"Lực lượng Tạo mưa Hoàng gia và Hàng không Nông nghiệp dự kiến hoàn thành việc gây mưa nhân tạo vào ngày mai (15/1) nhưng việc này còn phụ thuộc vào gió và độ ẩm", Pralong Dumrongthai, Tổng cục trưởng Cục Kiểm soát Ô nhiễm Thái Lan, cho biết.
Theo AFP, sáng 14/1, thủ đô Bangkok tiếp tục bị bao phủ bởi bầu không khí bụi bặm và ô nhiễm từ các công trình xây dựng. Nhóm hoạt động môi trường Greenpeace cho biết Bangkok hiện bị ô nhiễm cao thứ 10 trên thế giới, ngang ngửa với một số thành phố ở Trung Quốc.
Đường chân trời qua lớp không khí ô nhiễm ở Bangkok, Thái Lan, ngày 15/2/2018. Ảnh: Reuters. |
Lý do cho khói bụi dai dẳng bao gồm khí thải từ các con đường đông đúc ở Bangkok, nông dân ngoại thành đốt cháy các cánh đồng và các chất ô nhiễm từ các nhà máy.
Người dân đã bày tỏ sự bức xúc trên mạng xã hội và truyền hình Thái Lan với các "hashtag" liên quan đến ô nhiễm và các chương trình truyền hình tư vấn về các loại khẩu trang nên đeo.
Trang giám sát chất lượng không khí độc lập trực tuyến Air Visual xếp không khí ở Bangkok ở mức "không tốt" với chỉ số chất lượng không khí là 156 AQI vào ngày 14/1.
Tuy nhiên, Cục Ô nhiễm cho rằng sự nguy hiểm của khói mù dai dẳng không đáng ngại vì nồng độ các hạt vi mô có hại được gọi là PM2.5 đã giảm xuống mức dưới 90.
Trong khi đó, Giám đốc Greenpeace Thái Lan Tara Buakamsri cho rằng chính quyền cần có hành động ngay lập tức như giảm số lượng xe hơi và đóng cửa trường học ở những khu vực có nguy cơ cao.
"Các vấn đề ô nhiễm ngày càng xuất hiện thường xuyên hơn ở Bangkok. Chúng ta cần quản lý chất lượng không khí thông minh hơn", ông nói.