Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ngân hàng trần tình chuyện 'ăn dày' lãi suất

Tại buổi tọa đàm giữa ngân hàng, doanh nghiệp sáng nay, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - thành viên HĐQT Ngân hàng An Bình cho biết, lợi nhuận biên của nhà băng trên các khoản vay chỉ khoảng 2-2,5% chứ không đến 6%.

Ngân hàng trần tình chuyện 'ăn dày' lãi suất

Tại buổi tọa đàm giữa ngân hàng, doanh nghiệp sáng nay, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - thành viên HĐQT Ngân hàng An Bình cho biết, lợi nhuận biên của nhà băng trên các khoản vay chỉ khoảng 2-2,5% chứ không đến 6%.

Ông Hiếu cho biết, trên danh nghĩa, lấy lãi suất cho vay 15%/năm trừ đi lãi suất huy động phổ biến 9%, tỷ lệ NIM của các ngân hàng là 6%. Tuy nhiên, lãi cận biên này không phải là chênh lệch lãi suất mà ngân hàng được hưởng mà nó bao gồm rất nhiều chi phí khác. Thực tế, tỷ lệ lãi cận biên tạo nên lợi nhuận, thì có không nhiều ngân hàng duy trì được mức 2,5-3%.

Chuyên gia này phân tích, nhận về 6% lãi cận biên, ngân hàng phải có dự trữ bắt buộc với các khoản tiền gửi. Thứ hai là dự phòng thanh khoản. Trong 100 đồng tiền khách hàng gửi vào, ngân hàng phải giữ 1 đồng trong tủ sắt, trích lập dự phòng rủi ro cho nợ xấu 0,75%. Các phần chi phí khác bao gồm trả cho bảo hiểm tiền gửi. “Mức này không nhiều nhưng cũng là chi phí. Tổng tất cả khoảng 2-2,5%. Cộng thêm một số chi phí khác vào khoảng 1% nữa là 3-3,5%. Như vậy, lãi cận biên thực tế của ngân hàng chỉ khoảng 2,5-3%”, ông Hiếu phân tích.

Hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng tại Mỹ 32 năm, tại Việt Nam 3 năm, ông Hiếu cho biết, với 1 khoản nợ xấu 100% mất vốn, ngân hàng cần phải có 50 cái vay mới tương đương để bù trừ thiệt hại. Ông phân tích: “Mỗi món nợ lấy biên độ NIM trung bình là 2%, thì phải 50 nợ mới để có 100% bù trừ vào nợ cũ. Thành ra, những món nợ mới đang phải chịu gánh nặng của nợ cũ và nhiều ngân hàng rất khó khăn”. Chuyên gia này cũng nói thêm, sẽ không ngạc nhiên nếu có ngân hàng báo lỗ từ nay đến cuối năm, và đưa ra dự đoán, ngành tài chính, ngân hàng cuối năm sẽ thất thu lớn.

Riêng về khuyến nghị ngân hàng đưa lãi suất cho vay các khoản cũ về 15%/năm của Ngân hàng Nhà nước, theo ông, không nên duy trì lâu. Ông phân tích, một doanh nghiệp ngay cả khi kinh doanh tốt, biên độ lợi nhuận ít nhất phải 30% mới có thể trả nợ ngân hàng. Số 30% này có thể dùng 15% để trả ngân hàng, 15% còn lại để trả cổ tức, thuế, số giữ lại 5-10%. “Tôi cho rằng số doanh nghiệp có lợi nhuận 30% là rất ít. Vì thế mà giải pháp đưa lãi vay về 15% cũng có tác dụng, nhưng dường như không lớn”, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nhận định.

Ông cũng nêu quan điểm, nên để lãi suất thả nổi. Vì một khi được thả nổi, lãi suất cho vay buộc phải đi xuống do các ngân hàng cạnh tranh với nhau. Khi đó, lãi suất tiền gửi cũng phải hạ xuống bởi không ngân hàng nào dám cho vay thấp mà lại huy động cao. “Trần lãi suất hiện nay tạo tâm lý cho cả người vay và người gửi. Tâm lý người gửi tìm chỗ cao khiến ngân hàng đua nhau vượt rào, còn người đi vay luôn đi tìm lãi suất thấp hơn”, ông Hiếu kết luận.

Trước đó, ông Nguyễn Văn Thắng, Tổng giám đốc Ngân hàng Công thương Vietinbank cũng trần tình, lợi nhuận biên thực tế của các ngân hàng chỉ khoảng 2,5%, không cao đến mức 6% như danh nghĩa. Ông cho biết, giảm lãi suất về 15%, nhà băng này chịu thiệt gần 1.500 tỷ đồng.

Lan Anh

Theo Infonet
 

Lan Anh

Theo Infonet
 

Bạn có thể quan tâm