Trước thềm 2 trận vòng loại World Cup với Nhật Bản và Saudi Arabia vào giữa tháng 11, HLV Park Hang-seo đã quyết định gọi Hùng Dũng trở lại tuyển Việt Nam. Anh nhiều khả năng chưa ra sân ngay tại vòng loại World Cup. Ông Park dự định trực tiếp đánh giá chấn thương, kiểm tra phong độ của Hùng Dũng trong đợt tập huấn tại Bà Rịa - Vũng Tàu.
Quả bóng vàng Việt Nam 2019 có thể được sử dụng trong chiến dịch bảo vệ ngai vàng AFF Cup vào tháng 12.
Câu hỏi là Dũng có sẵn sàng để thi đấu ở tháng 12?
Hùng Dũng đang là tiền vệ trung tâm số một Việt Nam ở thời điểm dính chấn thương. Ảnh: Minh Chiến. |
Hùng Dũng sẵn sàng?
Sau khi dính chấn thương hồi tháng 3, Hùng Dũng đã được phẫu thuật và liên tục điều trị. Những tháng gần đây, Hùng Dũng đến PVF và tập hồi phục theo chương trình của trung tâm này.
Ngày 12/7, PVF đưa ra đánh giá ban đầu về Hùng Dũng và cung cấp cho cầu thủ này chương trình hồi phục để trở lại tập luyện với bóng trong 16 tuần. Tuyển Việt Nam sẽ gặp Nhật Bản và Saudi Arabia vào giữa tháng 11, đúng thời điểm Hùng Dũng kết thúc chương trình này.
Đến ngày 30/10, Bộ phận Y tế - Vật lý Trị liệu của PVF tiếp tục báo cáo: “Hiện tại, Hùng Dũng hoàn toàn hết đau, đồng thời cầu thủ cũng đã hồi phục sức mạnh cơ, độ linh hoạt, thăng bằng và sự tự tin ở phần chân chấn thương”.
Theo nguyên tắc “tăng dần”, PVF khuyến nghị Hùng Dũng nên có một giai đoạn chuyển tiếp trong 2 tuần để trở lại với cường độ tập luyện bình thường.
Tiếp đó, Dũng nên có 3-4 tuần trước khi thi đấu chính thức.
Điều đó nghĩa là Hùng Dũng cần khoảng 6 tuần tính từ cuối tháng 10 để đủ khả năng ra sân. Anh chỉ đạt trạng thái thể chất lý tưởng vào giữa tháng 12, thời điểm AFF Cup 2020 đã đi được nửa chặng đường.
Đồng quan điểm với báo cáo từ PVF, bác sĩ Phạm Quốc Hùng, người thực hiện ca phẫu thuật cho Hùng Dũng hồi đầu năm, tin cầu thủ này cần làm quen lại với các va chạm, đá giao hữu nhiều trước khi trở lại thi đấu chính thức. Ông Hùng nói với Zing: “Tôi có trao đổi với Hùng Dũng về tình hình chấn thương. Cậu ấy tập nặng, thực hiện các động tác như bật cao, nhảy xa đều ổn, không còn dấu hiệu đau nhói. Tôi cũng xem qua phim chụp mà bác sĩ của PVF gửi qua và thấy Hùng Dũng đã bình phục”.
“Nhưng Hùng Dũng cần trở lại từ từ, đá giao hữu nhiều để làm quen với va chạm. Bên cạnh đó, Hùng Dũng chú ý tập lại cơ vì sau một khoảng thời gian dài không thi đấu, các nhóm cơ còn yếu và dễ gây chấn thương”, bác sĩ Hùng nhấn mạnh.
HLV Park Hang-seo dành rất nhiều quan tâm cho Hùng Dũng từ thời điểm anh dính chấn thương. Ảnh: VFF. |
Bài học Văn Hậu, Đình Trọng
Báo cáo của PVF cho thấy tuyển Việt Nam cần đặc biệt cẩn trọng với chấn thương của Hùng Dũng. Bản thân tiền vệ này cũng cần lưu ý để tránh mắc phải các tiền lệ trước đó, điển hình là trường hợp của Trần Đình Trọng.
Ở U23 châu Á 2020, Đình Trọng trở lại thi đấu khi chưa đạt 100% thể trạng. Anh đá đủ cả 3 trận, trong đó có lần chơi trọn 90 phút ở trận quyết định của U23 Việt Nam với CHDCND Triều Tiên. Sau giải đấu, Đình Trọng tái phát chấn thương. Hai mùa V.League vừa qua, Trọng chỉ vào sân 5 trận.
Văn Hậu cũng ở tình trạng tương tự. Anh đá cả 3 trận vòng loại World Cup hồi tháng 6 khi chưa đạt trạng thái thể lực sung mãn. Giống với trường hợp của Hùng Dũng, Hậu cũng nhận được báo cáo chấn thương từ PVF, đề nghị cầu thủ này thận trọng hơn trong quá trình trở lại.
Sau vòng loại, Hậu tái phát chấn thương, chưa chơi thêm trận nào và đang chờ sang Hàn Quốc phẫu thuật. Anh chắc chắn vắng mặt trong phần còn lại của mùa 2021 và đầu mùa 2022.
Bác sĩ Phạm Quốc Hùng nói: “Vấn đề bây giờ là tâm lý của Hùng Dũng còn dè dặt, ngại va chạm. Hùng Dũng đang ngại mắc phải vấn đề như Đình Trọng, Văn Hậu. Đó là trở lại sớm và tái phát chấn thương”.
Tuyển Việt Nam hiện còn 2 trận vòng loại World Cup giữa tháng 11 và kỳ AFF Cup vào tháng 12. Sau những thất bại liên tiếp ở sân chơi châu lục, HLV Park Hang-seo muốn cùng đội tuyển bảo vệ thành công ngai vàng AFF Cup vào cuối năm. Muốn đạt được điều đó, ông Park cần có trong tay những con bài tốt nhất.