Sau khi thông báo với nhân viên y tế phường rằng chồng mình đã có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 khi xét nghiệm nhanh tại nhà, chị H.Y. (trú phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa, Hà Nội), nhận được yêu cầu hai vợ chồng phải lên trạm y tế để làm xét nghiệm lại và lấy giấy xác nhận cách ly tại nhà.
"Tôi thắc mắc mình là F1 thì sao phải lên trạm y tế xét nghiệm, trong khi chồng tôi là F0 thì đi ra ngoài như vậy có an toàn cho người khác?", chị Y. đặt câu hỏi.
Tương tự chị Y., người dân ở nhiều phường thuộc Hà Nội băn khoăn khi phải trực tiếp lên trạm y tế xin giấy chứng nhận mắc Covid-19 hoặc là F0 đã khỏi bệnh. Các giấy tờ này để người lao động hưởng phụ cấp từ công ty đang làm việc hoặc chế độ của bảo hiểm xã hội.
Quy định mỗi nơi một kiểu
Sau khi chị Y. tỏ ý muốn được mang kit xét nghiệm tại nhà theo, nhân viên y tế cho biết phường không chấp nhận và yêu cầu tất cả người dân phải dùng kit xét nghiệm nhanh của trạm với giá 130.000 đồng/kit.
"Tôi cũng phải ký giấy xác nhận đã được hàng xóm đồng ý cho chồng tôi cách ly, điều trị tại nhà, trong khi tôi được biết thành phố không còn áp dụng quy định này từ lâu", chị Y. kể và cho biết quá trình xét nghiệm tại trạm y tế, chị và chồng phải đứng xếp hàng cùng nhiều người khác cũng là F0, F1.
Người dân chờ xét nghiệm tại trạm y tế lưu động phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa. Ảnh: Mỹ Hà. |
Ngoài lo ngại việc F0, F1 đứng xếp hàng cùng nhau không đảm bảo an toàn, chị Y. băn khoăn về quy định bắt buộc người dân phải được xét nghiệm bằng kit của phường. Với mức giá 130.000 đồng/kit, chị phải bỏ số tiền gấp đôi so với việc tự mua que xét nghiệm nhanh ở thị trường.
Cùng ở quận Đống Đa với chị Y. nhưng Thanh Thủy (25 tuổi, trú phường Hàng Bột) lại được y tế phường tạo điều kiện tốt hơn trong việc cấp giấy chứng nhận mắc Covid-19.
Theo đó, Thủy chỉ cần quay hoặc chụp lại kết quả xét nghiệm dương tính và gửi cho nhân viên y tế phường qua Zalo. Nhân viên y tế chủ động mang giấy yêu cầu cách ly đến cho F0 hoặc người nhà ký là xong thủ tục.
Sau khi có trong danh sách F0 của phường, cô gái 25 tuổi được phát thuốc điều trị, đồng thời được thêm vào một nhóm chat gồm những người mắc Covid-19 tại phường. Nhân viên y tế phụ trách nhóm này sẽ tư vấn, trả lời thắc mắc của bệnh nhân điều trị tại nhà giống như Thủy.
Khỏi bệnh, Thủy cũng chỉ cần gửi lại ảnh xét nghiệm âm tính. Nếu cần giấy xác nhận để hưởng chế độ phụ cấp từ công ty, người dân đến phường và khai báo một số thông tin cá nhân, sau đó sẽ nhận được giấy chứng nhận là F0 khỏi bệnh.
"Mình thấy như vậy tiện hơn là phải ra tận phường xét nghiệm, vừa chen chúc vừa mệt mỏi. Đâu có ai muốn bản thân là F0 mà phải khai báo giả việc này làm gì", Thủy nói.
Theo ghi nhận của Zing, hầu hết trạm y tế phường của Hà Nội đang áp dụng hình thức cho F0 khai báo online bằng cách chụp ảnh hoặc quay quá trình xét nghiệm rồi gửi video qua Zalo. Có nơi chỉ yêu cầu người dân nhắn tin ghi thông tin và xác nhận đã mắc Covid-19. Sau đó, nhân viên y tế sẽ cập nhật danh sách và mang giấy đến cho người dân ký cam kết cách ly, điều trị tại nhà.
Tuy nhiên, một số nơi ở quận Hoàng Mai, Thanh Xuân, Đống Đa... vẫn yêu cầu người dân phải ra trạm y tế để xét nghiệm rồi lấy giấy xác nhận.
