Từ phố đèn đỏ tới cầu thang cuốn - những góc ít thấy của Singapore
Thứ ba, 8/1/2019 05:59 (GMT+7)
05:59 8/1/2019
Singapore được coi là đất nước tiện nghi và sạch sẽ. Nhưng qua bộ ảnh với màu sắc thơ mộng, nhiếp ảnh gia Nguan cho rằng vẻ đẹp thực sự đến từ cuộc sống bình dị của người dân.
Đối với nhiếp ảnh gia Nguan, quê nhà Singapore là đất nước hiện đại, tiện nghi nhưng khô khan. Chính vì vậy, bằng sự kết hợp giữa gam màu pastel nhẹ nhàng và tươi vui, Nguan đã hướng ống kính sang các con phố cũ của thành phố để phác họa Singapore như một xứ sở thần tiên thơ mộng.
"Singapore sạch sẽ và tiện nghi nhưng bạn không cảm thấy gì khi nghĩ về đất nước này. Không ai coi Singapore là đẹp cả. Tôi muốn Singapore trông giống như một câu chuyện cổ tích được minh họa ngoài đời thực", Nguan nói với CNN. Kể từ khi kết thúc khóa học làm phim ở Mỹ và trở về quê nhà năm 2007, Nguan đã chụp lại những góc phố bị lãng quên của Singapore, từ địa điểm bán hàng rong cho tới cầu thang xoắn ốc màu pastel đặc trưng.
Sử dụng máy ảnh phim từ những năm 90, Nguan kết hợp kỹ thuật phim tài liệu với tính thẩm mỹ của ảnh thời trang để tạo nên những tác phẩm đẹp như mơ. Anh cũng cho ra đời hai cuốn sách ảnh "How Loneliness Goes" và "Singapore" được bán "cháy hàng" tại các hội chợ nhiếp ảnh quốc tế.
Khu nghỉ dưỡng cao cấp Marina Bay Sands được coi là biểu tượng nhận biết dễ nhất của Singapore. Nhưng Nguan đã mô tả một khía cạnh khác của quê hương mình bằng việc ghi lại cuộc sống thường ngày của người dân. Theo nghiên cứu của chính phủ Singapore, hơn 80% dân số nước này sống trong những khu tập thể. Nhiều người sống ở khu trung tâm và các thị trấn vệ tinh ở ngoại ô thành phố. Đây là nơi mà Nguan thường lui tới và tập trung phác họa qua ảnh.
Anh đặc biệt thích hành lang của khu tập thể, vì chúng chứa đựng minh chứng về cuộc sống phức tạp diễn ra bên trong dãy nhà. "Mỗi hành lang giống như một con phố vậy", Nguan giải thích. Trong các bức ảnh của Nguan, có thể thấy những hình ảnh bình dị như người đàn ông cởi trần, đi chân trần trồng cây ngoài ban công được trang trí bằng đèn lồng Trung Quốc, hay một loạt quần áo và khăn tắm sặc sỡ phơi trên hành lang lúc hoàng hôn.
"Nhiều người dân coi dãy hành lang ngoài cửa nhà là của riêng, họ rất tự hào về việc trang trí nơi này, đặt bàn thờ trên các cột trụ, trồng cây trong chậu và phơi đồ lót bên ngoài", Nguan giải thích. Đây có thể coi là những hành động nổi loạn nho nhỏ, vì các khu tập thể thường quy định người dân nên giữ gìn khu vực chung gọn gàng, không lộn xộn. "Đây cũng là một điểm khác biệt của Singapore...Miễn là các nhà chức trách nhắm mắt cho qua", Nguan nói thêm.
Theo quan điểm của Nguan, Singapore là quốc gia đang ở giai đoạn lưng chừng như tuổi dậy thì, nơi người dân chưa thôi khao khát quá khứ và cả trăn trở về tương lai. "Sự phát triển nhanh chóng đã dẫn tới việc người dân Singapore đều hoài niệm về quá khứ, bởi đất nước trong trí nhớ của họ sẽ nhanh chóng biến mất hoặc thay đổi", Nguan nói.
Nỗi bất an này được thể hiện rõ nét ở Gaylang, khu phố đèn đỏ khét tiếng với những nhà thổ sáng đèn neon, nằm giữa các nhà hàng hải sản và đền thờ Phật giáo. Thường lui tới Geylang để chụp ảnh, Nguan coi đây như "pháo đài phóng túng cuối cùng ở Singapore". Đến nay, những khu vực này vẫn giữ được dấu tích của quá khứ dưới dạng các cửa hiệu theo phong cách từ thời thuộc địa, vốn phổ biến trên khắp Đông Nam Á.
Nhiếp ảnh gia cho biết từ nhỏ, anh đã bị "ám ảnh" bởi những cầu thang xoắn ốc phía sau các tòa nhà. Lúc đầu, những cầu thang với gam màu thanh nhã này được xây dựng với mục đích phục vụ người dân vứt rác vào ban đêm. Chúng thường xuyên xuất hiện trong các bức ảnh của Nguan, nổi bật là hình ảnh một dãy cầu thang xoắn ốc với màu sắc khác nhau nằm phía sau các tòa nhà. Tuy nhiên, sự tồn tại của những công trình này có thể bị đe dọa trong tương lai. Công tác bảo tồn không được thực hiện đúng mức và những cầu thang này có thể bị phá hủy khi trở thành đất công vào đầu năm nay.
Ngoài ra, hình ảnh quen thuộc trong các tác phẩm của Nguan còn có quán hàng rong, lễ hội tôn giáo, đám cưới và đám tang, cây cỏ thiên nhiên có màu sắc rực rỡ. "Singapore là một thành phố lớn lên từ rừng rậm và tôi muốn chứng minh rằng thiên nhiên thực sự không thể được lát gạch", Nguan nói.
Malaysia đề nghị hai nước cùng dừng việc đưa tàu thuyền vào khu vực lãnh hải tranh chấp song Singapore đã bác bỏ điều này khiến tình hình trở nên phức tạp.