Thống đốc: Hạ lãi vay cũ xuống 15% chỉ là kiến nghị
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, việc yêu cầu ngân hàng đưa lãi suất về 15% đối với các khoản vay cũ chỉ là kiến nghị, tính pháp lý không cao bằng hợp đồng kinh doanh.
> Thống đốc: Không hỗ trợ lãi suất với mọi đối tượng
Gần 1 tuần sau khi Ngân hàng Nhà nước khuyến khích các ngân hàng đưa lãi suất khoản vay cũ về 15%/năm cao nhất, tại cuộc họp ngân hàng- doanh nghiệp sáng nay 20/7, nhiều doanh nghiệp cho biết, việc vay vốn vẫn khó khăn nhất là đối với những đơn vị nhỏ.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, lãi suất 15%/năm chỉ là đề nghị của Ngân hàng Nhà nước để các ngân hàng thương mại chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Ảnh: Lan Anh. |
Trong khi lãnh đạo một số doanh nghiệp Nhà nước cho biết đang đi kén chọn ngân hàng để vay, thì nhiều đơn vị nhỏ kêu trời vì vẫn khó khăn để tiếp cận vốn. Bà Nguyễn Thu Hà, Tổng giám đốc Công ty TNHH Lexim chuyên về máy, thiết bị xây dựng, thi công cho biết, mức lãi suất 15%/năm được các doanh nghiệp mong đợi suốt cả một năm vừa qua. Tuy vậy, băn khoăn lớn nhất của bà Hà, là liệu mức này ổn định được trong bao lâu. “Trước đó, năm 2009 chúng tôi đã từng được vay ngân hàng với lãi suất 8-10%/năm nhưng đến 2010-2011 lên tới 22-24%. Vì thế mà, việc đưa lãi suất về 15% của ngân hàng quả thật đáng ghi nhận và tôi mong mức này ổn định trong vòng ít nhất 1 năm”, Tổng giám đốc Lexim bày tỏ.
Đại diện doanh nghiệp này cho biết thêm, vừa rồi nộp hồ sơ vay Ngân hàng Công thương có sổ đỏ thế chấp, phương án dự án đầy đủ, nhưng kế toán công ty liên tục phải bổ sung hồ sơ. Bà nói: “11 năm nay đi vay ngân hàng, chưa bao giờ công ty tôi trả chậm một ngày, vậy mà vay vốn tại một trong những ngân hàng lớn nhất, thông thoáng nhất vẫn phải đợi 1 tháng, hơn 1 tháng. Vậy không hiểu những doanh nghiệp khác sẽ như thế nào”.
Chung nhận định, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Intimex, Chủ tịch Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam cho biết, doanh nghiệp ông là một trong những đơn vị hiếm hoi được “kén” ngân hàng để đi vay. Dù thế, ông Nam nhận định, cũng có ngân hàng có kiểu cho vay “sáng nắng chiều mưa, sáng cho vay chiều đóng cửa mai đòi tiền”. Ông Nam chia sẻ: “Doanh nghiệp sợ ngân hàng giận hờn, cắt rụp cái, nên bắt buộc phải chia nhỏ đi vay mỗi chỗ một ít. Chỗ nào làm khó thì lại chuyển chỗ khác”.
Lãnh đạo doanh nghiệp này cũng đánh giá, động thái khuyến khích ngân hàng đưa lãi suất về 15% của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã khiến doanh nghiệp bắt đầu có niềm tin, thị trường bớt lo lắng. Dù vậy, theo ông, vay vốn trung và dài hạn vẫn cực khó. “Ngay cả những ngân hàng được Chính phủ giao đấy. Lúc đầu thì họ đồng ý cho vay hết, nhưng đến “phút 89” thì bụp một cái: Không có tiền. Doanh nghiệp lại phải đi vay ngân hàng cổ phần, mà lãi suất cao, thì kinh doanh đâu có lời”, ông này phân bua.
Ông Đỗ Hà Nam: "Doanh nghiệp sợ ngân hàng giận hờn, cắt rụp cái, nên bắt buộc phải chia nhỏ đi vay mỗi chỗ một ít". Ảnh: Lan Anh. |
Chủ tịch Công ty thép Bắc Việt, đồng thời là Phó chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội Trần Anh Vượng cũng nêu lên 14 điểm băn khoăn với các điều hành trong thời gian vừa qua. Ông hóm hỉnh cho biết, năm ngoái còn được đại diện cho 800 doanh nghiệp trẻ nói lên suy nghĩ, nhưng đến năm nay, số này chỉ còn 650.
