Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ông Trương Đình Tuyển: Ngân hàng 'ăn' lãi 5,8% khi cho vay

Theo ông Trương Đình Tuyển - nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, các ngân hàng đang tính "nhanh" chênh lệch lãi huy động, cho vay theo chiều hướng có lợi cho mình.

Ông Trương Đình Tuyển: Ngân hàng 'ăn' lãi 5,8% khi cho vay

Theo ông Trương Đình Tuyển - nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, các ngân hàng đang tính "nhanh" chênh lệch lãi huy động, cho vay theo chiều hướng có lợi cho mình.

- Room 17% cho năm nay còn lớn, liệu ông có cho rằng cơ hội cho DN (doanh nghiệp) tiếp cận vốn sẽ dễ dàng hơn không?

- Tôi không nghĩ rằng năm nay chúng ta sẽ sử dụng hết room tăng trưởng tín dụng 17% như đề ra hồi đầu năm. Bởi lẽ, nếu tăng trưởng 17% thì mỗi tháng đồng nghĩa với việc tín dụng sẽ phải tăng trưởng khoảng hơn 4%. Trong bối cảnh hiện nay nền kinh tế sẽ khó hấp thu nổi số tiền này và nguy cơ đẩy lạm phát lên cao sẽ quay trở lại.

Tôi cho rằng, mức tăng trưởng tín dụng hợp lý cho những tháng còn lại của năm chỉ nên ở mức 1-1,2%/tháng. Do đó, doanh nghiệp không nên quá kỳ vọng.

Theo ông Trương Đình Tuyển, lợi nhuận cận biên của các ngân hàng vẫn có thể là 5,8% sau khi trừ mọi chi phí, chứ không thấp như các nhà băng tính toán.

 - NHNN đã kêu gọi các ngân hàng thương mại đưa khoản vay cũ về mức 15%, ông có cho rằng đây là một trong những biện pháp hữu hiệu giúp DN giảm bớt gánh nặng không?

- Tất nhiên. Khi NHNN đưa ra lời “hiệu triệu” đề nghị các ngân hàng thương mại đưa lãi suất các khoản vay cũ về mức 15% thì thống kê sơ bộ đến nay phần lớn các khoản vay cũ đã được hưởng mức lãi suất mới này. Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn thì đó là biện pháp rất đáng hoan nghênh.

Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ thì mức giảm lãi suất cho vay và giảm lãi suất huy động không tương thích. Đặc biệt là cách giải thích của nhiều ngân hàng thương mại tôi cho rằng vẫn chưa hợp lý.

- Cụ thể chưa hợp lý như thế nào, thưa ông?

- Khi tiến hành giảm lãi suất cho vay, nhiều ngân hàng thương mại vẫn đưa ra lý do là cần từ 3 đến 6 tháng để cần ngấm độ trễ của chính sách. Tôi cho rằng, lấy cớ cần thời gian để “ngấm” chính sách là các ngân hàng đang lợi dụng chính sách để bắt chẹt doanh nghiệp.

Trong quản lý rủi ro của các ngân hàng thương mại có yêu cầu về quản lý khe hở lãi suất, tức quản lý về thời gian cũng như chênh lệch giữa lượng tiền huy động vào và cho vay ra.

Quá lắm thì cái mà mọi người vẫn gọi là độ trễ thời gian đấy tôi cho rằng chỉ vào khoảng 2 tuần đến 1 tháng. Vậy tại sao các ngân hàng thương mại cần đến khoảng thời gian dài đến thế?

Hay ở một góc độ khác, tính toán nhanh của các ngân hàng thương mại hiện mức chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay ra vào khoảng 6% nhưng họ đã mất tới 3% cho các khoản: dự trữ bắt buộc, dự phòng rủi ro… Nhưng tôi cho rằng đây lại là một phép tính “nhanh” thiên về chiều hướng có lợi cho ngân hàng.

Theo tôi, sau khi trừ đi các chi phí thì mức chênh lệch lãi suất (giữa huy động và cho vay) hiện nay có thể rơi vào khoảng 5,8% - mức lãi quá cao trong bối cảnh doanh nghiệp đang khó khăn như hiện nay.

- Ông dự báo diễn biến của tình hình lãi suất từ giờ đến cuối năm sẽ thế nào?

- Ngay sau khi NHNN đưa trần lãi suất huy động về mức 9% thì mục tiêu quan trọng là đưa trần lãi suất cho vay xuống. Năm nay theo dự báo của chúng tôi, dù lạm phát có giảm có thể cả năm sẽ dừng ở mức 6 - 7%. Quy luật bình thường thì lãi suất huy động đồng Việt Nam cũng chỉ nên cao hơn 2% và lãi suất cho vay cũng chỉ dừng ở mức 12-13%.

Còn sòng phẳng ra mà nói thì không nên có trần lãi suất nào kể cả huy động lẫn cho vay. Nếu ở mức buộc phải áp trần thì việc đó phải áp đối với đầu ra lãi suất cho vay, chứ không phải lãi suất huy động như hiện nay. Có như thế mới đảm bảo được quyền lợi của cả người gửi tiền lẫn hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp.

Theo CafeF/TTVN

 

Theo CafeF/TTVN

Bạn có thể quan tâm