Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lãi suất tiết kiệm có thể về 8%/năm

Trong bối cảnh sản xuất tháng 7 tiếp tục chậm lại và lạm phát có thể về 7%, Ngân hàng HSBC đưa ra dự đoán, lãi suất huy động có thể tiếp tục giảm về 8%/năm thay vì 9% hiện tại.

Lãi suất tiết kiệm có thể về 8%/năm

Trong bối cảnh sản xuất tháng 7 tiếp tục chậm lại và lạm phát có thể về 7%, Ngân hàng HSBC đưa ra dự đoán, lãi suất huy động có thể tiếp tục giảm về 8%/năm thay vì 9% hiện tại.

HSBC công bố báo cáo triển vọng thị trường Việt Nam và đưa ra dự đoán, lạm phát toàn cầu đang chậm lại và sẽ tiếp tục giảm trong những tháng tới nhờ lãi suất thuận lợi và nhu cầu thấp. Mức lạm phát trong tháng 6 là 5,3% từ mức 6,9% của tháng 5.

Tại Việt Nam, từ mức đỉnh điểm 23% trong tháng 8/2011, hết tháng 7 năm nay, lạm phát chỉ còn 5%. HSBC cho rằng đây sẽ là cơ hội để Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất điều hành. Mức giảm, theo HSBC, có thể là 1% đối với lãi suất tái chiết khấu, tái cấp vốn, huy động. Cơ sở cho nhận định này là tăng trưởng kinh tế vẫn yếu và lạm phát cơ bản sẽ giảm xuống khoảng 7%.

Đánh giá về tác động của giảm lãi suất, tổ chức này cho rằng có thể gây ảnh hưởng đến các hoạt động tín dụng. Trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ nỗ lực kích thích tăng trưởng cho vay từ nay đến cuối năm, cá nhân và doanh nghiệp đang có xu hướng cắt giảm nợ và không muốn vay thêm. Trước đó, một số tổ chức khác như Ngân hàng Standard Chartered, JPMorgan Chase cũng nhận định hoàn toàn có cơ sở để Ngân hàng Nhà nước giảm thêm 1% lãi suất huy động trong thời gian tới.

Các tổ chức nước ngoài đánh giá, đủ cơ sở để Ngân hàng Nhà nước giảm thêm 1% lãi suất so với mức hiện hành.

Về giải pháp hỗ trợ nền kinh tế, HSBC khuyến cáo, có thể sử dụng gói kích thích tương tự đã làm năm 2009. Có hai lý do để đưa ra lời khuyên này: Một là lạm phát quá cao, lên tới gần 19% trong năm 2011 đã khiến cho tín dụng không còn là giải pháp hấp dẫn, chưa kể đến việc cho vay kém hiệu quả. Thứ hai, các biện pháp kích thích tài chính thông qua chi tiêu Chính phủ cũng không còn hấp dẫn.

Bên cạnh những tín hiệu tốt, tổ chức này cũng đánh giá thấp việc sử dụng vốn vay, đầu tư của Việt Nam. Bằng chứng HSBC dẫn ra là tăng trưởng cho vay từ đầu năm vẫn dưới 1%, trong khi từ những năm 2000, tỷ lệ nợ vay trên vốn tự có tăng cao, nhiều khoản đầu tư đổ vào các lĩnh vực kém hiệu quả. Việc thắt chặt tín dụng, theo nhận định của HSBC cũng là bằng chứng của sự quá lệ thuộc vào cho vay để duy trì tăng trưởng kinh tế.

“Đây là chiến lược thiếu tính bền vững do phương thức này làm tăng rủi ro hệ thống, góp phần gia tăng áp lực lạm phát, ảnh hưởng cam kết của Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn trong hệ thống”, tổ chức này nêu những bất cập của việc lệ thuộc quá lớn vào tín dụng. Theo số liệu, tỷ lệ tín dụng/GDP năm 2011 còn 108%, thấp hơn so với mức 121% của 2010 nhưng vẫn cao gấp hơn 2 lần so với 48% của năm 2003.

Trong phiên họp báo thường kỳ mới diễn ra, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cũng có đánh giá về các nhận định của tổ chức nước ngoài về kinh tế Việt Nam. Ông cho rằng, nền kinh tế vẫn đang tăng trưởng tương đối tốt và được nhiều nước đánh giá triển vọng. Lãnh đạo này cũng khuyến cáo, không nên coi lạm phát âm trong hai tháng 6 và 7 là biểu hiện của suy giảm kinh tế hay giảm phát. “Một vài nhà đầu tư đánh giá, nếu chúng ra có giải pháp quyết liệt, thực hiện đúng chủ trương đã ban hành, trong thời gian tới sẽ có làn sóng đầu tư vào Việt Nam. Chính phủ đã tính kỹ để cố gắng điều hành không để mục tiêu ngắn hạn ảnh hưởng dài hạn”, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ nêu quan điểm.

LAN ANH

Theo Infonet

LAN ANH

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm