Phát biểu trước quốc hội ngày 14/1, Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan tuyên bố: "Chúng ta sẽ luôn thực hiện các biện pháp phù hợp để bảo vệ quyền lợi của mình, và bất cứ quốc gia nào có quan hệ với Singapore đều không được phép nghĩ rằng họ có thể thoải mái bắt tay vào làm những việc phiêu lưu hoặc diễn trò hề với chúng ta".
"Sẽ có những hậu quả", Ngoại trưởng Balakrishnan cảnh báo, trong phát biểu được cho là nhắm đến "người hàng xóm" Malaysia giữa lúc hai bên đang có những căng thẳng về chủ quyền trên biển, theo AFP.
Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan. Ảnh: AFP. |
Quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng không phải lúc nào cũng tốt đẹp kể từ khi Malaysia buộc Singapore phải tách khỏi liên bang này vào năm 1965, chấm dứt quãng thời gian tái hợp ngắn ngủi và đầy giông bão của hai vùng đất đều là thuộc địa Anh.
Tình hình trở nên sóng gió hơn khi ông Mahathir Mohamad, người từ lâu đã có quan hệ không hữu hảo với Singapore, bất ngờ trở lại vị trí thủ tướng Malaysia sau chiến thắng trong cuộc bầu cử năm ngoái.
Những tuần gần đây, Singapore cáo buộc nhiều tàu hàng Malaysia đi vào vùng biển đảo quốc sư tử một cách trái phép. Trong khi đó, Kuala Lumpur cũng không hài lòng với việc Singapore áp đặt quy trình hạ cánh cho các máy bay ở sân bay Seletar làm ảnh hưởng đến hoạt động của cảng Pasir Gudang ở phía đối diện.
Trong diễn biến mới nhất, thủ hiến bang Johor của Malaysia (bang nằm sát Singapore) đã đặt chân lên một con tàu neo ở vùng nước mà Singapore tuyên bố là hải phận của mình. Chính phủ Singapore đã tạm dừng tất cả các cuộc gặp được lên kế hoạch từ trước giữa quan chức hai nước để bày tỏ sự phản đối.
Trước đó, căng thẳng đã giảm bớt khi bộ trưởng ngoại giao hai nước gặp nhau tại Singapore và đồng ý thực hiện các bước làm dịu tình hình, nhưng chuyến thăm của thủ hiến bang Johor đã làm mọi chuyện nóng trở lại.
Ông Balakrishnan cho biết Singapore mong muốn giải quyết các vấn đề một cách thân thiện, và nhấn mạnh sức mạnh ngoại giao của nước này phụ thuộc vào "tinh thần đoàn kết trong nước và khả năng thích ứng, cùng với sự thật là chúng ta không thể bị đe dọa hoặc mua chuộc".
Tuyến đường bộ Johor Causeway nối liền Malaysia và Singapore được xây dựng từ năm 1924 trong thời kỳ cả hai nước là thuộc địa của Anh. Đây là cũng nơi là đặt đường ống cung cấp nước cho Singapore từ Malaysia. Ảnh: AFP. |
Hai nước láng giềng có thời gian nồng ấm trong thời kỳ Malaysia được lãnh đạo bởi ông Najib Razak, nhưng tình hình nhanh chóng xấu đi từ khi ông Mahathir quay trở lại ghế thủ tướng hồi tháng 5/2018. Trước đó, nhà lãnh đạo 93 tuổi đã có thời gian lãnh đạo Malaysia từ năm 1981 đến năm 2003.
Nhiều nhà quan sát cho rằng mối quan hệ không tốt giữa ông Mahathir và Singapore bắt nguồn từ chính mối quan hệ của ông với nhà lập quốc Singapore là Thủ tướng Lý Quang Diệu.
Trong giai đoạn đầu tiên làm thủ tướng Malaysia, ông Mahathir muốn xây dựng một cây cầu lớn thay thế tuyến đường bộ Johor Causeway qua eo biển nối Singapore và Malaysia, để tạo điều kiện cho tàu bé có thể đi qua khu vực này vào để cập cảng Johor, tuy nhiên phía Singapore không đồng ý vì cho rằng tuyến đường Johor Causeway vẫn còn tốt.