Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cảnh báo hiểm họa thời trang ăn liền trên đà ‘xóa sổ’ hành tinh

Cuốn FASHIONOPOLIS The Price of Fast Fashion and the Future of Clothes của tác giả Dana Thomas sẽ giải đáp cho độc giả nhiều khía cạnh về ngành công nghiệp thời trang ăn liền.

Có một câu nói nổi tiếng, thường được cho là xuất phát từ thiên tài thiết kế Yves Saint Laurent: “Thời trang có thể phai nhạt dần nhưng phong cách là vĩnh cửu”.

Chân lí này có thể không còn đúng nữa, đặc biệt là khi nói đến thời trang ăn liền (thiết kế được cập nhật theo xu hướng mới nhất với mức giá bình dân). Các thương hiệu thời trang ăn liền có thể không thiết kế quần áo của họ để chúng có hạn sử dụng lâu dài nhưng trong thời kì hàng hóa được tiêu thụ chóng mặt như hiện tại, lượng sản phẩm mà ngành thời trang này tạo ra có thể trở thành một nguồn chất thải khó phân hủy khổng lồ.

Thoi trang an lien,  pha huy moi truong,  bien doi khi hau,  Zara,  H&M,  Thoi trang ben vung anh 1
Lượng quần áo mà con người tiêu thụ và sử dụng có thể là một nguồn rác thải khổng lồ. Ảnh: AP.

Hơn 60% vải hiện nay làm từ sợi tổng hợp, có nguồn gốc từ nhiên liệu hóa thạch. Vì vậy, khi chúng ta không sử dụng quần áo nữa, vứt nó ra thùng rác thì chúng sẽ không thể tự phân hủy được.

Sau một quá trình dài, các vi sợi này sẽ đổ ra biển, các vùng nước ngọt, các hồ sâu hay cả những khu vực xa xôi nhất của đại dương và có thể nằm chễm chệ trên những đỉnh núi băng cao ngất ngưởng. Các nhà khảo cổ học trong tương lai có thể nhìn vào các bãi rác giữa thiên nhiên để tìm ra bằng chứng về các hãng thời trang ăn liền như Zara, H&M….

Từ tủ quần áo cá nhân tới các vấn đề vĩ mô

Trong bối cảnh vấn đề môi trường đang ngày càng được quan tâm, cuốn FASHIONOPOLIS The Price of Fast Fashion and the Future of Clothes của tác giả Dana Thomas, ra mắt vào ngày 3/9, đã giải đáp cho độc giả một cách thuyết phục về mối liên hệ giữa tủ quần áo chất đầy các “bộ cánh” ăn liền của chúng ta với các mô hình kinh tế và khí hậu toàn cầu, căn nguyên của hệ sinh thái thời trang trong lịch sử ngành may mặc, các phương thức sản xuất, việc sử dụng lao động và tác động tới môi trường.

Thoi trang an lien,  pha huy moi truong,  bien doi khi hau,  Zara,  H&M,  Thoi trang ben vung anh 2
Cuốn sách vừa được ra mắt ngày 3/9. Ảnh: Amazon.

Bố cục của cuốn sách gồm 3 phần: Phần đầu tập trung vào ngành công nghiệp thời trang toàn cầu ngày nay, trong đó có một “bộ phận ăn liền” và cách bộ phận này trở nên khổng lồ và dần khó kiểm soát. Một ví dụ thú vị là các hiệp ước thương mại NAFTA đã góp phần tạo nên sự thành công tầm cỡ quốc tế của ngành thời trang ăn liền.

Phần thứ hai trình bày các phương pháp tiếp cận khác biệt để thời trang có thể trở nên bền vững hơn, như sử dụng nguyên liệu được trồng tại địa phương, sản xuất theo từng khu vực hoặc theo quy mô nhỏ và vừa. Trong phần cuối của cuốn sách, Dana đã gặp gỡ những con người đang cố gắng cải tổ toàn bộ ngành thời trang, từ việc sử dụng nguyên liệu, sản xuất quần áo đến thói quen mua sắm của chúng ta.

Xuyên suốt tác phẩm là lời nhắc nhở của Dana rằng ngành dệt may luôn là một trong những góc tối nhất của nền kinh tế thế giới. Là một trong những dấu ấn của cuộc cách mạng công nghiệp, ngành dệt may rất quan trọng đối với sự phát triển của hệ thống tư bản toàn cầu. Và sự phát triển vô độ của ngành công nghiệp này đã được hình thành trong suốt một thời kì lịch sử rất dài.

