Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

F0 ho, sốt 39 độ vẫn 'gánh' việc công ty

Trong phòng, ai cũng nhiễm bệnh, Thu là trưởng bộ phận nên buộc phải cố gắng để giải quyết. Công việc gia đình hầu như đều do chồng chị đảm đương.

Buổi sáng đầu tháng 3, Minh Phương thức dậy sớm, uống một ly nước ấm rồi chuẩn bị vào làm việc. Thông thường, vào giờ này anh đang có mặt ở cơ quan để thu âm cho chương trình phát thanh buổi sáng.

Tuy nhiên, từ ngày nhiễm Covid-19, anh phải làm việc tại nhà.

Công việc mang tính đặc thù

Ngày 26/2, sau nhiều ngày có dấu hiệu cảm sốt, anh Minh Phương (biên tập viên ở TP.HCM) xét nghiệm nhanh Covid-19 thì nhận kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.

Sau khi báo cho cơ quan, anh Phương ở nhà theo dõi tình hình sức khỏe và làm việc từ xa.

Người đàn ông 34 tuổi cho biết anh không lạ lẫm với chuyện làm việc từ xa, bởi trong thời điểm TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội, nhiều tháng liền anh không thể đến cơ quan. Tuy nhiên, làm việc trong tình trạng sức khỏe thiếu ổn định thì không đơn giản.

F0 lam viec tai nha anh 1

Anh Minh Phương làm việc tại nhà trong thời gian mắc Covid-19. Ảnh: Đ.X.

Không trực tiếp đi quay tại hiện trường hoặc ở đài, Phương vẫn trực tiếp biên tập tin, bài trên máy tính, đọc các chương trình phát thanh và phỏng vấn người dân qua ứng dụng Zoom.

Cơn sốt nóng lạnh, ho liên tục trong nhiều ngày liền ảnh hưởng không ít đến quá trình làm việc tại nhà.

“Ho nhiều khiến giọng tôi khàn, hơi khó để đọc tin, nhưng vẫn cố gắng để thu âm. Thật ra vẫn có thể nhờ đồng nghiệp thu âm giúp, nhưng thời điểm đó hầu như ai cũng đang nhiễm bệnh”, anh Phương chia sẻ.

Thấu hiểu khó khăn của nhân viên khi làm việc trong tình trạng sức khỏe không ổn định, lãnh đạo cơ quan anh Phương không gây áp lực, mà tạo điều kiện để anh thoải mái.

Sau khi khỏi bệnh, Phương tiếp tục cách ly tại nhà thêm một tuần trước khi trở lại làm việc. “Thật ra giờ âm tính rồi nhưng vẫn lo. Bạn của tôi, có người bị nhiễm 2 lần chỉ trong một tháng nên tôi cũng sợ sẽ bị tái nhiễm”, anh Phương nói.

Khó tìm người thay thế

Từ sau Tết Nguyên Đán, công ty của chị Duyên Thu (quận 5, TP.HCM) liên tục xuất hiện các ca mắc Covid-19. Dù khá lo lắng, người phụ nữ 31 tuổi cho biết cô vẫn phải đến văn phòng vì tính chất của công việc.

Đầu tháng 3, Thu bắt đầu có biểu hiện đau đầu, hắt hơi. Đỉnh điểm vào ngày 2/3, chị bị sốt cao 39 độ. Nằm nghỉ một lúc, Thu thực hiện xét nghiệm nhanh và nhận kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.

“Tôi tức tốc báo cho công ty. Cuối tuần, chúng tôi có lịch ghi hình cho khách hàng VIP mà tôi là người phụ trách chính nên tình hình hơi căng thẳng”, chị kể.

Duyên Thu được xác định mắc Covid-19 vào ngày 2/3, sau một thời gian tiếp xúc với F0 ở công ty. Ảnh: Đ.X.

Nhận được thông tin, các đồng nghiệp phân chia công việc để hỗ trợ. Sau khi bớt sốt, Thu ưu tiên giải quyết đầu mối công việc quan trọng, như liên lạc với nhà sản xuất để chốt báo giá, lên ý tưởng thực hiện; trao đổi với bộ phận tạo mẫu để chốt trang phục; làm việc với biên tập để chốt kịch bản quay hình phỏng vấn...

