Theo Ngoại trưởng Garneau, chính phủ Canada lúc này có chiến thuật tiếp cận gồm 4 bước đối với Trung Quốc: Chung sống, cạnh tranh, hợp tác và thách thức, theo CBC News ngày 26/9.
Ngoại trưởng Garneau đưa ra nhận xét như trên chỉ vài ngày sau khi bà Mạnh Vãn Châu, giám đốc tài chính của tập đoàn Huawei, được trả tự do về Trung Quốc.
Trước đó, bà Mạnh đạt thỏa thuận với công tố viên Mỹ để kết thúc vụ án lừa đảo ngân hàng mà bà là nghi phạm. Thỏa thuận này đặt dấu chấm hết cho trận chiến dẫn độ kéo dài gần 3 năm của bà Mạnh tại tòa án Canada.
Một người ủng hộ cầm biển báo dán ảnh Michael Kovrig và Michael Spavor - hai công dân Canada bị nhà chức trách Trung Quốc bắt giam chỉ ít ngày sau vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu tại Vancouver. Ảnh: Canadian Press. |
Ít lâu sau khi bà Mạnh về nước, Michael Kovrig và Michael Spavor - hai công dân Canada bị Trung Quốc giam giữ vào tháng 12/2018, vài ngày sau vụ bắt giữ của bà Mạnh - cũng được Bắc Kinh trả tự do.
“Không có con đường tiến tới quan hệ bình thường với Trung Quốc chừng nào hai người này vẫn còn bị bắt giữ”, ông Garneau nói.
Sau hơn 1.000 ngày bị biệt giam, ông Kovrig và Spavor trở về Canada vào ngày 25/9. Hai ông được Ngoại trưởng Garneau và Thủ tướng Canada Justin Trudeau chào đón.
Kể cả trước khi có vụ bắt giữ của bà Mạnh, việc Canada liên tục đặt câu hỏi về một số vấn đề nội bộ cũng khiến Trung Quốc khó chịu. Hai nước vì thế không thể sát lại gần nhau hơn, theo Reuters.
Trung Quốc luôn phủ nhận vụ dẫn độ của bà Mạnh và vụ bắt giữ hai công dân Canada không có bất cứ mối liên hệ nào với nhau.
Nhưng Ngoại trưởng Garneau cho rằng “việc hai ông Michael ngay lập tức được trở về đã thể hiện” mối liên hệ “rất trực tiếp” với vụ việc của bà Mạnh.