Hạ lãi suất: Làm lung tung, mỗi ngân hàng một kiểu
Theo Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sỹ Kiêm, chỉ có các ngân hàng lớn thực hiện chỉ đạo hạ lãi suất, còn các nhà băng nhỏ lại lúng túng, trông chờ vào văn bản hướng dẫn thực hiện.
Sau khi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có chỉ đạo đưa lãi suất các khoản vay cũ của DN và các hộ dân về mức 15% từ ngày 15/7, việc thực hiện trên toàn hệ thống vẫn theo kiểu "mạnh ai nấy làm". Trên thực tế, chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có tính pháp lý rất yếu, các ngân hàng thương mại không bắt buộc phải thực hiện, vậy sẽ dựa vào cơ sở nào để xử lý các ngân hàng này và có xử lý, kỷ luật.
- Theo quan sát của ông, các ngân hàng thương mại đã thực hiện chỉ đạo đưa lãi suất các khoản vay cũ về mức 15%/ năm diễn ra như thế nào trong nhưng ngày qua?
- Có 2 hướng đang diễn ra. Các ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng thương mại cổ phần lớn (khoảng 20 ngân hàng) đã hăng hái thực hiện chỉ đạo này. Đây là những ngân hàng có điều kiện, có thế mạnh và có nhiều lợi ích nên thực hiện ngay. Còn những ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ, thanh khoản yếu, nợ xấu cao, trước đây có nhiều khoản vay với lãi suất cao đang rất lúng túng, không biết thực hiện như thế nào, làm thế nào cho đỡ bị thiệt hại, không bị dồn vào chân tường.
Tuy nhiên qua quan sát thì thấy việc thực hiện rất lung tung. Hiện có ngân hàng chỉ hạ lãi suất cho các khoản vay dài hạn, ngược lại có ngân hàng chỉ hạ với các khoản vay ngắn hạn, có ngân hàng chỉ hạ cho 4 đối tượng DN ưu tiên và có ngân hàng thì chỉ hạ cho khách hàng loại 1... Nói chung là thực hiện mỗi nơi mỗi kiểu, thiếu thống nhất.
Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sỹ Kiêm |
- Vì sao có hiện tượng như vậy?
Đó là do Ngân hàng Nhà nước đã không có hướng dẫn gì về vấn đề này. Đến nay chưa hề có một hướng dẫn nào, để các ngân hàng biết cần phải làm ra sao, chính vì vậy mỗi nơi hiểu 1 kiểu. Điều quan trọng là phải có tiêu chí cụ thể, có như vậy mới thống nhất thực hiện cũng như các ngân hàng không thực hiện mới có cơ sở để xử phạt chứ như hiện nay không biết xử phạt như thế nào.
- Có phải do là mệnh lệnh hành chính, vì vậy mà Ngân hàng Nhà nước không thể ban hành hướng dẫn. Theo ông việc ban hành hướng dẫn có đảm bảo đúng quy định của pháp luật?
Hoàn toàn có thể thực hiện được nếu đó là đề xuất từ chính các ngân hàng thương mại. Chẳng hạn các ngân hàng họp và đề xuất về việc giảm lãi suất dựa trên việc phân loại nợ, phân loại khách hàng, trên cơ sở đó Ngân hàng Nhà nước xây dựng nên hướng dẫn cụ thể thì tất nhiên sẽ đúng luật và thực hiện thống nhất trên cả nước.
Đằng này như đã nói, do không có hướng dẫn gì nên thực hiện rất lung tung, để lại rất nhiều phản ứng. DN thì hiểu là tất cả các khoản vay cao hơn đều được hạ lãi suất xuống 15%, vì vậy nhiều DN cho rằng họ không được hưởng lãi suất 15%; trong khi các ngân hàng thì cho rằng làm như vậy là cào bằng tất cả, không có sự phân loại khách hàng tốt, xấu là phi thị trường...
Nhiều ngân hàng đang kêu than lợi nhuận giảm mạnh, thậm chí là thua lỗ. Chẳng hạn như Vietcom bank công bố sẽ giảm 1.900 tỷ đồng lợi nhuận khi thực hiện chỉ đạo này. Hay như Ngân hàng Đông Á thì nói mỗi tháng họ sẽ 40 tỷ đồng, 6 tháng cuối năm mất 240 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận cả năm là 700 tỷ đồng.
Theo nguyên tắc ngân hàng trước hết phải thương lượng với những người gửi tiền để hạ lãi suất huy động thì mới hạ lãi suất cho vay được. Đằng này ngân hàng không thể thương lượng với người gửi tiền mà phải hạ lãi suất cho vay thì đương nhiên bị đẩy vào thế khó khăn, khiến họ tìm cách chống đỡ lại.
- Gần đây một số lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước phát biểu cho biết nếu các ngân hàng không thực hiện việc hạ lãi suất thì sẽ xử phạt, theo ông liệu có thể xử phạt được không và xử phạt bằng cách nào?
- Xét về nguyên tắc thì sẽ chẳng xử phạt được ngân hàng nào khi họ không thực hiện, bởi như đã nói chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ là khuyến nghị xem xét giảm lãi suất mà thôi. Tuy nhiên cũng có thể xử phạt được bằng 1 số biện pháp đã áp dụng giống như với những ngân hàng lách trần lãi suất trước đây, chẳng hạn như không cho mở thêm chi nhánh, phòng giao dịch trong thời hạn 1 năm hay không nâng hạn mức tín dụng... tùy theo tình hình và cái nào đúng luật thì sẽ áp dụng.
- Hiện Ngân hàng Nhà nước đang yêu cầu các Ngân hàng Nhà nước tại các địa phương phải làm việc với từng ngân hàng cụ thể và ký cam kết thực hiện, nếu đã ký mà không thực hiện cũng sẽ bị xử lý. Cách làm này có đem lại hiệu quả?
Cách làm này cũng có thể thực hiện được. Nhưng như đã nói, do không có hướng dẫn cụ thể nên dễ dẫn đến mỗi nơi cam kết mỗi kiểu, không thống nhất thì việc xử phạt cũng sẽ rất lung tung.
Theo Vietnamnet