Tranh chấp lãnh hải giữa Malaysia và Singapore liên quan đến khu vực ngoài khơi cảng Tuas tiếp tục diễn biến theo chiều hướng phức tạp. Singapore đã bác đề nghị hai nước dừng việc đưa tàu thuyền vào khu vực tranh chấp của Malaysia, Straits Times đưa tin.
Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Singapore cho biết Singapore sẵn sàng thảo luận về tranh chấp với Malaysia trên tinh thần xây dựng và giữ gìn mối quan hệ song phương giữa hai nước. Song, Singapore không đồng ý với đề xuất từ phía Malaysia.
Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Saifuddin Abdullah thông qua cao ủy Singapore tại Kuala Lumpur đề xuất rằng, hai nước cùng dừng việc đưa tàu thuyền vào khu vực tranh chấp từ 0h ngày 8/12, trong khi chờ quá trình thảo luận về vấn đề giữa hai nước.
Nguồn gốc căng thẳng
Ngày 25/10, chính phủ Malaysia ra thông báo mở rộng đường giới hạn cảng Johor Baru, bang Johor nằm giữa eo biển Johor, khu vực ngăn cách giữa Malaysia và Singapore. Việc mở rộng này chồng lấn lên khu vực do Singapore kiểm soát. Chính phủ Singapore phản đối mạnh mẽ điều này và tàu thuyền Malaysia bắt đầu xâm phạm lãnh hải của Singapore.
Tàu chính phủ Malaysia (trái) và tàu cảnh sát biển Singapore (phải) trên khu vực tranh chấp. Ảnh: Straitstimes. |
Hôm 4/12, Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan đã gọi điện cho người đồng cấp ở Malaysia yêu cầu tàu thuyền của họ rời khỏi khu vực tranh chấp và ngừng việc xâm phạm lãnh hải Singapore.
Bộ trưởng Balakrishnan nhấn mạnh thông báo mở rộng giới hạn của Malaysia vượt quá yêu sách về lãnh hải mà Malaysia công bố trong bản đồ năm 1979, dù chính phủ Singapore chưa bao giờ đồng ý điều này. Singapore yêu cầu Malaysia kiềm chế không thực hiện thêm bất kỳ hành động đơn phương nào, sửa đổi thông báo và tôn trọng chủ quyền của Singapore.
Cũng trong ngày 4/12, bộ trưởng giao thông Singapore và Malaysia đã có cuộc điện đàm về vấn đề tranh chấp lãnh hải giữa hai nước. Phía Malaysia cho biết muốn đòi lại không phận phía nam Johor, khu vực đã giao cho Singapore kiểm soát từ năm 1974.
Ngày 6/12, Singapore cũng đưa ra thông báo mở rộng đường giới hạn ở cảng Tuas để kiểm soát khu vực phía đông cảng Johor Baru, Malaysia. Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Saifuddin Abdullah đã lên tiếng phản đối tuyên bố này.
Singapore cảnh báo nghiêm khắc
Hôm 7/12, 3 tàu chính phủ Malaysia vẫn ở khu vực tranh chấp dù phía Singapore nhiều lần đưa ra cảnh báo yêu cầu rời khỏi khu vực. Phía Singapore cho biết các tàu Malaysia đã thực hiện ít nhất 14 lần xâm phạm lãnh hải Singapore kể từ ngày 24/11.
Singapore (trái) tiếp giáp với bang Johor (phải) của Malaysia. Ảnh: AFP. |
Trong một thông báo trên facebook vào ngày 7/12, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen cảnh báo các tàu Malaysia nên tránh xa lãnh hải Singapore, sự xâm phạm của họ là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Singapore.
“Lực lượng an ninh của chúng tôi đã hành động với sự kiềm chế dù phía Malaysia liên tục xâm phạm và khiêu khích. Người Singapore rất yêu chuộng hòa bình, nhưng chúng tôi đặc biệt cảnh báo những người vi phạm nên rời khỏi lãnh hải chúng tôi”, Bộ trưởng Ng Eng Hen viết trên trang cá nhân.
Bộ trưởng Quốc phòng Singapore cho biết thêm tàu hải quân và cảnh sát biển Singapore đã tuần tra khu vực ngoài khơi cảng Tuas hơn 20 năm qua. “Không biết từ đâu, các tàu Malaysia tuyên bố vùng biển này là của họ và liên tục xâm nhập trái phép kể từ tháng 11”, Bộ trưởng Ng Eng Hen nói.
Tranh chấp lãnh hải giữa Singapore và Malaysia đã kéo dài trong nhiều thập niên. Ảnh: Google Map. |
Singapore yêu cầu Malaysia trở về nguyên hiện trạng trước ngày 25/10 nhằm tránh leo thang căng thẳng không đáng có. Các bộ trưởng thương mại, công nghiệp Singapore kêu gọi phía Malaysia bình tĩnh và hoan nghênh cuộc đàm phán giữa hai nước để giải quyết vấn đề một cách hòa bình.
Tranh chấp lãnh hải giữa Singapore và Malaysia đã kéo dài trong nhiều thập niên nhưng vẫn chưa được giải quyết một cách thấu đáo. Tranh chấp giữa hai nước lắng xuống từ năm 1999 sau một thỏa thuận được ký kết giữa chính phủ hai nước vào năm 1995.
Tuy nhiên, tuyên bố mở rộng đường giới hạn cảng Johor Baru của Malaysia vào ngày 25/10 đã khiến căng thẳng bùng phát trở lại.