Phát biểu kết luận Hội nghị đánh giá kết quả 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu chiều 18/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định khu vực này có vai trò đặc biệt quan trọng với diện tích 4 triệu ha, dân số 20 triệu người, đóng góp tỷ trọng lớn trong sản xuất lúa gạo, trái cây, thủy sản.
Theo Thủ tướng, các địa phương có tính tương hỗ với nhau nên đầu tư hỗ trợ ĐBSCL. Đó cũng chính là đầu tư cho TP.HCM nói riêng vả cả nước nói chung. Thủ tướng cũng khẳng định ĐBSCL còn có vai trò lớn với cả thế giới khi góp phần đảm bảo an ninh lương thực bằng việc xuất khẩu gạo cho nhiều khu vực trên toàn cầu.
Miền Tây có thêm 2 tỷ USD cho các dự án trọng điểm
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra một số hạn chế của vùng Tây Nam Bộ, trong đó đặc biệt là thị trường vốn kém phát triển.
Ông nhấn mạnh cần quyết tâm thu hút vốn cho ĐBSCL, xây dựng cơ chế tài chính riêng cho khu vực, hoàn thiện thể chế thu hút đầu tư kinh doanh, đa dạng hóa nguồn vốn, thúc đẩy phát triển các quỹ đầu tư.
"ĐBSCL sẽ được dành riêng 2 tỷ USD vốn tăng thêm so với giai đoạn 2016-2021 để đầu tư vào các dự án liên vùng giải quyết điểm nghẽn về giao thông vận tải, biến đổi khí hậu", Thủ tướng phát biểu.
Ông cũng đồng tình với ý kiến cần phải ưu tiên nâng cấp cơ sở hạ tầng cho vùng Tây Nam Bộ, đẩy nhanh các dự án đã được quy hoạch để cải thiện môi trường kinh doanh. Ví dụ cụ thể về tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Thủ tướng cho biết đây là dự án sẽ được ưu tiên dồn sức trong năm nay.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình và Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân tại hội nghị. Ảnh: Quảng Bình. |
Ngoài ra, Thủ tướng cũng đề nghị các tỉnh ĐBSCL cần liên kết vùng mạnh mẽ hơn để cùng hợp tác sáng tạo, chung sức đầu tư nghiên cứu khoa học công nghệ, các giải pháp sản xuất bền vững và chia sẻ kết quả với nhau.
"Nếu không hợp tác vùng, các chính sách sẽ không thể thành công. TP.HCM cũng cần đóng vai trò nhạc trưởng để điều phối các liên kết vùng. Đây là liên kết qua lại, ĐBSCL phát triển thì TP.HCM cũng phát triển", Thủ tướng nói.
Đề xuất đánh thuế phát thải để chống biến đổi khí hậu
Cũng tại hội nghị, Thủ tướng nhiều lần nhấn mạnh ĐBSCL đang đứng trước thách thức lớn của biến đổi khí hậu khi cuộc sống của hàng triệu người dân miền Tây gắn liền với sông nước.
Ông cho rằng Việt Nam là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu ở châu Á, nhưng điều đáng lo ngại là nhiều người dân chưa nhận thức được nguy cơ và nhiều doanh nghiệp chưa sẵn sàng đóng góp để giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu.
Xác định phương châm là Chính phủ thúc đẩy, doanh nghiệp hành động, người dân hưởng ứng, Thủ tướng nêu nhiều giải pháp để ngăn chặn tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu với ĐBSCL.
Chính phủ sẽ đóng vai trò xác lập cơ chế, bố trí nguồn lực thúc đẩy phát triển hạ tầng cứng, tạo lập môi trường kinh doanh tốt nhất cho doanh nghiệp, tạo ra sự linh hoạt của chính sách.
"Cần đưa ngân sách chi cho biến đổi khí hậu thành khoản chi chính trong ngân sách của địa phương. Ngân sách trung ương sẽ đối ứng", ông nói.
Ông cũng đề nghị Bộ Tài chính trình Quốc hội phương án đánh thuế phát thải để cắt giảm lượng khí phát thải và hỗ trợ các địa phương trong chương trình chống biến đổi khí hậu. Ngoài ra, Thủ tướng cũng nêu ý tưởng đổi tên Bộ Tài nguyên và Môi trường thành Bộ Tài nguyên, Môi trường và Biến đổi khí hậu.
Với khối doanh nghiệp, Thủ tướng cho rằng nhóm này phải đóng vai trò đầu tư thực hiện trực tiếp các dự án cụ thể. Cuối cùng, ông nhấn mạnh cần phải nâng cao nhận thức của người dân về biến đổi khí hậu để tạo ra sự đồng thuận trong cộng đồng.
Nhắc lại Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu cách đây 2 năm thúc đẩy triết lý phát triển "thuận thiên", Thủ tướng khẳng định: "Chúng ta dựa vào quy luật tự nhiên để phát triển, không can thiệp thô bạo vào tự nhiên nhưng không có nghĩa là luôn chấp nhận tạo hóa".
Theo Thủ tướng, những kết quả đạt được trong thời gian tới có thể sẽ còn tốt hơn nếu phát huy vai trò của chính quyền, tạo lập chính sách phù hợp, huy động được tâm sức của các nhà khoa học, kêu gọi sự tham gia của doanh nghiệp, sự hưởng ứng của người dân.
"Biến đổi khí hậu không đáng sợ bằng việc dao động ý chí, niềm tin của người Việt Nam trước biến đổi khí hậu. Chống biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai là cả một cuộc chiến trường kỳ hết sức khó khăn và phức tạp, cần sức mạnh của nhân dân và cả hệ thống chính trị thì mới có thể bền vững và thành công", Thủ tướng kết luận.