Một người có mặt tại sân bay để check-in. Ảnh: Duy Hiệu. |
Trong bản tin tuần vừa qua, Cục An toàn thông tin (ATTT) - Bộ Thông tin & Truyền thông, tiếp tục cảnh báo một số hình thức lừa đảo trực tuyến đáng chú ý tại Việt Nam.
Hiện nay, xuất hiện nhiều thủ đoạn lừa đảo nhắm vào người có nhu cầu du lịch, về quê dịp lễ 30/4 – 1/5. Bên cạnh đó, các trường hợp bị lừa bằng deepfake hoặc mạo danh cơ quan Nhà nước vẫn chưa dừng lại.
Các chiêu trò lừa đảo du lịch dịp lễ
Dịp 30/4 – 1/5, nhu cầu sử dụng dịch vụ của người dân tăng cao. Theo Cục ATTT, kỳ nghỉ lễ năm nay kéo dài nên người dân có nhiều kế hoạch du lịch, nghỉ dưỡng.
Lợi dụng thời điểm này, các đối tượng tung hàng loạt chiêu trò lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản. Đầu tiên, chúng có thể làm giả ảnh chụp biên lai, hoá đơn thanh toán cùng con dấu công ty. Sau khi nạn nhân chuyển khoản thanh toán dịch vụ du lịch, đối tượng sẽ chặn liên lạc và xóa mọi dấu vết.
Tiếp theo, kẻ lừa đảo có thể chạy quảng cáo bài viết bán tour du lịch, phòng khách sạn giá rẻ, nhiều ưu đãi kèm theo. Khi có người tiếp cận, chúng mời chào và đề nghị nạn nhân chuyển tiền cọc (30-50% giá trị).
Sau khi đặt cọc, đối tượng yêu cầu nạn nhân tự khai thông tin, hoàn thiện hồ sơ... nhằm đánh cắp thông tin cá nhân và chiếm đoạt tài sản.
Cảnh báo chiêu trò lừa đảo du lịch dịp lễ 30/4 - 1/5. Ảnh: Cục ATTT. |
Một chiêu trò khác, kẻ lừa đảo dẫn dụ nạn nhân với bài viết quảng cáo dịch vụ làm visa (thị thực) du lịch nước ngoài, cam kết tỷ lệ thành công cao, hoàn trả 100% số tiền nếu không xin được visa.
Khi nạn nhân chuyển khoản chi phí hoặc một phần chi phí, các đối tượng yêu cầu khai thông tin, hoàn thiện hồ sơ... Sau đó, chúng lấy lý do khai thiếu thông tin và không trả lại tiền.
Ngoài ra, đối tượng có thể tạo website, fanpage mạo danh các công ty du lịch, đại lý vé máy bay uy tín. Cuối cùng, một số người có thói quen đặt vé tàu online để du lịch hay về quê, khi nhận thẻ lên tàu bị cạo sửa thông tin như giá vé, đối tượng khuyến mãi, ngày đi tàu, ga đi và đến... nên không có giá trị.
Trước tình trạng trên, Cục ATTT khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác. Cần tìm hiểu kỹ thông tin khi chọn gói du lịch, nên sử dụng dịch vụ đặt tour, phòng khách sạn, vé máy bay của công ty du lịch uy tín, lựa chọn trang mạng xã hội có tick xanh (tài khoản đã đăng ký).
Khi sử dụng dịch vụ, người dân có thể đề nghị xem giấy phép hoạt động kinh doanh, giấy tờ, chứng chỉ hành nghề... của công ty lữ hành, du lịch. Cảnh giác các gói du lịch, phòng khách sạn, vé máy bay quá rẻ.
Với website của công ty du lịch, chú ý tên miền để nhận biết website giả mạo. Thông thường, tên miền các website giả gần giống website thật, nhưng có thêm một số ký tự.
Sau khi đặt phòng khách sạn hoặc vé máy bay, nên xác nhận thông tin đặt phòng (từ khách sạn đã đặt), thông tin vé máy bay (từ hãng). Đồng thời, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực cần cảnh giác phát hiện trang web, tài khoản giả mạo doanh nghiệp, kịp thời tố cáo cơ quan chức năng để ngăn chặn xử lý.
Khi phát hiện các hành vi có dấu hiệu lừa đảo, người dân nhanh chóng trình báo cơ quan công an gần nhất để xử lý theo đúng pháp luật.
Lừa đảo bằng deepfake
Deepfake đã trở thành mối đe dọa với không gian mạng tại Việt Nam. Các tội phạm mạng thường sử dụng cuộc gọi video deepfake để mạo danh cá nhân, hỏi vay người thân, bạn bè số tiền lớn cho những trường hợp cấp bách.
Với chiêu trò này, đối tượng làm giả hoặc chiếm đoạt tài khoản của người dùng mạng xã hội. Sau đó, chúng liên lạc người thân trong danh sách bạn bè, cho biết đang mắc kẹt khi du lịch tại nước ngoài và cần một khoản tiền ngay lập tức.