Yêu cầu xét nghiệm trực tiếp vì khó xác minh?
Cách đây 2 tuần, Ngọc Anh (23 tuổi, trú phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) có trải nghiệm trở thành F0 và phải đi xin giấy xác nhận từ trung tâm y tế phường.
Theo đó, Ngọc Anh được hướng dẫn mang kit từ nhà đến trung tâm y tế để được nhân viên trực tiếp xét nghiệm và cấp giấy xác nhận đã mắc Covid-19. Nếu không có sẵn kit, người dân sẽ phải trả 100.000 đồng cho một lượt xét nghiệm.
Xếp hàng cùng nhiều F0 khác, nữ nhân viên văn phòng chờ từ 8h đến 10h sáng mới có giấy chứng nhận mắc Covid-19 và giấy yêu cầu cách ly, điều trị tại nhà. Ngọc Anh phải chụp và gửi lại giấy này để công ty xem xét chế độ phụ cấp cho nhân viên trong thời gian điều trị.
Sau khi có kết quả âm tính và cách ly đủ số ngày theo quy định, Ngọc Anh đến trạm y tế để lấy xác nhận mình là F0 đã khỏi bệnh, nhưng lại được nhân viên y tế phường yêu cầu về nhà tự in giấy chứng nhận theo mẫu rồi quay lại.
"Không biết là trạm y tế phường mất bao nhiêu thời gian và bao nhiêu tiền để in giấy mà bắt người dân phải tự chuẩn bị rồi mới xác nhận cho. Quy định với cả người nhiễm bệnh và khỏi bệnh đều quá máy móc", Ngọc Anh bức xúc.
Người dân phường Hoàng Liệt xếp hàng chờ xét nghiệm tại trạm y tế phường sáng 26/2, sau đó trường hợp mắc Covid-19 phải sang UBND phường lấy quyết định cách ly tại nhà. Ảnh: Mỹ Hà. |
Trao đổi với Zing, lãnh đạo phường Hoàng Liệt lý giải việc không áp dụng biện pháp khai báo online do thông tin bị trùng lặp khi người dân gửi khai báo qua nhiều kênh khác nhau; đồng thời, nhiều người gửi thông tin không đầy đủ gây khó trong quá trình xác minh.
Trong khi đó, lực lượng y tế của phường hạn chế chỉ với hơn 10 người và một số sinh viên ngành y hỗ trợ, không đủ đáp ứng trong bối cảnh số lượng F0 ngày càng nhiều.
Do đó, phường Hoàng Liệt yêu cầu với các trường hợp đã tự xét nghiệm tại nhà và cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2, người dân mang theo kit mới ra trạm y tế phường để được cán bộ y tế xét nghiệm lại và cấp giấy xác nhận. Ngoài ra, người dân có thể xét nghiệm rRT-PCR dịch vụ rồi in kết quả, nhờ người nhà mang ra trạm.
Để giải quyết tình trạng F0 tập trung tại trạm y tế, phường Hoàng Liệt đã mở thêm một điểm tại nhà văn hóa khu dân cư Linh Đàm để phân tầng xét nghiệm. Người dân của từng tổ dân phố cũng được yêu cầu ra xét nghiệm theo khung giờ cố định đã phân chia, sắp xếp.
Với người dân đã có kết quả xét nghiệm rRT-PCR, cán bộ tổ dân phố sẽ hỗ trợ để chuyển thông tin người dân đến lực lượng y tế, sau đó liên hệ gia đình và làm giấy quyết định cách ly, chứng nhận mắc Covid-19. Người dân không cần phải đến trạm y tế làm lại xét nghiệm.
Trước đó, trong công điện tối 24/2, UBND Hà Nội yêu cầu các địa phương phối hợp với Sở Y tế tăng cường tập huấn, bổ sung thêm lực lượng, hướng dẫn và ứng dụng công nghệ thông tin trong theo dõi, quản lý và chăm sóc, điều trị F0 tại nhà.
Các phường, xã, thị trấn cần củng cố hỗ trợ chăm sóc, quản lý F0 tại nhà trên cơ sở các thông tin về xét nghiệm, mức độ biểu hiện bệnh của người nhiễm; thành lập các nhóm Zalo, cung cấp số điện thoại đường dây nóng, thường xuyên liên hệ, cập nhật, trao đổi tại các khu dân cư, đảm bảo mọi người dân được tiếp cận nhanh nhất với hệ thống y tế bằng nhiều hình thức.