Trong văn bản hỏa tốc gửi đi ngày 24/2, UBND Hà Nội cho biết theo phản ánh của báo chí, thị trường đang có hiện tượng tăng giá một số vật tư, trang thiết bị y tế, bộ test kháng nguyên Covid-19, máy đo nồng độ oxy trong máu SpO2.
Đồng thời, một số cơ sở lưu thông, kinh doanh thuốc hỗ trợ, điều trị Covid-19 chưa được phép lưu hành, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc để trục lợi. Việc này gây bức xúc trong dư luận và ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.
Theo đó, UBND Hà Nội yêu cầu lãnh đạo Cục Quản lý thị trường thành phố cùng các sở, ngành, địa phương liên quan chỉ đạo tổ chức ngay công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm vi phạm về giấy phép, đầu cơ, tăng giá, kinh doanh hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, nhãn mác đối với mặt hàng vật tư, trang thiết bị y tế...
Kit test Biocredit Covid-19 Ag được rao bán công khai trên mạng xã hội với các mức giá khác nhau. Ảnh: CMH. |
Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội được giao chủ trì, phối hợp Sở Y tế cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí, truyền thông để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh mặt hàng hỗ trợ điều trị Covid-19 và người dân trong công tác phòng, chống dịch.
Cục Quản lý thị trường thành phố chủ trì, kiểm tra, tổng hợp và báo cáo UBND thành phố kết quả kiểm tra, xử lý trước ngày 3/3.
Trước đó, báo chí phản ánh tình trạng loạn giá kit xét nghiệm Covid-19 sau khi tình hình dịch bệnh ở Hà Nội phức tạp, nhu cầu tự xét nghiệm của người dân tăng cao. Các mức giá dao động từ 43.000 đồng đến 105.000 đồng/kit, mức chênh lệch khá cao nếu người dân mua kit số lượng lớn.
Trước tình trạng này, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị sản xuất, nhập khẩu kit test xét nghiệm SARS-CoV-2 chủ động tăng cường sản xuất, nhập khẩu sản phẩm để đảm bảo nguồn cung trên nguyên tắc đảm bảo chất lượng sản phẩm. Các doanh nghiệp có trách nhiệm công khai và cập nhật giá.
Nhà phân phối, bán lẻ thực hiện niêm yết giá, không gom hàng và tăng giá; không để tình trạng giá công bố cao nhưng giá bán thấp, tạo kẽ hở cho các nhà phân phối, bán lẻ lợi dụng làm lũng đoạn thị trường; không bán cho các đơn vị thu mua, đầu cơ để tăng giá khi nhu cầu trong nước đang tăng cao, gây khan hiếm thị trường.