Để tạo lòng tin, đối tượng sử dụng deepfake, công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm tạo video với hình ảnh, khuôn mặt giống hệt người muốn giả mạo.
Cảnh báo lừa đảo bằng công nghệ deepfake. Ảnh: Cục ATTT. |
Chúng gọi video để nạn nhân tưởng rằng đang nói chuyện với người thân và nhu cầu vay tiền có thật, từ đó chuyển tiền cho các đối tượng.
Để phòng tránh tình trạng trên, Cục ATTT khuyến cáo người dân sử dụng các công cụ AI nhận diện deepfake như Intel FakeCatcher, Microsoft Video Authenticator...
Với video deepfake, một số công cụ giúp nhận diện chuyển động không khớp giữa khuôn miệng và lời thoại, hoặc phát hiện lưu lượng máu bất thường dưới da bằng cách phân tích độ phân giải video vì khi tim bơm máu, tĩnh mạch của con người sẽ đổi màu. Người dùng cũng có thể phát hiện deepfake nhờ watermark.
Ngoài ra, cần đặc biệt nâng cao cảnh giác, không cung cấp CCCD, tài khoản ngân hàng hay OTP, không chuyển tiền cho người lạ qua điện thoại, mạng xã hội hay các website có dấu hiệu lừa đảo.
Khi nhận yêu cầu cho vay, chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng qua mạng xã hội, nên xác thực bằng cách gọi điện thoại hoặc những kênh liên lạc khác.
Mạo danh BHXH Việt Nam để lừa đảo
Lợi dụng lòng tin vào chính sách Bảo hiểm xã hội (BHXH) và Bảo hiểm Y tế (BHYT), một số đối tượng giả danh người của BHXH Việt Nam nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản người dân khi làm các thủ tục liên quan đến BHXH, BHYT.
Một trong những nạn nhân của hình thức trên, anh N.T.T. (ngụ phường Hiệp Thành, quận 12, TP.HCM) sử dụng mạng xã hội, bị đối tượng mạo danh nhân viên BHXH lừa đảo chuyển tiền để được giảm trùng BHXH, cắt giảm quá trình đóng trùng và hủy bỏ sổ BHXH.
Theo phản ánh, anh T. cho em trai mượn hồ sơ nhân thân của mình để đóng BHXH. Sau đó, anh T. truy cập Facebook, nhắn tin thông qua Messenger với tài khoản có tên Phạm Ngọc Anh (hiện đã bị khóa). Đối tượng này mạo danh nhân viên BHXH, tự nhận hỗ trợ tạo nộp và giải quyết các loại hồ sơ bảo hiểm.
Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo về chính sách BHXH. Ảnh: Cục ATTT. |
Qua trao đổi, tài khoản Phạm Ngọc Anh nhận giải quyết trường hợp của anh T., yêu cầu đóng phí 900.000 đồng. Do cả tin, nạn nhân cung cấp thông tin cá nhân, ảnh chụp CCCD và sổ BHXH.
Đối tượng lừa đảo gửi cho anh T. hình ảnh tiếp nhận hồ sơ có dấu đỏ, chữ ký xác nhận của người có tên “Nguyễn Vinh Quang - Phó Giám đốc BHXH Việt Nam”. Thực chất đây là tên mạo danh, BHXH Việt Nam không có chức danh này.
Do tin tưởng, anh T. chuyển tiền 2 lần vào tài khoản của đối tượng. Khi nhắn tin hỏi kết quả, đối tượng đã khóa tài khoản. Lúc này, nạn nhân liên hệ fanpage chính thức của BHXH Việt Nam mới biết mình bị lừa.
Theo Cục ATTT, tất cả dịch vụ do BHXH Việt Nam đang trển khai không cần trả phí. Khi thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến BHXH hay BHYT, người dân cần nâng cao cảnh giác để phòng tránh lừa đảo.
Người dân cần tăng cường trau dồi kiến thức về pháp luật, chính sách BHXH, BHTN, BHYT. Thường xuyên theo dõi thông báo của cơ quan chức năng về thủ đoạn phạm tội, lừa đảo trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Nếu có vướng mắc khi thực hiện thủ tục hành chính của BHXH Việt Nam, nên liên hệ trực tiếp cơ quan gần nhất để được hỗ trợ. Đồng thời, liên hệ Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc khách hàng qua hotline 1900.9068, hoặc số 0243.7899.999 trong giờ hành chính.
Hiện nay, BHXH Việt Nam chỉ có một fanpage được cấp tick xanh của Facebook, tại địa chỉ www.facebook.com/baohiemxahoi.gov.vn, người dùng cần lưu ý để tránh các trang giả mạo.
Những chiếc bẫy vô hình trên mạng xã hội
Cuốn sách Vũ trụ kĩ thuật số của giáo sư Kim Sang Kyun đã đi sâu phân tích, mổ xẻ một cách tường tận, những tác động các thiết bị thông minh, thế giới ảo và mạng xã hội trong cuộc sống hiện đại.