Văn Hậu làm thủ lĩnh các đội tuyển trẻ Việt Nam. Đó luôn là mong mỏi của các đội tuyển trẻ kể từ năm 2017 tới nay. 2017 cũng là thời điểm chứng kiến bước nhảy vọt về chuyên môn của Văn Hậu. Anh khoác áo ba đội tuyển quốc gia trong một năm, tỏa sáng ở SEA Games, ra mắt đội tuyển, đá chính tại CLB Hà Nội và thể hiện được tiềm năng hiếm thấy trong lịch sử nền bóng đá.
Văn Hậu sinh năm 1999, nhưng anh không góp mặt trong đội U23 hiện tại đá vòng loại U23 châu Á 2022 vì chấn thương. Ảnh: Minh Chiến. |
Dự định “quy hoạch” Văn Hậu làm thủ lĩnh cho U19 và U23 Việt Nam càng trở nên rõ ràng hơn khi Hậu trở thành trụ cột của lứa Thường Châu và tiếp tục rực sáng trong năm 2018 cùng 2019. Sau khi lứa 1997 của Quang Hải tạm biệt bóng đá trẻ, Hậu trở thành ngôi sao lớn cuối cùng còn đủ tuổi góp mặt trong đội hình lứa 1999.
Nhưng chấn thương và việc phải phân chia thời gian cho đội tuyển lớn khiến kế hoạch “thủ lĩnh Văn Hậu” chưa từng trở thành hiện thực.
Hậu đã vắng mặt trong phần lớn sự kiện của bóng đá Việt Nam năm 2020 và 2021 vì chấn thương. Anh cũng chưa từng góp mặt trong đội hình lứa U23 hiện tại dù anh lẽ ra phải là thủ lĩnh của đội bóng này. Không có Hậu, lứa U23 Việt Nam này bị đánh giá thiếu cả chất thủ lĩnh lẫn ngôi sao.
Thiếu thủ lĩnh nên mới phải chọn Đặng Văn Tới, trung vệ thậm chí không được đá chính, làm đội trưởng. Hai đội phó còn lại là Lý Công Hoàng Anh và Nguyễn Văn Toản. Người đầu tiên cũng bị thay ra trong trận vừa qua với U23 Đài Loan (Trung Quốc). Người thứ hai có những ký ức đáng quên ở tuyển quốc gia và cho thấy sự non nớt. Không một ai trong 3 cái tên này so sánh được với Văn Hậu về đẳng cấp hay kinh nghiệm.
Thiếu ngôi sao bởi đây là lần đầu tiên sau nhiều năm, không cầu thủ U23 nào lấy được suất đá chính ở đội tuyển. Người đó lẽ ra là Văn Hậu. Có Hậu, ông Park lẽ ra không cần thử nghiệm lên xuống cho vị trí trung vệ lệch trái, không cần mạo hiểm với cái tên non nớt như Liễu Quang Vinh hay kéo tiền đạo như Nhâm Mạnh Dũng về hàng thủ. U23 Việt Nam có lẽ cũng không băn khoăn nhiều thế về sơ đồ 3 trung vệ hay 2 trung vệ.
Không có một trung vệ lệch trái đẳng cấp khiến HLV Park liên tục phải thử nghiệm cho vị trí này với Liễu Quang Vinh và Nhâm Mạnh Dũng (áo đỏ). Ảnh: Minh Chiến. |
Nếu Văn Hậu góp mặt, U23 Việt Nam sẽ có hàng thủ với 3 tuyển thủ quốc gia cùng Văn Toản ở phía sau. Đó sẽ là khác biệt lớn.
Những lợi ích rõ ràng kể trên khiến các đội tuyển trẻ luôn có tâm lý chờ Văn Hậu trong các năm qua.
Khi U18 Việt Nam chuẩn bị dự giải Đông Nam Á 2017, HLV Hoàng Anh Tuấn ngày nào cũng được hỏi về thời điểm Văn Hậu góp mặt. Tương tự vậy, HLV Park Hang-seo liên tục phải suy nghĩ, cân đối chuyện sử dụng Hậu ở SEA Games 30 hay U23 châu Á tại Thái Lan.
Điều thú vị là không phải lần nào, sự chờ đợi Văn Hậu cũng đem tới trái ngọt.
Năm 2017, Hậu sang đá trận cuối cùng cho U18 Việt Nam trước Myanmar. Anh vào sân phút 53 thì đội thua hai bàn ở phút 74, 86 và thất bại 1-2 chung cuộc. U18 Việt Nam dừng bước tại vòng bảng.
Nhưng năm 2019, Hậu hy sinh cơ hội ở Heerenveen để đá SEA Games. Anh có giải đấu đại thành công với đỉnh cao là cú đúp trong trận chung kết trước U22 Indonesia.
Hậu vệ sinh năm 1999 sắp sang Hàn Quốc phẫu thuật. Nếu tiến trình hồi phục thuận lợi, anh sẽ trở lại vào đầu năm 2022. Năm tới cũng là cơ hội cuối cùng cho Hậu ở tuyển U23 với các giải đấu tại SEA Games, Asian Games và U23 châu Á 2022.
Bảng xếp hạng I vòng loại U23 châu Á 2022. Ảnh: Flashscore. |