U23 Việt Nam (nhất bảng I, 6 điểm): Hai thắng lợi với cùng tỷ số 1-0 trước Đài Loan (Trung Quốc) và Myanmar đưa U23 Việt Nam tới vòng chung kết U23 châu Á lần thứ tư liên tiếp. Trong 3 lần tham dự trước, thành tích tốt nhất của U23 Việt Nam là á quân giải đấu năm 2018 trên đất Trung Quốc. |
Qatar (nhất bảng A, 7 điểm): Đất nước sở hữu học viện đào tạo trẻ lừng danh Aspire tiếp tục cho thấy truyền thống đào tạo khi đứng đầu, bất bại trong bảng đấu có Syria và Yemen. 4 kỳ U23 châu Á được tổ chức, Qatar có 2 lần vào bán kết hồi năm 2016 và 2018. Tuyển Qatar đang là đương kim vô địch châu Á, nên các cầu thủ trẻ Qatar có lẽ cũng muốn làm được điều này. |
Iran (nhất bảng B, 9 điểm): Nền bóng đá thường được coi là số một Tây Á chứng tỏ thực lực bằng 3 trận toàn thắng trong đó có thắng lợi 3-2 trước chủ nhà vòng loại Tajikistan. Thật kỳ lạ khi U23 Iran chưa từng có mặt ở tốp 4 U23 châu Á. Việc Iran không quá quan tâm tới giải đấu này sẽ khiến đội tuyển trẻ của họ khó tiến xa ở vòng chung kết. |
Tajikistan (nhì bảng B, 6 điểm): Các chiến thắng trước Lebanon và Nepal giúp Tajikistan giành quyền dự U23 châu Á lần đầu tiên trong lịch sử. Trước đó, thành tích đáng kể nhất của U23 Tajikistan trong lịch sử là vòng 16 đội Asian Games 2014 tại Hàn Quốc. |
Iraq (nhất bảng C, 6 điểm): Đè bẹp Bahrain và Maldives với tổng tỷ số 7-0, Iraq là trường hợp ngược lại với Iran. Không mạnh bằng đối thủ ở cấp đội tuyển, nhưng bóng đá Iraq cực kỳ đáng gờm trên mặt trận trẻ. Tuyển Iraq cũng là nhà vô địch đầu tiên trong lịch sử U23 châu Á vào năm 2013. |
Kuwait (áo xanh, nhất bảng D, 6 điểm): U23 Kuwait buộc ông lớn Saudi Arabia phải giành vé đi tiếp thông qua cửa cho đội nhì bảng. U23 châu Á 2022 mới là lần thứ hai trong lịch sử, bóng đá Kuwait giành được quyền tham dự giải. |
Saudi Arabia (nhì bảng D, 3 điểm): Trận thua Kuwait khiến Saudi Arabia nín thở chờ tới ngày cuối cùng của vòng loại mới có vé đi tiếp. U23 Saudi Arabia đã có 2 lần giành ngôi á quân châu Á và có lẽ muốn đổi màu huy chương tại giải đấu tới. |
UAE (nhất bảng E, 6 điểm): UAE là đội tuyển lớn hiếm hoi tại vòng loại phải chịu thất bại. Thua Kyrgyzstan 1-2 ở trận đầu, đội bóng Tây Á nỗ lực để có thắng lợi trước Ấn Độ, Oman và đi tiếp với ngôi đầu bảng. U23 UAE chính là đối thủ đầu tiên của thầy trò ông Park Hang-seo ở vòng chung kết U23 châu Á 2020 trên đất Thái Lan. Trận đó, hai đội hòa không bàn thắng. |
Jordan (nhất bảng F, 4 điểm): Ở bảng này, chỉ Palestine dừng bước. Hai tên tuổi còn lại của Tây và Trung Á đều đi tiếp sau những kết quả khả quan. Jordan (áo đỏ) đứng đầu bảng với 4 điểm. |
Turkmenistan (nhì bảng F, 3 điểm): Thắng Palestine 3-1 giúp U23 Turkmenistan lần đầu tiên trong lịch sử có vé dự vòng chung kết U23 châu Á. Đây cũng là lần đầu từ sau Asian Games 2010, đội U23 Turkmenistan được dự một giải châu lục. |
Australia (nhất bảng G, 6 điểm): Việc cả U23 Trung Quốc và Brunei cũng rút lui khỏi vòng loại khiến bảng G được quyết định bởi hai trận loại trực tiếp giữa Australia và Indonesia. Đại diện Đông Nam Á chơi cố gắng nhưng vẫn thua chung cuộc 2-4. Đội trẻ Australia luôn được đánh giá cao nhưng thành tích tốt nhất của họ mới là hạng ba U23 châu Á 2020 ở Thái Lan. |
Hàn Quốc (nhất bảng H, 9 điểm): Đội tuyển giàu thành tích nhất và đang giữ ngai vàng U23 châu Á sẽ tiếp tục là ứng viên số một cho chức vô địch ở Uzbekistan mùa hè tới. Đội trẻ Hàn Quốc đè bẹp Singapore, Timor-Leste và Philippines, ghi 14 bàn, chỉ để lọt lưới một lần. |
Malaysia (nhất bảng J, 7 điểm): Ở bảng đấu này, lứa trẻ của Malaysia đã gây ấn tượng khi đứng đầu trước Thái Lan. U23 châu Á 2022 tại Uzbekistan là lần thứ hai bóng đá Mã Lai tham dự. |
Thái Lan (nhì bảng J, 5 điểm): Bóng đá Thái Lan sa sút nhiều khi phải chật vật vượt qua vòng bảng nhờ “ân huệ” từ đội tuyển cùng khu vực Lào. Họ chỉ thắng được Lào, hòa Mông Cổ và Malaysia. Thái Lan chưa từng chơi tốt ở U23 châu Á khi thành tích cao nhất của họ chỉ là vượt qua vòng bảng trên sân nhà hồi năm 2020. Ảnh: SMM Sports. |
Nhật Bản (nhất bảng K, 6 điểm): Giống như U23 Việt Nam, Nhật Bản chỉ phải chơi 2 trận ở bảng K sau khi CHDCND Triều Tiên rút lui. Đương nhiên, họ dễ dàng đè bẹp Campuchia và Hong Kong (Trung Quốc). Nhà vô địch U23 châu Á 2016 không chơi tốt ở 2 kỳ tổ chức gần nhất và cần chứng tỏ sức mạnh của nền bóng đá số một châu Á trong giải đấu tới. |
Uzbekistan (chủ nhà vòng chung kết): Những người đã đánh bại U23 Việt Nam trong đêm Thường Châu năm 2018 sẽ dự giải đấu năm sau với tư cách chủ nhà. Năm ngoái, U23 Uzbekistan cũng vào bán kết giải đấu trên đất Thái Lan. Dù không được tính điểm ở vòng loại, U23 Uzbekistan đã cầm hòa Saudi Arabia, đè bẹp Bangladesh và Kuwait. |
Danh sách 16 đội tuyển dự vòng chung kết U23 châu Á 2022. Thời gian lễ bốc thăm vòng chung kết chưa được ấn định. Giải ban đầu định tổ chức tại Trung Quốc. Nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nước này đã rút đăng cai. Tháng 3/2021, Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) công bố Uzbekistan là nước đăng cai sự kiện này. |