Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Đầu tư giao thông cho TP.HCM và miền Tây thấp và chậm'

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng chậm xây dựng hạ tầng giao thông là vật cản lớn nhất với phát triển kinh tế của Đồng bằng Sông Cửu Long và cả TP.HCM.

Phát biểu tại Hội nghị đánh giá kết quả 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu chiều 18/6, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng quy hoạch giao thông của vùng Tây Nam Bộ và TP.HCM đã có nhưng còn triển khai còn chậm. 

"Chậm về hạ tầng giao thông là vật cản lớn nhất với phát triển kinh tế của ĐBSCL và cả TP.HCM. Nhắc đến khó khăn của TP.HCM có thể nói về ngập nước nhưng giao thông mới là trở ngại lớn nhất", Bí thư Nhân khẳng định. 

Đầu tư giao thông cho TP.HCM và miền Tây cần tương xứng với đóng góp

Theo Bí thư Nhân, về mặt địa lý TP.HCM thuộc vùng Đông Nam Bộ, tuy nhiên hoạt động kinh tế của thành phố gắn với Tây Nam Bộ lại nhiều hơn. Ông dẫn chứng nếu không tính TP.HCM, Đông Nam Bộ đóng góp 9,8% GDP cả nước nhưng Tây Nam Bộ đóng góp tới 18%.

Ngoài ra, diện tích miền Đông là 21.000 km2 vuông còn miền Tây là 40.000 km2. Miền Đông có 8,4 triệu người còn miền Tây là 19,6 triệu.

Bí thư TP.HCM cũng dẫn số liệu trung bình 5 năm, TP.HCM lại đón thêm 1 triệu người lao động nhập cư thì hầu hết là cư dân của ĐBSCL.

"TP.HCM mang ơn vùng Tây Nam Bộ đã cung cấp lao động cho thành phố", Bí thư Nhân phát biểu.

Theo ông, nếu muốn giải quyết bài toán giao thông của khu vực thì phải nhìn nhận TP.HCM như đầu mối quy hoạch của cả 2 vùng phía Đông và phía Tây. Nếu không, quy hoạch sẽ gặp vướng mắc.

Dau tu giao thong cho TP.HCM va mien Tay thap anh 1
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội nghị chiều 18/6. Ảnh: Quảng Bình.

Chỉ ra nguyên nhân khiến giao thông đang là lực cản với phát triển của khu vực, Bí thư Nhân đánh giá đầu tư hạ tầng giao thông cho TP.HCM và Tây Nam Bộ, Đông Nam bộ chưa tương xứng với đóng góp của khu vực này cho cả nước.

Bí thư TP.HCM lấy ví dụ Tây Nam Bộ đóng góp 18% GDP cả nước nhưng chỉ được đầu tư giao thông 12% trong giai đoạn 2011-2015 và gần đây tỷ lệ được nâng lên 15%.

Còn nếu tính Tây Nam Bộ và Đông Nam Bộ là một khối kinh tế chung thì hai khu vực này chiếm tổng cộng 42% GDP cả nước. Tuy nhiên, đầu tư cho giao thông của TP.HCM và miền Tây chỉ chiếm khoảng 20-25% tổng đầu tư. Ông Nhân cho rằng những số liệu này mất cân đối và phải được điều chỉnh lại.

"15 năm qua chúng ta đầu tư cho hạ tầng giao thông của miền Tây và TP.HCM thấp so với yêu cầu và chậm so với cả nước. 10 năm tới cần là giai đoạn tăng tốc đầu tư, bù lại cho thời gian chậm, phải đầu tư cao hơn mới khắc phục được sự tụt hậu để đóng góp chung cho cả nước", Bí thư Nhân nói.

Một nguyên nhân khác được ông Nhân chỉ ra là tỷ lệ xã hội hóa trong đầu tư hạ tầng giao thông còn thấp. Bí thư TP.HCM cho biết 10 năm qua, tỷ lệ xã hội hóa đầu tư chưa tới 4%. Trong khi đó, 96% vốn còn lại cho giao thông vùng Tây Nam Bộ và TP.HCM là ngân sách Nhà nước.

Trích riêng ngân sách TP.HCM đóng góp cho trung ương để đầu tư

Tại hội nghị, Bí thư Nhân kiến nghị nhiều giải pháp để cải thiện chất lượng hạ tầng giao thông của TP.HCM và ĐBSCL.

Đầu tiên, ông nhấn mạnh phải điều chỉnh tỷ trọng đầu tư cho giao thông của khu vực này từ mức 20-25% hiện tại lên mức 30-35% mới đảm bảo yêu cầu phát triển. Trong đó, riêng đầu tư vào miền Tây cần tăng lên 15-20%.

Dau tu giao thong cho TP.HCM va mien Tay thap anh 2
Kẹt xe nghiêm trọng từ miền Tây về TP.HCM thời điểm kết thúc kỳ nghỉ Tết Âm lịch 2019. Ảnh: Lê Quân.

Về vấn đề vốn đầu tư, Bí thư TP.HCM cho rằng cần xác định nguồn vốn có mục tiêu. Theo ông, ngân sách TP.HCM thu hàng năm nộp về trung ương có thể dành một phần riêng cho đầu tư hạ tầng giao thông của khu vực.

"Hàng năm, TP.HCM nộp ngân sách về trung ương 80%, tự giữ lại 20% ngân sách. Có thể trong 80% đó, dành riêng khoảng 20% đầu tư cho giao thông trong 5-10 năm tới. Trước khi hòa chung thì dành riêng một phần ngân sách thành phố thu được đầu tư cho chính TP.HCM và vùng Tây Nam Bộ. Đây chính là nguồn tại chỗ", ông Nhân phân tích.

Bên cạnh đó, Bí thư TP.HCM cho rằng cần tăng tỷ lệ xã hội hóa trong đầu tư hạ tầng giao thông. Một giải pháp theo ông là có thể phát hành trái phiếu Chính phủ trong nước chỉ tập trung cho giao thông.

"Nợ công hiện chiếm 62% GDP. Còn 4% là chạm trần, chúng ta chỉ cần thêm 2% bằng trái phiếu trong nước cho giao thông mà không vượt trần nợ công cũng không nợ nước ngoài. Nguồn này tại chỗ mà hiệu quả", Bí thư Nhân đề xuất.

Ngoài ra, một số kiến nghị khác của Bí thư TP.HCM là xác định các công trình giao thông trọng điểm để tập trung đầu tư. Ông mong muốn sớm công bố công nghệ biến xỉ của nhà máy nhiệt điện ở miền Tây làm vật liệu xây dựng tại chỗ.

Giao thông miền Tây không còn lụy đò nhưng rơi vào cảnh lụy đường

"Sau khi cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống thông xe, không còn cảnh lụy đò nhưng rơi vào cảnh lụy đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận chưa xong", đại biểu Phạm Văn Hòa nói.



Việt Đức

Bạn có thể quan tâm