Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chiêu 'độc' lách trần huy động của nhà băng

Có 300 triệu đồng tiền nhàn rỗi, chị Huyền ở Cầu Giấy, Hà Nội liên tục nhận được điện thoại từ các ngân hàng chào mời gửi tiền lãi suất cao hơn 9%/năm.

Chiêu 'độc' lách trần huy động của nhà băng

Có 300 triệu đồng tiền nhàn rỗi, chị Huyền ở Cầu Giấy, Hà Nội liên tục nhận được điện thoại từ các ngân hàng chào mời gửi tiền lãi suất cao hơn 9%/năm.

2-3 ngày nay, chị Huyền liên tục nhận được điện thoại từ nhân viên một ngân hàng trên phố Trần Duy Hưng, chào gửi với lãi suất khá cao. Chào mời gửi tiền, nhân viên cho hay các khoản tiền từ 100 triệu đồng trở lên, khách hàng gửi theo gói 12 tháng, khi rút trước hạn cũng không bị trừ lãi suất và nếu tính theo năm, mức lãi nhà băng này trả cho người gửi tiền là 10,2%/năm.

Chị Huyền kể thêm, nhân viên này giải thích, ở các ngân hàng khác, nếu gửi kỳ hạn dài mà rút trước hạn, khách chỉ được nhận lãi không kỳ hạn phổ biến 2%/năm. Còn tại ngân hàng của nhân viên nói trên, khách muốn rút trước hạn, vẫn được hưởng lãi suất 10,2%/năm. Trên sổ tiết kiệm khách gửi 12 tháng, nhưng thực tế, sau 1 tháng có thể rút tiền về.

Nhiều ngân hàng đang dốc sức huy động vốn để phục vụ hoạt động cho vay những tháng cuối năm.

“Lẽ ra, gửi 12 tháng thì phải sau 12 tháng mới được lĩnh lãi và rút gốc, nhưng bây giờ, nếu cần khách có thể rút tiền về. Số thời hạn còn lại, ngân hàng cho khách vay như kiểu cầm cố sổ tiết kiệm, lãi suất cho vay đúng bằng lãi phát sinh, tương đương từ 10,2%/năm”, nhân viên nói trên tiết lộ. Chị này cũng giải thích thêm, khi rút tiền về, thay vì hưởng lãi suất không kỳ hạn, khách được nhận lãi suất cao 10,2%/năm. Như vậy, trong sổ sách, lãi suất cho khách vẫn là 10,2%/năm cho kỳ hạn 1 năm, nhưng thực tế, chỉ gửi 1-2 tháng, khách đã được rút tiền về.

Lãi suất cao hay thấp, theo lời nhân viên, phụ thuộc vào kỳ hạn gửi tiền. Hiện tại, ở chi nhánh nhà băng này trên phố Trần Duy Hưng, khoản tiền từ 100 triệu đồng trở lên gửi trong 1 tháng, mức lãi suất tương ứng là 10,2%/năm, 2 tháng là 10,4%/năm, 3 tháng là 10,6%/năm… Cứ như vậy, nếu khách gửi đủ 12 tháng, lãi suất sẽ là 11%/năm cao nhất.

Trường hợp của anh Kiên, ở Tây Sơn, quận Đống Đa (Hà Nội), nhân viên không công khai chào mời lãi suất cao, mà cho hay ngân hàng có khuyến mại dưới hình thức phát thẻ cào cho số tiền gửi từ 30 triệu đồng trở lên. Anh Kiên nói thêm, không chỉ nêu ra các giải thưởng hấp dẫn lên tới 4 tỷ đồng, nhân viên còn cho biết càng gửi nhiều tiền, nhận được nhiều thẻ cào, cơ hội trúng giải càng cao. “Thực tế, nhân viên này cũng tiết lộ danh sách khách hàng trúng thưởng, phổ biến là vài trăm nghìn đồng nếu gửi số tiền dưới 100 triệu, có người trúng cả giải thưởng 10 triệu đồng”, anh Kiên kể.

Từ khoảng 2-3 hôm nay, biểu lãi suất tiết kiệm của một số ngân hàng của có điều chỉnh. Tại Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng, lãi suất kỳ hạn trên 12 tháng vừa được nâng từ 10%/năm cao nhất lên 11,5%/năm. Trước đó, nhiều ngân hàng “ông lớn” như Vietcombank, Vietinbank cũng dâng cao lãi suất huy động đối với VND ở kỳ hạn trên một năm sau một thời gian niêm yết thấp hơn 9%/năm.

Lãnh đạo một ngân hàng tại TP HCM cho biết, trong bối cảnh lãi trần suất huy động tiếp tục có khả năng giảm về 8%/năm và ngân hàng nào cũng muốn đẩy mạnh cho vay, việc chạy đua lãi suất huy động ở các đơn vị nhỏ, thiếu thanh khoản cũng là điều dễ hiểu. Mặt khác, một số nhà băng, nếu muốn tăng trưởng cho vay để đạt chỉ tiêu lợi nhuận đã đặt ra, cần phải huy động được nhiều và giữ chân khách gửi tiền. “Cuối năm, nhu cầu tín dụng của người dân và doanh nghiệp đều tăng lên, do đó phải tăng cường huy động tiền gửi để còn tăng trưởng cho vay”, lãnh đạo nói trên chia sẻ.

Chia sẻ với phóng viên, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sĩ Kiêm bình luận, việc một số ngân hàng đang dùng “thủ thuật” để lách trần lãi suất chứng tỏ thị trường vẫn chưa thực sự ổn định, vẫn còn những đơn vị thiếu thanh khoản. Theo quan điểm của ông, động cơ chính để một số đơn vị đẩy mạnh lãi suất tiết kiệm vẫn là thanh khoản và muốn đảm bảo khả năng tồn tại.

“Điều này tất yếu dẫn đến sự hỗn loạn trên thị trường, tạo phản ứng dây chuyền. Ngân hàng này thấy đơn vị kia huy động vượt trần, cũng đẩy lãi suất lên cao, ảnh hưởng đến việc điều hành tiền tệ”, ông Kiêm nhận định. Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết thêm, đoàn kiểm tra do các Phó thống đốc phụ trách đang rốt ráo thanh kiểm tra hoạt động huy động, cho vay của các ngân hàng để phát hiện sai phạm và khắc phục.

Còn theo Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) Nguyễn Thị Hồng, mức trần 9%/năm hiện nay vẫn đảm bảo lợi ích thực dương của người gửi tiền. Bà Hồng cho biết, 4 lần giảm lãi suất trong 6 tháng đầu năm của Ngân hàng Nhà nước với mức giảm 4-5%/năm là lớn, nhưng phù hợp với diễn biến của lạm phát. Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cũng cung cấp số liệu về lượng vốn huy động bằng VND trong 7 tháng đầu năm. Theo đó, từ đầu 2012 đến nay, vốn huy động tăng khoảng 10%, riêng tiền gửi bằng đồng Việt Nam tăng 12% so với cuối 2011.

Lan Anh

Theo Infonet

Lan Anh

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm