền tắc, phát sinh nợ xấu dẫn đến chuyện không muốn đi vay trong bối cảnh hàng tồn kho còn tăng cao.
Đọc báo cáo tài chính của một số doanh nghiệp, ông Ánh kết luận, rất nhiều đơn vị trong nhiều năm có lợi nhuận, nhưng lại dùng tiền lợi nhuận đó đi đầu tư vào các lĩnh vực khác, trong đó có bất động sản, chứng khoán. Còn vốn để phục vụ chính cho sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp lại đi vay của nhà băng. “Giờ chứng khoán, bất động sản tắc, nên nếu nhận định doanh nghiệp khó khăn, cần phải nhìn lại dòng tiền, phải bóc tách quy mô đầu tư vào bất động sản và đánh giá thật sự bao nhiêu tiền của các doanh nghiệp này đã ném vào bất động sản, chứng khoán”, chuyên gia Vũ Đình Ánh nêu quan điểm.
Ngoài nêu nhận định, ông Ánh dẫn ví dụ, hiện có hai số liệu về dư nợ cho vay bất động sản của các nhà băng: Một số liệu là hơn 150.000 tỷ tính đến hết 31/4 của các nhà băng báo cáo lên Ngân hàng Nhà nước, còn một con số khác do Ủy ban giám sát tài chính quốc gia cung cấp là trên 350.000 tỷ đồng. Ông Ánh bình luận, chỉ riêng con số này đã có thể đưa doanh nghiệp từ lãi sang lỗ, đây cũng là lý do khiến họ không dám tiếp tục đi vay ngân hàng.
Ông Ánh cũng nói, đã quen không dưới 10 người có dự án bất động sản tầm cỡ 1.000 tỷ đồng. “Bây giờ, phải bóc tách xem nếu tính cả bất động sản như một dạng tồn kho của doanh nghiệp, thì là bao nhiêu? Vừa rồi, chúng ta chỉ nói đến tồn kho trong công nghiệp chế biến chế tạo- nhân tố chiếm 75% công nghiệp xây dựng mà ngành công nghiệp xây dựng chiếm đến 40% GDP. Con số này nếu so với giá trị bất động sản đóng băng, thì không là gì. Câu chuyện không nằm ở hàng tồn kho của chế biến chế tạo”, chuyên gia Ánh kết luận.
Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, ngân hàng Việt Nam đang phải đối mặt với một cú sốc. Song ngành ngân hàng cũng đang cố gắng chuyển mình để có thể có một cơ thể khỏe mạnh hơn. Bằng chứng, theo chuyên gia này chính là những đề án sáp nhập các nhà băng trong thời gian vừa qua và sắp tới.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong - Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội, để thúc đẩy tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, bên cạnh các vấn đề khác như giảm lãi suất, ưu tiên cho vay, còn cần xử lý những vấn đề liên quan đến lợi ích nhóm, đặc biệt là các ngân hàng cho vay để kiếm lợi nhuận, bất chấp quản lý của Nhà nước. Điều này tạo ra các hệ quả như hiện nay mà toàn nền kinh tế phải xử lý, trong đó có vấn đề nợ xấu. Đánh giá cao chính sách của Thống đốc Nguyễn Văn Bình khi yêu cầu ngân hàng hạ lãi vay cũ về 15%/năm, chuyên gia Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh, “điều này tốt, song chậm”, hơn nữa Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ dừng lại ở khuyến khích.
Lan Anh
Theo Infonet