Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Canada, Trung Quốc đấu khẩu tại LHQ vì vụ bà Mạnh Vãn Châu

Quan chức Canada và Trung Quốc lời qua tiếng lại tại Liên Hợp Quốc, sau khi ngoại trưởng Canada nhắc tới việc 2 công dân nước này vừa được Trung Quốc trả tự do.

“Canada đề cao pháp quyền, và hai công dân Canada đã phải trả giá đắt vì cam kết ấy. Chúng tôi tiếp tục phản đối cách hai người này bị đối xử”, Ngoại trưởng Canada Marc Garneau ngày 27/9 nói trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, theo CNN.

Ông Garneau đang nhắc tới việc hai người Canada, Michael Spavor và Michael Kovrig, bị bắt vào tháng 12/2018, chỉ ít ngày sau khi bà Mạnh Vãn Châu, giám đốc tài chính tập đoàn Huawei, bị bắt giữ tại sân bay Vancouver theo yêu cầu của Mỹ.

Khi bắt bà Mạnh, Canada đã “áp dụng cả luật pháp Canada và luật pháp quốc tế sau khi có yêu cầu dẫn độ một công dân Trung Quốc”, ông Garneau nói.

manh van chau anh 1

Ngoại trưởng Canada Marc Garneau có bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại New York (Mỹ) vào ngày 27/9. Ảnh: UNTV.

Sau phát biểu của ông Garneau, tới tối 27/9, đại diện của phái đoàn Trung Quốc tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc cáo buộc Mỹ và Canada tùy tiện giam lỏng bà Mạnh mà không có “căn cứ pháp lý”.

“Mục đích thực sự là đánh phủ đầu các công ty và doanh nghiệp công nghệ cao của Trung Quốc, từ đó níu chân bước tiến công nghệ - khoa học Trung Quốc”, Liu Yang, tham tán của phái đoàn Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc, nói. “Hành động của Mỹ và Canada là điển hình cho việc bắt bớ tùy tiện”.

Màn đấu khẩu xảy ra chỉ vài ngày sau khi bà Mạnh được trở về Trung Quốc vào ngày 25/9. Ít lâu sau, Canada cũng cho biết hai ông Spavor và Kovrig đã được nhà chức trách Trung Quốc trả tự do.

Trung Quốc luôn khẳng định việc hai công dân Canada bị bắt giữ không liên quan tới sự việc của bà Mạnh và cáo trạng của hai người này có đủ căn cứ.

“Chúng tôi hy vọng Canada có thể thẳng thắn đối diện sự thật, sửa sai và rút kinh nghiệm để không phạm phải sai lầm khác”, ông Liu nói.

Đáp trả, một đại diện phái đoàn Canada tại Liên Hợp Quốc cho biết bà Mạnh được đối xử bằng sự độc lập tư pháp và pháp quyền. Vị này còn chỉ ra rằng “bà ấy từng cảm ơn tòa án khi phát biểu bên ngoài trụ sở tòa Vancouver”.

Trong khi đó, các công dân Canada bị giam giữ tại Trung Quốc “không được hưởng sự minh bạch, tôn trọng, xét xử đúng quy trình hay sự độc lập tư pháp như thế”, quan chức Canada nhận định.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục phản đối việc bắt giữ tùy tiện trong quan hệ giữa các nước với nhau”, vị đại diện phái đoàn Canada nói.

Trả lời một lần nữa, tham tán Liu cho biết “không thể chấp nhận” điều đối phương vừa nói.

“Sự thật không thể bị chối bỏ, luật pháp không thể bị xúc phạm. Chúng tôi tin rằng lịch sử sẽ đưa ra lời phán xét cuối cùng”, ông Liu nói.

Sau khi bà Mạnh Vãn Châu đạt thỏa thuận nhận tội với nhà chức trách Mỹ, yêu cầu của Mỹ về việc dẫn độ bà từ Canada cũng bị hủy. Bà lên máy bay trở về Trung Quốc không lâu sau đó. Tại quê nhà, báo South China Morning Post mô tả bà được chào đón như "người hùng", trong khi Bắc Kinh ca ngợi việc bà Mạnh được trả tự do là một chiến thắng ngoại giao của nước này.

Nhà Trắng bác bỏ chuyện 'hoán đổi tù nhân' khi thả bà Mạnh Vãn Châu

Thư ký báo chí Jen Psaki hôm 27/9 nói vụ việc của bà Mạnh Vãn Châu là một "vấn đề pháp lý" và bác bỏ cáo buộc "hoán đổi tù nhân" với 2 người Canada bị Trung Quốc giam giữ.

Ngoại trưởng Garneau: Canada nhìn thấu cách quan hệ với Trung Quốc

Sau 3 năm sóng gió với Bắc Kinh vì vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu, Ngoại trưởng Canada Marc Garneau nói nước này hiểu rõ cách ứng xử với Trung Quốc.

Quốc Đạt

Bạn có thể quan tâm