“650 doanh nghiệp trẻ đa phần chưa nhận được thông tin từ các ngân hàng về lãi suất cho vay 15% nhưng đều hi vọng cuối tháng 7 sẽ biết được”, ông Vượng mở màn bài phát biểu. Ngoài lãi suất, các doanh nghiệp cũng quan tâm đến việc cơ cấu thời gian trả nợ cũng như việc tiếp cận nguồn vốn của nhà băng. Ông Vượng kiến nghị Thống đốc Nguyễn Văn Bình xem xét cơ chế về tài sản đảm bảo. “Như bây giờ, các ngân hàng đã chấp nhận cơ cấu, hoãn, giãn, thì cũng nên xem xét đển tài sản đảm bảo. Chẳng hạn, có thể dùng sổ hồng đất trả tiền 50 năm hoặc hạ tầng cho doanh nghiệp thuê để thế chấp vay vốn”, lãnh đạo thép Bắc Việt đề xuất.
Đại diện Hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội cũng băn khoăn về tính pháp lý của quy định đưa lãi suất các khoản vay cũ về 15%/năm. Ông nói, TP HCM đã có nói rõ, là nếu ngân hàng nào không thực hiện, đề nghị doanh nghiệp tố. Nhưng tại Hà Nội, chưa thấy doanh nghiệp nào nói lên ý kiến. Mặt khác, theo doanh nghiệp này, hiện mới chỉ thấy nói đến vấn đề doanh nghiệp có “nợ xấu” với ngân hàng, còn nợ giữa ngân hàng với ngân hàng chưa đề cập và đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nêu rõ.
Giải đáp những băn khoăn nói trên của doanh nghiệp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cam kết, sẽ ổn định lãi suất 15% ít nhất trong vòng một năm với điều kiện lạm phát ở 7-8%. Riêng với các doanh nghiệp bị làm khó dễ khi đi vay, Thống đốc Bình đưa ra lời khuyên nên có nhiều lựa chọn.
Ông nói: “Hiện ngân hàng cạnh tranh nhau quyết liệt lắm, thậm chí giữa các chi nhánh với nhau. Nếu doanh nghiệp 11 năm chưa trả nợ chậm một ngày, phương án kinh doanh tốt thì ít nhất loại A rồi, không thì phải 3A. Đây là khách hàng mà các ngân hàng đang bỏ công đi săn. Nếu không vay được ở chi nhánh này, nên sang nơi khác”. Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo Vietinbank xem lại hồ sơ của Lexim và có trả lời dứt khoát trong 2 ngày.
Về tính pháp lý của quy định lãi suất 15%, ông Bình cho hay, mới chỉ dừng lại ở đề nghị của Ngân hàng Nhà nước mong các ngân hàng thương mại hỗ trợ. “Đây là niềm tin và sự chia sẻ, trách nhiệm dành cho nhau. Chứ không phải bảo tôi ra quy định đấy, anh bắt buộc phải làm vì anh bên cạnh cũng làm rồi. Vì mỗi ngân hàng có những điều kiện khác nhau”, ông Bình phân trần.
Dù vậy, theo thông tin từ Thống đốc, mới áp dụng quy định lãi suất 15% được 5 ngày, song Ngân hàng Nhà nước nhận được phản hồi tích cực từ các nhà băng thương mại bằng các văn bản cam kết. Ông nói thêm, sẽ có tổng hợp, cập nhật và thông báo cụ thể đến các phương tiện thông tin đại chúng.
Thừa nhận cũng “đau đầu” về các quy định tài sản đảm bảo, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chia sẻ, quy định hiện hành đang có nhiều vấn đề, nhất là vấn đề định giá. Chẳng hạn, tài sản này đáng giá 100 tỷ đồng, nhưng một người định là 200 tỷ, người khác lại bảo chỉ 20 tỷ đồng, ông nói. Hơn nữa, giá bất động sản cũng đã giảm 30-50% trong những năm vừa qua nên giá trị tài sản đảm bảo bằng bất động sản cũng xuống. “Nếu buộc ngân hàng phải chấp nhận dùng tài sản đảm bảo này, thì không công bằng, nê ngân hàng, doanh nghiệp cần ngồi lại tính toán với nhau, chứ không nên căng thẳng”, ông Bình quả quyết.
LAN ANH
Theo Infonet