Nhà văn Oscar Wilde từng viết: “Chỉ có hai bi kịch trong cuộc đời: Một là không có được thứ mình muốn và hai là có được nó”. Tình yêu cũng có hai bi kịch, đồng thời là hai hạnh phúc: Người bạn yêu không yêu bạn, người bạn yêu yêu bạn.
Chúng ta vẫn tưởng đạt được thứ mình mong ước là điều hạnh phúc nhất. Nhưng đôi khi, “muốn thứ bạn không có” lại tuyệt vời hơn là “có thứ bạn muốn”. Giữa việc chọn bảo tồn khao khát của mình, hay sở hữu thứ mình muốn, nhiều người lại chọn vế trước thay vì vế sau.
Bởi cái bạn có, để lâu rồi cũng sẽ chán, sẽ nhạt, sẽ mất thú vị. Nhưng với cái bạn không có được, bạn sẽ càng khao khát, càng mong ngóng, càng hy vọng.
Giây phút hạnh phúc nhất khi mua đồ không hẳn là khi nhận được hàng, nó là lúc chờ mong từng phút món đồ của mình sắp đến. Chính khoảnh khắc chờ đón giao thừa mới khiến giao thừa trở nên thật đặc biệt.
Sách Khi người ấy nói lời yêu, có rất nhiều điều bạn nên nghĩ. Ảnh: Ibooks. |
Do vậy, một cách để bạn tăng khoái lạc khi đi du lịch là tập trung vào thời gian chờ đến ngày khởi hành. Đọc qua những bài viết về nơi mình sắp đến, ngắm nhìn ảnh các món ăn mình sắp thưởng thức, tưởng tượng bãi biển mát lạnh cùng bầu không khí trong lành.
Bằng cách này, bạn cho phép trí tưởng tượng dạt dào được tự do tuôn chảy, trước khi nó bị chặn lại vì va chạm với hiện thực. Bất lợi của việc có một thứ trong tay là không còn được mơ về nó trong tâm trí nữa. Bạn chỉ mơ ước thứ mà bạn không có.
Đôi khi, được mơ còn tuyệt hơn là phải tỉnh. Nhà phân tâm học Anna Freud nhận xét: “Trong giấc mơ, chúng ta có thể nhận được món trứng chiên chính xác theo cách mình thích, chỉ là chúng ta không thể ăn chúng”.
Bạn muốn cảm tưởng ngon miệng hay bạn muốn no bụng? Bạn muốn một tình yêu đẹp như mơ, hay một tình yêu có thật? Phúc cho những ai đang có cả hai.
Không hẳn là thực tại phũ phàng, chỉ là thực tại không bao giờ đáp ứng chính xác những gì bạn mong muốn. Sẽ luôn có sự trật khớp, sẽ luôn có cảm giác chưa đúng lắm, sẽ luôn còn chút dư vị của bất mãn. Nhờ vậy mà ham muốn của bạn được tiếp tục sinh ra, và bạn tiếp tục tìm cách thỏa mãn nó ở cuộc đời này.
Trong Hoàng Tử Bé, chú cáo hiểu rất rõ bí mật của sự trông chờ này. Quy tắc bảo vệ chúng ta khỏi sự rối loạn ham muốn.
“Nếu cậu đến vào lúc bốn giờ chiều, thì từ ba giờ tớ đã bắt đầu vui sướng rồi. Thì giờ càng trôi đi, tớ càng cảm thấy vui sướng hơn. Tới lúc bốn giờ, tớ đã bồn chồn và lo lắng rồi: Tớ sẽ hiểu được cái giá của hạnh phúc! Nhưng nếu cậu đến vào bất kỳ lúc nào, tớ sẽ chẳng bao giờ biết khi nào thì nên sửa soạn cho trái tim của tớ. Cần phải có nghi thức".
Sống là vượt lên những khao khát nhất thời. Chìm trong ham muốn, bạn đánh mất cuộc đời lúc nào chẳng hay. Nếu những ngày cách ly lịch sử dạy cho chúng ta một bài học, đó là bạn không thực sự muốn cái mà bạn nghĩ là mình muốn.
Bạn ao ước được nghỉ học thật nhiều, được cúp học cả tháng, nhưng rồi bạn chỉ muốn đi học lại. Vậy bạn muốn nghỉ học, hay chỉ là bạn muốn nghỉ ngơi?
Chỉ đến khi có được thứ tưởng là mình muốn, ta mới nhận ra rằng đó không hẳn là cái ta muốn. Chỉ đến khi có nhiều tiền, chúng ta mới gật gù phát biểu rằng tiền chưa chắc đã mang lại hạnh phúc. Chưa trải nghiệm thì ta chưa có quyền khẳng định sự thật, nhưng vì vậy ta lại có quyền bóp méo sự thật.
Thứ bạn có không bao giờ thỏa mãn điều bạn muốn. Không phải tại nó, mà tại bạn không biết đích xác thứ bạn muốn là gì (và hiếm ai thực sự biết). Khi uống nước, bạn nghĩ mình sẽ hết khát, nhưng càng uống, bạn lại càng phải uống thêm. Càng rót nước, bình lại càng vơi, và bạn lại phải tiếp tục rót nước vào bình.
Đây cũng là công thức để tạo ra một cơn nghiện. Đừng bao giờ cho đi toàn bộ thứ bạn hứa mình sẽ cho, và hãy chỉ hứa những điều không thể. Nếu chỉ bán sản phẩm hữu hình, bạn sẽ mãi không thể giàu kếch xù. Nếu bạn rao bán ham muốn, đó mới là công thức để có tiền tiêu không bao giờ hết.