South China Morning Post ngày 28/9 dẫn lời bà Jen Psaki cho biết: "Bộ Tư pháp độc lập trong chính quyền Mỹ. Đây là một vấn đề pháp lý".
Tuyên bố của bà Psaki đáp lại chỉ trích từ phía đảng Cộng hòa. Các đảng viên này cho rằng quyết định của Bộ Tư pháp đối với bà Mạnh Vãn Châu thể hiện chính quyền Tổng thống Joe Biden đã đầu hàng trước áp lực từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, bà Psaki khẳng định cách giải quyết vụ việc của bà Mạnh không tác động đến “chính sách thực chất” của Mỹ đối với Trung Quốc.
“Đây là một quan hệ cạnh tranh. Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác cùng các đồng minh trên toàn thế giới để buộc (Trung Quốc) phải chịu trách nhiệm về các hành động của mình”, bà Psaki cho biết.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki. Ảnh: Reuters. |
Sau gần 3 năm bị quản thúc tại gia ở Vancouver, bà Mạnh Vãn Châu (Giám đốc tài chính và con gái của Nhậm Chính Phi - người sáng lập Huawei) được trả tự do hôm 24/9, sau khi thừa nhận hành vi sai trái (nhưng không có tội) trong một vụ án liên quan đến cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran.
Thỏa thuận Huawei đạt được với các công tố viên Mỹ đã khép lại hơn 2 năm đấu tranh pháp lý và chấm dứt cuộc chiến đòi dẫn độ bà Mạnh về Mỹ.
Sau đó, Trung Quốc đã thả 2 người Canada nước này giam giữ. Michael Kovrig và Michael Spavor bị tạm giam vài ngày sau khi bà Mạnh bị bắt ở sân bay Vancouver vào tháng 12/2018.
Theo bà Psaki, Trung Quốc đã liên tục thực hiện cam kết với các đối tác Mỹ từ khi bà Mạnh bị bắt. Đồng thời, vụ việc cũng được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Biden nêu ra khi hai người hội đàm vào đầu tháng.
Bà Psaki bác bỏ thông tin về một thương vụ "hoán đổi tù nhân" và nói rằng "không có mối liên hệ nào" giữa hai trường hợp trên.