Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cần hơn 900.000 tỷ đầu tư giao thông, các tỉnh phía Nam mới có 1%

Các tỉnh khu vực Nam Bộ cần đến hơn 900.000 tỷ đồng để đầu tư cho giao thông nhưng ngân sách mới chỉ cấp được 1%, số còn lại vẫn phải kêu gọi xã hội hóa.

Ngày 29/6, Đại học Quốc gia TP.HCM phối hợp với UBND TP.HCM tổ chức hội thảo về hạ tầng giao thông khu vực Nam Bộ, nhằm đưa ra các giải pháp phát triển giao thông cho khu vực này.

Ông Lê Đỗ Mười, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông Vận tải chỉ ra hàng loạt điểm nghẽn của giao thông khu vực phía Nam, từ đường bộ, đường thủy, đường sắt cho đến hàng không.

Dù giao thông có nhiều nút thắt nhưng việc đầu tư các tuyến kết nối TP.HCM với các tỉnh Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ vẫn còn hạn chế, nguồn vốn còn ít so với nhu cầu. Điều này khiến cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam dù được đánh giá có nhiều tiềm năng nhưng vẫn chưa được khai thác hiệu quả.

Thieu von dau tu cho giao thong anh 1
Đường từ miền Tây lên TP.HCM thường xuyên kẹt xe. Ảnh: Lê Quân.

Theo tính toán của Công ty Cổ phần Tư vấn thiết kế Giao thông Vận tải phía Nam, tổng nhu cầu vốn đầu tư các dự án trọng điểm kết nối khu vực phía Nam lên đến 907.439 tỷ đồng. Tuy nhiên, mới chỉ có 5 dự án đường bộ được bố trí khoản vốn khiêm tốn là 9.585 tỷ, số còn lại vẫn phải đang kêu gọi đầu tư.

Theo ông Lê Đỗ Mười, cơ quan quản lý cần phân chia các dự án ra thành từng nhóm để bố trí nguồn vốn phù hợp. “Các dự án thiết yếu thì phải sử dụng ngân sách để đảm bảo tiến độ, còn những tuyến cao tốc thì kêu gọi đầu tư xã hội hóa”, ông Mười đề xuất.

Trong khi đó, tiến sĩ Dương Như Hùng, Trưởng khoa Quản lý Công nghiệp (Trường Đại học Bách khoa TP.HCM) cho rằng để kêu gọi được nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài thì Nhà nước phải có biện pháp kiểm soát rủi ro.

Vị này cho biết ngoài việc xem xét đến khả năng thu hồi vốn của dự án thì các nhà đầu tư cũng lo ngại về những rủi ro thường gặp ở Việt Nam. Như thời gian qua, môi trường kinh doanh ở Việt Nam bị tiếng xấu khi tài xế phản ứng, dừng xe gây kẹt đường, nhưng địa phương chưa giải quyết dứt điểm. Mặt khác, khi phát sinh tranh chấp thì chính quyền sẽ áp dụng pháp luật liệu có công bằng, minh bạch hay không cũng là câu hỏi sớm được giải đáp.

Thieu von dau tu cho giao thong anh 2
Tiến sĩ Dương Như Hùng cho rằng cần phải kiểm soát rủi ro để thu hút nhà đầu tư. Ảnh: Sỹ Đông.

Tham gia hội thảo, GS Kim Inhee (Học viện Seoul, Hàn Quốc) dẫn chứng trước đây TP Seoul cũng bị kẹt xe nghiêm trọng, bắt buộc chính quyền phải đầu tư hàng loạt tuyến metro, đường cao tốc để kết nối ngoại vi và các thành phố khác. Khi đó, chính quyền đã áp dụng hình thức đầu tư đối tác công tư để huy động vốn, đáp lại nhà đầu tư được hưởng một số ưu đãi.

Hiện nay, TP Seoul cho phép nhà đầu tư khai thác một số tuyến metro trong vòng 50 năm, sau đó sẽ bàn giao lại cho chính quyền. Vị giáo sư này cho rằng để thu hút được nhà đầu tư thì chính quyền cần phải minh bạch trong quá trình thực hiện dự án.

Chán nản cảnh kẹt xe, hàng loạt tài xế chạy ngược chiều trên cao tốc

Không quan trọng bạn kiên nhẫn đến mức nào nhưng kẹt xe là chuyện thực sự đau khổ, đặc biệt là khi kẹt xe trên cao tốc.

Sỹ Đông

Bạn có thể quan tâm