Tuy nhiên, vài ngày sau, các thành viên trong phòng của Thu cũng lần lượt mắc Covid-19, kể cả nhân viên chuẩn bị vào thử việc. Nhân sự vì thế thiếu hụt nghiêm trọng.

Khối lượng công việc lớn, nhưng trong phòng ai cũng nhiễm bệnh, chị Thu là trưởng bộ phận nên buộc phải cố gắng để giải quyết.

Thời gian đó, hầu như mọi công việc trong gia đình từ nấu nướng, giặt giũ, vệ sinh nhà cửa… đều do chồng của chị đảm đương.

“Dù rất muốn làm cho xong, nhưng sức khỏe không cho phép. Phải đến ngày thứ 4, thứ 5 , tôi mới ổn định hơn để ngồi vào máy tính giải quyết công việc”, chị Thu chia sẻ.

Đối mặt với những cơn sốt kéo dài, Thu cho rằng chỉ có thể nỗ lực hoàn thành công việc đúng thời hạn, chứ không thể đạt năng suất làm việc như lúc bình thường.

Ngày 8/3, khi có kết quả âm tính với nCoV, chị sẵn sàng trở lại văn phòng làm việc. Với người phụ nữ 31 tuổi, làm việc tại nhà trong thời gian mắc Covid-19 là một trải nghiệm khó quên.

Đề xuất của Bộ Y tế

Trước bối cảnh ca nhiễm liên tục tăng cao, ngày 5/3, Bộ Y tế đã có đề xuất về việc cho F0 và F1 đi làm trong thời gian cách ly.

Theo đó, F0 không triệu chứng, đang trong thời gian cách ly (7 ngày từ ngày dương tính và chưa âm tính), được tự nguyện tham gia làm việc. Các đơn vị, địa phương có thể xem xét bố trí cho F0 làm việc trực tuyến, không tiếp xúc trực tiếp với người xung quanh.

Với F1 chưa tiêm đủ liều vaccine, Bộ Y tế đề xuất cho phép tham gia công việc cấp bách của đơn vị, địa phương thông qua hình thức trực tuyến hoặc trực tiếp.

Trong trường hợp làm việc trực tiếp, cơ sở làm việc phải bố trí, thiết lập khu vực dành riêng, đảm bảo khoảng cách, không tập trung đông người và thoáng khí để giảm nguy cơ lây nhiễm.

Theo phương án đề xuất, những người này được phép di chuyển bằng phương tiện cá nhân thẳng từ nơi cách ly đến khu vực làm việc được bố trí sẵn và ngược lại.

Ngoài ra, các F1 này cần thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp rRT-PCR hoặc phát hiện kháng nguyên vào ngày thứ 5 kể từ ngày phơi nhiễm cuối cùng hoặc ngay khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe.

Việc này nhằm phát hiện sớm và triển khai biện pháp xử lý y tế đối với trường hợp mắc Covid-19 theo quy định.

Món quà ‘chanh sả’ cho nữ F0

Mắc Covid-19, Minh Thủy dọn ra phòng riêng để cách ly với người trong gia đình. Ngày Quốc tế Phụ nữ dù không vui chơi cùng gia đình, Thủy vẫn nhận được một món quà đặc biệt.

Bên trong những căn hộ mẹ là F0, con F1

Biết mẹ mắc Covid-19, hai con chị Uyên lấy bàn chải đánh răng, khăn mặt, quần áo... ra khỏi phòng. Nhưng đến tối, bé em khóc ầm ĩ, đòi “con muốn chạm vào mẹ một tý”.

Chuyên gia nói về đề xuất bỏ cách ly F1, cho F0 làm việc

Sau 5 tháng không cách ly F1, số ca nặng và tử vong tại Singapore vẫn ở mức thấp. Chuyên gia cho rằng Việt Nam nên bỏ cách ly F1 và tán đồng nhiều đề xuất tiến bộ của Bộ Y tế.

Toàn Nguyễn

Bạn có thể quan tâm