Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cần kiểm soát giá hàng hóa để hạn chế tình trạng trục lợi

Ban Dân nguyện kiến nghị cần có giải pháp kiểm soát giá cả hàng hóa, dịch vụ khi điều chỉnh giá xăng dầu nhằm hạn chế tình trạng "ăn theo" để trục lợi.

Tại phiên làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 14/3, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình nêu ra tình hình giá xăng dầu liên tục tăng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống người dân.

Theo ông Bình, cử tri và người dân vẫn kiến nghị về tình trạng giá xăng, dầu tăng kéo theo giá của nhiều loại hàng hóa, dịch vụ, chi phí khác tăng khiến đời sống, sản xuất người dân gặp khó khăn hơn.

Do đó, Ban Dân nguyện kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan có giải pháp quản lý, kiểm soát hiệu quả giá cả hàng hóa, dịch vụ khi thực hiện điều chỉnh giá xăng dầu.

"Việc này nhằm hạn chế tình trạng 'ăn theo' giá xăng dầu như hiện nay để trục lợi, đồng thời có sự quan tâm, có biện pháp hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp", ông Bình nói.

chung nhan F0 khoi benh de huong BHXH anh 1

Ban Dân nguyện kiến nghị cần có giải pháp kiểm soát hiệu quả giá cả hàng hóa, dịch vụ khi thực hiện điều chỉnh giá xăng dầu. Ảnh: Chí Hùng.

Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phạm Thanh Tùng cho rằng vấn đề bức xúc hiện nay mà chưa giải quyết được là nhiều người lao động mắc Covid-19 tự điều trị tại nhà gặp rất nhiều khó khăn khi xin giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) để làm căn cứ hưởng chế độ ốm đau vì thủ tục rườm rà, mất nhiều thời gian.

"Theo luật, phải có giấy chứng nhận của y tế cấp huyện trong khi các F0 được hướng dẫn là không khuyến khích tới các cơ sở y tế để khám chữa bệnh mà điều trị tại nhà để giảm nguy cơ lây nhiễm. Việc F0 điều trị tại nhà để xin được giấy chứng nhận là rất khó khăn”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nói.

Hiện, Bộ Y tế đề xuất với Chính phủ về việc công nhận 7 loại giấy tờ, trong đó có cả giấy chứng nhận của y tế xã, phường về cách ly… nhưng chưa có quyết định cuối cùng.

Theo ông Tùng, nếu Chính phủ không ra nghị quyết thì ủy quyền cho Bộ Y tế công nhận các loại giấy tờ đó để tháo gỡ khó khăn. Nếu còn vướng mắc, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, có quy định khác để thực hiện.

chung nhan F0 khoi benh de huong BHXH anh 2

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu ý kiến về việc cấp giấy xác nhận F0 khỏi bệnh. Ảnh: Quochoi.vn.

“Việc này phải được quan tâm vì ảnh hưởng đến quyền lợi của người mắc Covid -19 đang điều trị tại nhà. Đồng thời, các quy định phải thống nhất về cơ quan cấp giấy, thời hạn cấp, làm rõ người cách ly tại nhà không làm việc thì có được hưởng BHXH không", Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh.

Về quy định mua thuốc đặc trị Covid-19 phải có đơn của bác sĩ, ông Tùng cho rằng quy định này đúng nhưng trong bối cảnh người mắc Covid -19 chủ yếu điều trị tại nhà, khó tiếp cận được đơn thuốc của bác sĩ thì quy định “phải có đơn thuốc mới được mua lại rất vướng”.

Vì vậy, ông đề xuất nghiên cứu hướng dẫn phù hợp để tạo điều kiện cho F0 điều trị tại nhà được mua thuốc nếu cần nhưng vẫn quản lý được.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh các cơ quan hữu quan cần tập trung xử lý kiến nghị của cử tri gửi đến các kỳ họp của Quốc hội bởi tỷ lệ giải quyết kiến nghị còn thấp.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu các kiến nghị để sớm ban hành chương trình tổng thể phòng, chống dịch Covid-19 giai đoạn 2022-2023 song song với thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

F0 ở Hà Nội làm thủ tục hưởng bảo hiểm xã hội thế nào?

Việc làm thủ tục cho F0 nhận BHXH được hoàn tất trong 7 ngày kể từ khi có quyết định cách ly. Nhân viên y tế giám sát thông tin về ca bệnh qua hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp.

Mệt mỏi vì chờ phường cấp giấy chứng nhận F0

Một số phường tại Hà Nội quy định người dân mắc Covid-19 đến trạm y tế để xét nghiệm và lấy giấy quyết định được điều trị tại nhà.

Mỹ Hà

Bạn có thể quan tâm