Những người nô lệ ở Nam Mỹ đã được đưa tới nhiều nhà máy ở tận nước Anh, nơi khét tiếng về sử dụng lao động trẻ em và những nỗi kinh hoàng khác, và cả ở Mỹ, nơi các vụ cháy nhà máy đã cướp đi sinh mạng của nhiều người nhập cư vào đầu thế kỷ 20. Dana chia sẻ rằng nhiều lao động nhập cư ở Los Angeles ngày nay là nạn nhân của nạn trộm cắp và bóc lột tiền lương, chưa kể đến những người phải làm việc trong những điều kiện tồi tệ và khắc nghiệt.

Thoi trang an lien,  pha huy moi truong,  bien doi khi hau,  Zara,  H&M,  Thoi trang ben vung anh 3
Nhiều lao động trong ngành may mặc phải làm việc trong điều kiện khắc nghiệt. Ảnh: New York Times.

Một dẫn chứng sống động đã được Dana đưa ra khi bà kể lại thảm kịch của vụ sập nhà máy Rana Plaza năm 2013 ở Bangladesh qua góc nhìn của hai người sống sót. Vụ nổ đã giết chết 1.100 người và làm bị thương 2.500 người khác. Và đó không phải là tai nạn duy nhất: Từ năm 2006-2012, hơn 500 công nhân may Bangladesh đã chết trong các vụ cháy nhà máy. Theo Dana, những tin tức như vậy không làm người Mỹ ngừng đam mê với quần áo giá rẻ. Dana viết: “Trong cùng năm đó, người Mỹ đã chi 340 tỷ USD cho thời trang và phần lớn chúng được sản xuất tại Bangladesh. Một phần trong số đó do công nhân Rana Plaza sản xuất trong những ngày gần thời điểm xảy ra tai nạn”.

Khơi gợi cảm hứng từ những nỗ lực không ngừng nghỉ

Dù vậy, không phải toàn bộ cuốn sách đều nhuốm màu ảm đạm. Còn rất nhiều chi tiết quyến rũ và tươi sáng, khơi gợi nhiều hứng thú cho những người yêu thời trang. Nhiều câu chuyện thú vị giữa tác giả và những người có tầm nhìn đang cố gắng thay đổi ngành công nghiệp này đã được truyền tải nhẹ nhàng và đầy cảm hứng.

Những loại sợi mới đang được nghiên cứu trong phòng thí nghiệm hoặc từ các vật liệu tái chế. Một nhân vật “người thật, việc thật” là nhà thiết kế Natalie Chanin và công ty Alabama Chanin của cô, nơi đang sản xuất quần áo cotton với nguyên liệu gần gũi với thiên nhiên. Theo Dana, đây là những sản phẩm bền vững với môi trường và thân thiện với con người. Dù vậy, với doanh thu năm ngoái chỉ hơn 3 triệu USD, công ty 30 người này không thay thế cho ngành công nghiệp thời trang sản xuất hàng loạt đang phục vụ cho khoảng 7 tỷ người.

Thoi trang an lien,  pha huy moi truong,  bien doi khi hau,  Zara,  H&M,  Thoi trang ben vung anh 4
Vẫn đang có những con người âm thầm muốn cải tổ, đưa ngành thời trang trở nên bền vững hơn. Ảnh: New York Times.

Chia sẻ về sự tài tình, sáng tạo của những người đang “phá vỡ” giới hạn thời trang, Dana cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các ứng dụng khoa học trong đổi mới ngành thời trang, trong đó có hạn chế dư thừa từ việc chạy theo sản xuất hàng loạt.

Về giải pháp cho hiện trạng này, Dana nhấn mạnh vào ý tưởng “vòng tròn khép kín”. Theo đó, các sản phẩm liên tục được tái chế, tái sinh, tái sử dụng và không có gì nên được bỏ vào thùng rác. Nhưng sau khi cân nhắc tới những vấn đề trên thực tế như chi phí, hiệu quả hoạt động, hạn chế về nguồn lực… thì tác giả lại đi đến một kết luận bất ngờ rằng việc cho thuê quần áo là mô hình bền vững nhất và là một giải pháp thực tế hơn so với sự phát triển của các nguyên liệu bền vững trong tương lai xa.

Tuy nhiên, nếu những hệ lụy của ngành thời trang không được giải quyết và những hành động, giải pháp hiện tại không khắc phục được vấn đề, liệu các chính phủ có nên điều tiết lại việc sản xuất này hay không? Đó có thể là một câu hỏi cho một cuốn sách khác và FASHIONOPOLIS The Price of Fast Fashion and the Future of Clothes không đặt mục tiêu trả lời cho vấn đề này.





Minh Hoa

Bạn có thể quan tâm